Dịch COVID-19 ngày 26-2: Hàn Quốc tăng lên hơn 1.100 ca nhiễm, Ý 322 ca

08:02, 26/02/2020

Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.146, trong khi số ca nhiễm ở Ý cũng tăng vọt lên hơn 300 người.

Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.146, trong khi số ca nhiễm ở Ý cũng tăng vọt lên hơn 300 người.
 
 
Số ca nhiễm vượt 1.100, Hàn Quốc 'huy động mọi nguồn lực' chống dịch
 
Cập nhật của Hãng tin Yonhap lúc 9h59 (giờ địa phương) cho thấy Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.146 ca. 
 
Đến nay Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục.
 
Ngày 26-2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực sẵn có để ngăn dịch COVID-19 lây lan nhanh ở Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc. 
 
"Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực và phương tiện để không bỏ lỡ thời điểm quan trọng nhất nhằm ngăn chặn con virus này" - ông nói.
 
Ông Chung hiện có mặt tại thành phố Daegu để dẫn dắt công tác phòng chống dịch của chính phủ.
 
Ý tăng vọt lên 322 ca nhiễm, 11 ca tử vong
 
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đổ lỗi cho việc quản lý kém của một bệnh viện ở phía bắc nước này khi để dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) lây lan nhanh chóng. Cho đến hết ngày 25-2, theo hãng tin AFP, tại Ý có 11 ca tử vong và 322 ca nhiễm, con số người nhiễm lớn nhất châu Âu.
 
Tất cả những bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tại Ý đều là người lớn tuổi hoặc người có tiền sử bệnh tật.
 
Tuy nhiên, dù số ca nhiễm tại Ý vẫn tiếp tục tăng lên thì các bộ trưởng y tế của các nước láng giềng với Ý, họp tại thành phố Rome (Ý) cùng với ủy viên y tế EU, nói rằng việc đóng cửa biên giới sẽ là một biện pháp "không cân xứng và không hiệu quả".
 
"Chúng ta đang nói về một chủng virus không quan tâm đến đường biên giới" - Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói.
 
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, cũng có mặt tại cuộc họp ở Rome, nói rằng các bộ trưởng đang rất nghiêm túc đánh giá vấn đề.
 
"Virus corona đã đến châu Âu lần đầu tiên trong một tình huống mà chúng ta chưa hiểu hết về cách thức lây nhiễm và không có mối liên kết trực tiếp với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chúng ta có một tình huống mới cần giải quyết. Tôi đã nói rằng tình hình có thể sẽ tệ hơn trước khi tốt lên và tôi vẫn giữ nguyên quan điểm này" - bộ trưởng Spahn cho biết.
 
Vùng Tuscany đã báo cáo 2 ca nhiễm đầu tiên, bao gồm một hướng dẫn viên du lịch, trong khi có 3 ca xuất hiện tại vùng Sicily, bao gồm một cặp vợ chồng đến từ vùng Lombardy vốn là vùng ảnh hưởng nặng nhất với 240 người dương tính với virus corona.
 
Ca tử vong thứ 11 tại Ý là một cụ bà 76 tuổi ở vùng Veneto, được báo cáo vào tối 25-2.
 
Thêm 3 vùng, tỉnh ở Trung Quốc hạ mức phản ứng khẩn cấp với dịch COVID-19
 
Tân Hoa xã ngày 26-2 đưa tin thêm 3 vùng của Trung Quốc là Nội Mông, Tân Cương và tỉnh Tứ Xuyên đã hạ mức phản ứng khẩn cấp với dịch COVID-19 sau khi đánh giá các mối nguy hiểm  từ virus corona chủng mới đã giảm đi.
 
Trung Quốc có 4 mức phản ứng khẩn cấp đối với các vấn đề y tế cộng đồng khẩn cấp, với mức I là mức nguy hiểm nhất.
 
Theo Tân Hoa xã, tỉnh Tứ Xuyên thông báo đang điều chỉnh các biện pháp chống dịch COVID-19 từ mức I xuống mức II trong khi Nội Mông sẽ thay đổi từ mức I xuống mức III. Tân Cương hạ mức phản ứng khẩn cấp từ I xuống II.
 
Đã có 12 nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 
 
Hôm nay và hôm qua (25-2), thêm một số quốc gia châu Âu công bố các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, bao gồm: Tây Ban Nha, Croatia, Áo, và Thuỵ Sỹ. 
 
Tây Ban Nha đã cách ly hàng trăm du khách tại một khách sạn trên quần đảo Canary vì một du khách người Ý nhập viện do nghi nhiễm virus corona. Nước này đã ghi nhận 3 ca nhiễm. 
 
Croatia xác nhận trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở vùng Balkans sau khi một thanh niên trẻ vừa trở về từ Ý và dương tính với virus corona. 
 
Áo, giáp biên giới với Ý, cũng xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên trong ngày 25-2 tại tỉnh Tyrol. 
 
Thụy Sĩ cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, buộc công ty thực phẩm Nestle của nước này phải tạm hoãn các chuyến công tác cho đến 15-3. 
 
Pháp thông báo 2 ca mới và Đức cũng báo một ca nhiễm COVID-19 mới. 
 
Như vậy, tính đến 6h30 sáng ngày 26-2 (theo giờ Việt Nam), đã có 12 quốc gia châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19, bao gồm: Ý (322), Đức (18), Anh (13), Pháp (14), Nga (2), Tây Ban Nha (3), Áo (2), Bỉ (1), Phần Lan (1), Croatia (1), Thuỵ Điển (1), và Thuỵ Sỹ (1).
 
El Salvador cấm du khách đến từ Ý và Hàn Quốc 
 
Tổng thống El Salvador ngày 25-2 cho biết nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài đến từ Ý và Hàn Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
 
Theo hãng tin Reuters, các công dân và nhà ngoại giao người El Salvador trở về từ 2 quốc gia trên sẽ phải chịu cách ly 30 ngày. Cho đến nay El Salvador chưa có ca nhiễm COVID-19 nào.
 
 
Algeria có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
 
Bộ Y tế Algeria ngày 25-2 báo cáo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này là một người đàn ông đến từ Ý vào ngày 17-2 và đã được cách ly.
 
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cũng thông tin trên Twitter rằng ông đã yêu cầu các quan chức y tế tăng cường cảnh giác về dịch bệnh lên mức tối đa. Ông kêu gọi mọi người dân Algeria cẩn thận trước thông tin mà họ đang chia sẻ.
 
CDC cảnh báo người dân sẵn sàng ứng phó dịch COVID-19
 
Cùng ngày, một trong các quan chức hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo sẽ có thêm các ca nhiễm mới tại nước này. "Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm sự lây nhiễm virus trong cộng đồng tại đất nước này" - bác sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung Tâm Miễn dịch và bệnh Hô hấp Quốc gia thuộc CDC, nói.
 
"Giờ không còn là câu hỏi liệu sự lây nhiễm sẽ xảy ra thêm nữa hay không mà câu hỏi chính xác hơn nên là có bao nhiêu người ở nước này sẽ bị bệnh" - bà Messonier nói thêm.
 
CDC cũng đã thông báo trên Twitter trong ngày 25-2, kêu gọi người dân Mỹ trong tư thế sẵn sàng ứng phó trước dịch COVID-19. "Bây giờ là thời điểm để các doanh nghiệp, bệnh viện và cộng đồng dân cư tại Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho sự lây nhiễm có thể xảy ra của COVID-19" - thông báo trên Twitter của CDC.
 
Trong một diễn biến liên quan, theo đài CNN, thị trưởng San Francisco London Breed đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại thành phố này trong bối cảnh lo sợ sự lây lan của COVID-19. Thị trưởng Breed đã ra tuyên bố này vào trưa 25-2 (giờ Mỹ) dù thành phố chưa có ca nhiễm nào với lý do San Francisco cần chuẩn bị trong tình huống virus lây lan trong khu vực.
 
Tính đến 7h15 ngày 26-2 (giờ Việt Nam), trên thế giới đã có hơn 80.400 ca nhiễm với các “điểm nóng” tập trung ở các khu vực Trung Đông, châu Âu, và Đông Bắc Á (Hàn Quốc và Nhật Bản).
(Theo tuoitre.vn)