Các thành phố Đông Nam Á (thuộc Việt Nam, Lào, Campuchia) vừa tổ chức Hội nghị trao đổi các giải pháp giải quyết các vấn đề chung trong quá trình đô thị hóa, là an ninh - an toàn, rác thải và nước thải, giao thông và không gian công cộng, biến đổi khí hậu…
Các thành phố Đông Nam Á (thuộc Việt Nam, Lào, Campuchia) vừa tổ chức Hội nghị trao đổi các giải pháp giải quyết các vấn đề chung trong quá trình đô thị hóa, là an ninh - an toàn, rác thải và nước thải, giao thông và không gian công cộng, biến đổi khí hậu… Với chủ đề “Suy nghĩ về những thách thức của việc kiến thiết đô thị bền vững”, các giải pháp được đưa ra với tiêu chí ứng dụng công nghệ mới, thông minh trong quản trị, điều hành. Và đó còn là tin học hóa, số hóa các dịch vụ, trao đổi, hợp tác giữa các đô thị trong khu vực Đông Nam Á…
|
Thành phố Phnom Penh trong quá trình phát triển hiện đại, vẫn giữ những kiến trúc truyền thống đặc sắc và những mảng cây xanh. (Ảnh chụp lại) |
Thống kê cho thấy, vào năm 2010, 10 nước ASEAN có 250 triệu dân sinh sống ở khu vực thành phố, chiếm 42% tổng dân số. Dự báo đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 50%, riêng Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ đạt đến tỷ lệ 50% vào năm 2035, muộn hơn các nước ASEAN còn lại. 3 nước Đông Nam Á có tỷ lệ tăng dân số đô thị gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên (từ 3,5% - 15%), nhưng dân số vùng nông thôn vẫn chiếm 2/3 tổng số dân. Dự báo, có 4 thành phố ở Đông Nam Á, bao gồm Tp. HCM, sẽ có dân số khoảng 10-15 triệu người đến 2025 và sẽ được xếp hạng đô thị đặc biệt lớn (siêu đô thị).
Các thành phố Đông Nam Á nói riêng và các thành phố thành viên ASEAN nói chung, đang đối mặt với các vấn đề của đô thị hóa. Thị trưởng thành phố Phnom Penh - ông Khuong Sreng nhấn mạnh sự thay đổi đáng nể của thủ đô Phnom Penh trong 40 năm, từ một nơi hoang tàn trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đặt ra cho chính quyền thủ đô Phnom Penh nhiều thách thức, trong đó có vấn đề nhà ở và giao thông đô thị.
Cụ thể, Phnom Penh có số lượng cư dân tăng gấp đôi từ năm 1998-2006, diện tích đô thị hóa tăng từ 110-160 km2 trong 10 năm. Hơn nữa, tốc độ thị hóa là 21%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (khoảng 7%) cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến sự phát triển bừa bãi và không có kiểm soát. Điển hình là thành phố Sihanouk (Sihanoukville, thành phố biển ở miền nam Campuchia) được xem là đô thị có tốc độ xây dựng nhanh chưa từng có, khi chỉ trong vòng 2 năm, cả ngàn tòa nhà cao tầng mọc lên. Tuy nhiên, ngay sau đó, thành phố phải đối mặt với nạn ngập lụt, vì nước không thoát ra biển được do các công trình chặn dòng chảy. Chính quyền thành phố phải sử dụng drones (các thiết bị bay không người lái) khảo sát thành phố trong nhiều tháng liền và thống kê được hơn 50 điểm ngập lụt…
Đô thị hóa quá nhanh sẽ dẫn đến đời sống cư dân ở vùng không thuận lợi và những khu phố tồi tàn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ sống ở những khu nhà cũ, ở ngoài đường, khu ổ chuột, bãi đất trống, vùng trũng, đầm lầy, đường ray... thiếu quyền truy cập vào các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, vệ sinh… và họ dễ bị tổn thương cũng như dễ bị di dời… Đô thị hóa quá nhanh làm gia tăng áp lực về nhà cửa - việc làm, thách thức về giao thông, không gian công cộng bị cản trở và môi trường suy thoái… khiến nhiều giá trị bị thay thế hay mất đi so với đô thị lịch sử.
Ứng phó với những chuyển biến của đô thị và làm hồi sinh những khu phố tạm, mà vẫn giữ được những di tích lịch sử và những giá trị văn hóa truyền thống? Giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn? Khôi phục và tái tạo tự nhiên với phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường đang tăng lên? Công nghệ và sự gia tăng tiêu thụ tài nguyên? Tài chính để kiến thiết?... là những vấn đề cấp bách của các thành phố Đông Nam Á và cũng đang được tổ chức AIMF tích cực hỗ trợ.
3 quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia), mặc dù đã có những hiệp ước và thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… giữa chính quyền các địa phương một cách bền vững; cũng như, trao đổi nhiều nội dung để đáp ứng những thách thức của quá trình chuyển biến đô thị, như cải tạo môi trường sống, cải thiện không gian công cộng, tăng cường hội nhập khu vực, đối thoại đa lĩnh vực giữa chính quyền địa phương - chính quyền trung ương - đối tác quốc tế… góp phần vào quá trình hội nhập khu vực tại Tam giác Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia) và ASEAN, nhằm tìm ra các chính sách để đối phó với những thách thức của các thành phố châu Á trong thế kỷ 21... nhưng lại đang thiếu tài chính để kiến thiết thành phố theo hướng thành phố thông minh, đô thị di động, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển không gian công cộng, cải tạo nhà ở, xử lý rác thải…
Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chia sẻ: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, dẫn tới cần làm rõ một khái niệm là “cộng đồng thông minh”. “Cộng đồng thông minh” được ra đời để giải quyết thách thức nảy sinh của quá trình đô thị hóa bằng cách kết hợp các loại hình hạ tầng đô thị khác nhau một cách hợp lý và hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể đảm bảo được sự nhất quán và tích hợp giữa các loại hình hạ tầng đô thị để đáp ứng những yêu cầu đối với hạ tầng thông minh cho cộng đồng, vì thực tế, các nhà quản lý và điều hành đô thị hiện chỉ tập trung vào việc lắp ghép và ứng dụng các giải pháp cho từng hệ thống hạ tầng đô thị một cách đơn lẻ.
Tham gia vào mục tiêu xây dựng thành phố bền vững và ứng phó với những thách thức trong kiến thiết đô thị, ông Châu Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế đã chia sẻ kinh nghiệm trong “Quản lý không gian công cộng và phục hồi chức năng không gian công cộng ở thành phố Huế”. Theo đó, để quy hoạch phát triển thành phố Huế trong giai đoạn hiện nay, thành phố Huế phải di dời khoảng 2.500 hộ dân ra khỏi khu vực hệ thống di tích Kinh thành Huế giai đoạn 2019-2020, giúp người dân ổn định cuộc sống, cải thiện môi trường sống và nâng cao hình ảnh du lịch Huế. Các thành phố ở Đông Nam Á có thể học hỏi mô hình phát triển của các thành phố lớn ở các nước thành viên Liên minh châu Âu, nhưng phải áp dụng thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh khác nhau của mỗi đô thị, nhất là vấn đề môi trường và giao thông.
NHẬT QUÂN