Dịch COVID-19 ngày 27-2: Số ca nhiễm ở Hàn Quốc vọt lên gần 1.600

09:02, 27/02/2020

Hàn Quốc sáng nay ghi nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 1.595, với 13 ca tử vong. Tại Ý số ca nhiễm cũng lên 470.

Hàn Quốc sáng nay ghi nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 1.595, với 13 ca tử vong. Tại Ý số ca nhiễm cũng lên 470.
 
* Bản tin cập nhật lúc 8h40 ngày 27-2 
 
 
8h10 sáng 27-2, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hàn Quốc cho biết nước này ghi nhận thêm 334 ca nhiễm dịch COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên 1.595, với 13 ca tử vong.
 
Trong khi đó Đại sứ quán Trung Quốc tại LB Nga đã gửi công hàm phản đối đến Thị trưởng thành phố Matxcơva bày tỏ lấy làm tiếc trước tình trạng các công dân Trung Quốc ở Matxcơva bị kiểm tra hàng loạt.
 
Mỹ - Hàn hoãn vô thời hạn các cuộc tập trận chung
 
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 27-2 thông báo sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc tập trận chung trong tương lai trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Hàn Quốc. Quyết định được đưa ra sau khi Seoul nâng mức cảnh báo đối với dịch bệnh lên mức cao nhất. Các hoạt động huấn luyện chung cũng sẽ bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới.
 
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nâng mức khuyến cáo du lịch Hàn Quốc lên mức cao thứ hai, kêu gọi công dân Mỹ xem xét lại việc đi du lịch Hàn Quốc vì lo ngại dịch COVID-19.
 
Một tài xế được xét nghiệm covid-19 tại một phòng khám lái xe tại bệnh viện ở daegu, hàn quốc, ngày 27-2
Một tài xế được xét nghiệm covid-19 tại một phòng khám lái xe tại bệnh viện ở daegu, hàn quốc, ngày 27-2
 
Ca nhiễm tại Ý tiếp tục tăng mạnh
 
Tờ China Daily ngày 27-2 đưa tin tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã tăng lên 470 ca. Trong khi đó, hãng tin AP cho rằng Ý có 447 ca nhiễm.
 
Chính quyền Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã kêu gọi các nước láng giềng ở châu Âu hợp tác thay vì cô lập và phân biệt Ý. Đã có 12 người tử vong ở Ý trong bối cảnh nước này đang vật lộn với dịch bệnh bùng phát.
 
Chặng đua Formula 1 Vietnam Grand Prix vẫn diễn ra 
 
“Vietnam Grand Prix sẽ diễn ra vào 5-4 tại Hà Nội, chúng tôi sẽ vẫn tổ chức chặn đua. Chúng ta sẽ đến Melbourne, đến Bahrain và Hà Nội” - Hãng tin Reuters ngày 26-2 dẫn lời ông Chase Carey -Tổng giám đốc Formula 1. 
 
Ngày 26-2, Vietnam Grand Prix (VGPC) - đơn vị tổ chức chặng đua Formula 1 Vietnam Grand Prix - chính thức công bố đường đua Hà Nội đã hoàn tất thi công toàn bộ 5.607km và các hạng mục cố định đi kèm. 
 
“Chúng tôi đã sẵn sàng và chờ đợi chào đón thế giới đến với Hà Nội” - bà Lê Ngọc Chi - tổng giám đốc Vietnam Grand Prix - cho biết. 
 
F1 Việt Nam là chặng đua thứ 3 trong Giải vô địch thế giới FIA F1 năm 2020 (sau chặng Úc và Bahrain). F1 Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-4 tại thủ đô Hà Nội, hi vọng là một trong những đường đua thử thách nhất trong lịch sử giải đua xe Công thức 1.
 
 
Trung Quốc thêm 433 ca nhiễm mới, 29 ca tử vong
 
Trung Quốc sáng 27-2 thông báo trong ngày 26-2, nước này có thêm 433 ca nhiễm mới tại đại lục, cao hơn so với số 406 ca nhiễm mới của ngày 25-2. Số ca tử vong là 29, thấp nhất trong 1 tháng qua. Riêng tỉnh Hồ Bắc ghi nhận thêm 409 ca nhiễm mới và 26 ca tử vong.
 
Tính đến cuối ngày 26-2, tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận tổng cộng 65.596 ca nhiễm COVID-19 và 2.641 ca tử vong. Tổng số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục là 2.744 ca, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
 
 
Ông Trump: “Nguy cơ đối với người Mỹ là rất thấp”
 
Tại cuộc họp báo sáng 27-2 (giờ VN), tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết số ca ở Mỹ rất thấp và các bệnh nhân đang hồi phục. Trong số 15 người nhiễm tại Mỹ, 8 người đã trở về nhà, 1 người sắp được xuất viện, 1 người vẫn trong bệnh viện và 5 người đã hồi phục hoàn toàn. 
 
“Nguy cơ đối với người Mỹ là rất thấp” - ông Trump nhấn mạnh, tuy nhiên khẳng định Mỹ đã sẵn sàng thích ứng và áp dụng mọi biện pháp nếu dịch bệnh lan rộng.
 
Chính quyền Tổng thống Trump đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ phía các nhà lập pháp khi cho rằng chưa đưa ra các thông tin cũng như hành động kịp thời để ứng phó với dịch bệnh trên.
 
Tại cuộc họp báo, ông Trump cũng chỉ định phó tổng thống Mỹ Mike Pence chịu trách nhiệm về phản ứng của Mỹ đối với dịch bệnh COVID-19. 
 
Ông Pence sẽ làm việc với các cơ quan y tế của Mỹ. Phát biểu ngay sau đó, ông Pence cho biết sẽ làm việc với lãnh đạo các ban và các cơ quan y tế để đảm bảo các nguồn lực cần thiết để đối phó với dịch bệnh. 
 
“Dù nguy cơ đối với công chúng Mỹ vẫn còn thấp… chúng tôi đã chỉ đạo đội ngũ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khoẻ của người Mỹ. Không có ưu tiên nào cao hơn an toàn, an ninh và sức khoẻ của người Mỹ” - phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cảnh báo số ca nhiễm tại Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng. “Chiến dịch khống chế dịch của chúng ta đang hiệu quả nhưng mức độ rủi ro có thể thay đổi rất nhanh chóng” - ông Azar nói, kêu gọi mọi người chuẩn bị cho tình huống có thể thay đổi. 
 
Trong khi đó, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Anne Schuchat cũng kêu gọi các cơ quan và tổ chức Mỹ chuẩn bị cho kế hoạch xảy ra dịch. “Chúng tôi cho rằng sẽ có thêm các ca nhiễm. Đây là lúc để công chúng Mỹ chuẩn bị” - bà Schuchat nhấn mạnh.
 
Phe Dân chủ đề nghị chi 8,5 tỉ USD nhằm ứng phó với dịch
 
Ngày 26-2, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer đã gửi đề xuất tới Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, theo đó yêu cầu khoản ngân sách khẩn cấp trị giá 8,5 tỉ USD cho cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
 
Khoản ngân sách được yêu cầu trong đề xuất nhiều hơn 3 lần so với số tiền 2,5 tỉ USD mà chính quyền ông Trump yêu cầu, trong đó có khoản tiền 1,25 tỉ USD tài trợ mới và phần còn lại được lấy từ các chương trình y tế hiện nay, bao gồm 535 triệu USD từ ngân sách chống dịch Ebola.
 
Trong thông báo sau đó, TNS Schumer thúc giục Quốc hội nhanh chóng thông qua đề xuất trên bởi nó giúp mang lại các nguồn lực rất cần thiết cho cuộc chiến toàn cầu chống lại chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), đồng thời cho rằng người dân Mỹ cần biết chính phủ đang chuẩn bị để đối phó với tình hình trước khi dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng.
 
Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC), tính đến hết ngày 24-2, Mỹ đã xác nhận tổng cộng có 53 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 14 ca được phát hiện tại Mỹ và 39 ca là các trường hợp trở về từ tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hoặc tàu du lịch Diamond Princess đang được cách ly tại Nhật Bản. 
 
Giới chức Mỹ đã cảnh báo số ca nhiễm từ các công dân hồi hương này có thể sẽ tiếp tục tăng.
 
Nga phòng dịch nghiêm ngặt
 
Đại sứ quán Trung Quốc tại LB Nga đã gửi công hàm phản đối đến Thị trưởng thành phố Matxcơva bày tỏ lấy làm tiếc trước tình trạng các công dân Trung Quốc ở Matxcơva bị kiểm tra hàng loạt.
 
Trên tàu điện ngầm, xe buýt và xe chạy điện, cảnh sát và nhân viên tàu điện ngầm hoặc nhân viên Sở Giao thông thành phố Matxcơva (Mosgortrans) chỉ chặn các công dân Trung Quốc để kiểm ra.
 
Công hàm khẳng định không có sự giám sát đặc biệt đối với người Hoa ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ và các biện pháp dịch tễ học không nên phân biệt đối xử.
 
Nhiều quốc gia có ca nhiễm đầu tiên
 
Gruzia, Romania, Na Uy có các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ca nhiễm số 1 tại Romania là người từng tiếp xúc với một người Ý từng đến Romania hồi đầu tháng này trong khi ca tại Na Uy là một người trở về từ nước đang là điểm nóng của dịch Trung Quốc.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26-2 cho biết hiện số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở các nước trên thế giới nhiều hơn tại Trung Quốc đại lục, đánh dấu sự biến đổi của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
 
Tính đến tối 26-2, giờ Việt Nam, trên toàn thế giới đã có 81.279 ca nhiễm bệnh COVID-19 và 2.770 trường hợp tử vong, trong đó Trung Quốc đại lục có 2.715 ca. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
Iran tuyên bố sớm sản xuất "hàng triệu bộ xét nghiệm"
 
“Chúng ta sẽ sớm có thể sản xuất hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu bộ xét nghiệm này và trang bị cho tất cả bệnh viện trên cả nước”. 
 
Phát biểu trong một phiên họp nội các tại Tehran ngày 26-2 (giờ địa phương), Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết các chuyên gia nước này đang chuẩn bị tiến hành khâu thử nghiệm cuối cùng đối với thiết bị xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt trong tương lai gần.
 
Ông Rouhani khẳng định tất cả các cuộc thử nghiệm ban đầu đối với thiết bị này đã cho kết quả “tích cực và đáng tin cậy”, đồng thời nói thêm rằng thiết bị này sẽ được đưa vào khâu thử nghiệm cuối cùng trong vài ngày tới.
 
Tính tới ngày 26-2, Iran đã có 19 người thiệt mạng vì COVID-19.
 
Nga sắp ngừng bay đến Hàn Quốc, đưa công dân về nước
 
Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova thông báo từ ngày 1-3 tới, tất cả các hãng hàng không, ngoại trừ Aeroflot và Aurora, sẽ ngừng bay tới Hàn Quốc.
 
Bà Golikova cho biết hãng hàng không Aurora sẽ hoạt động theo chế độ bay thuê cho đến khi đưa tất cả công dân Nga về nước. 
 
Các chuyến bay của Aeroflot từ Hàn Quốc đến Matxcơva, hành khách sẽ nhập cảnh qua nhà ga F của sân bay Sheremetyevo chứ không phải nhà ga quốc tế D như bình thường. Trước đó, các hành khách đến từ Trung Quốc cũng nhập cảnh qua nhà ga F.
 
Thêm vào đó, từ nửa đêm 28-2, Nga sẽ ngừng cấp thị thực quá cảnh và thị thực thông thường cho công dân Iran, ngoại trừ các mục đích kinh doanh và nhân đạo.
 
(Theo tuoitre.vn)