Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội trên địa bàn Lâm Hà...
Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội trên địa bàn Lâm Hà. Tuy nhiên, hiện hoạt động này còn mang tính tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ, làm biến tướng gây ảnh hưởng xấu với dư luận...
|
Hoạt động từ thiện xã hội luôn được nhiều người quan tâm, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội |
Trên địa bàn huyện Lâm Hà, các hoạt động từ thiện nhân đạo (phát quà từ thiện, khám bệnh phát thuốc miễn phí) ngày càng được đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện để hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, những người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa của huyện. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm có ý nghĩa cao đẹp đó, vẫn còn có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác từ thiện, nhân đạo để thực hiện mục đích khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Điển hình như tại xã Tân Thanh, trong tháng 5/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện cho một nhà thờ đứng ra hỗ trợ xây dựng thô và sửa chữa lại nền nhà cho 2 hộ dân là ông Lô Văn Tâm và bà Lý Thị Diêm ở thôn Tân Hợp (xã Tân Thanh) không báo với các cấp chính quyền địa phương để được hướng dẫn. Còn ông Trần Thành Công ở thôn Hòa Bình (Tân Thanh) cũng đứng ra thu thập thông tin của 54 hộ dân nghèo có điều kiện khó khăn sống tại các thôn như Hòa Bình, Kon Pang, Tân Bình, Tân Hợp để xin kinh phí hỗ trợ làm nhà ở, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gì khiến dư luận bức xúc không biết ông này thu thập nhằm mục đích gì.
Đặc biệt, nhiều thông tin phản ánh về hình thức từ thiện như “tặng quà là thực phẩm cho người nghèo”, nhưng thực chất là hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng; tặng tiền hoặc sản phẩm nhưng thực chất để mời truyền thông “đánh bóng” thương hiệu, tư lợi cá nhân đã xảy ra trên địa bàn huyện. Vào ngày 29/12/2019, có đoàn từ thiện (gọi tên là An) của thành phố Hồ Chí Minh, gồm 10 người (5 nam và 5 nữ với độ tuổi khoảng 30 - 60) đến làm từ thiện tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tại thôn Thực Nghiệm, xã Mê Linh. Nhóm thực hiện cấp 140 suất quà với trị giá mỗi suất khoảng 200.000 đồng, thành phần đồ ăn gồm: xúc xích (cắt khoanh, không rõ thương hiệu, mì tôm (bóc vỏ, không rõ nguồn gốc), trứng gà công nghiệp (chiên rán), xì dầu (thương hiệu đậu nành), sữa cô gái Hà Lan, bim bim phồng tôm (không rõ hãng sản xuất) và mỗi hộ 5 kg gạo tẻ (không rõ thương hiệu), thời gian bắt đầu triển khai nấu ăn từ thiện từ 14h30 đến 16h30 cho các cháu đồng bào dân tộc thiểu số với 108 người ăn, trong đó có khoảng 100 trẻ nhỏ của thôn Thực Nghiệm. Sau thời gian ăn xong và đến 19h thì xảy ra tình trạng bị ngộ độc (108 người) với triệu chứng: đau bụng, nôn, ói, tiêu chảy phải cấp cứu khẩn cấp trong đêm tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Phân viện Nam Ban và Trung tâm Y tế Lâm Hà.
Thậm chí, một số cán bộ quản lý nhà nước về hoạt động này cho biết, hiện tượng từ thiện một nơi, lấy dấu nhiều nơi để về cơ quan báo cáo cũng khá phổ biến, hoặc tình trạng “một tiền gà ba tiền thóc” - nghĩa là đi tặng tiền, quà, sản phẩm cho người nghèo số lượng ít hơn nhiều so với chi phí một chuyến đi... Bên cạnh đó, có cả hình thức từ thiện bị biến tướng bởi một số người lợi dụng lòng tốt và sơ hở của các nhà hảo tâm để quyên góp từ thiện.
Thời gian gần đây, công tác từ thiện nhân đạo ngày càng phát triển về số lượng, nguồn kinh phí tài trợ đa dạng phong phú và bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau. Ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, để ngăn chặn thực trạng lợi dụng các hoạt động từ thiện, phát huy những chương trình hoạt động, phong trào tình nguyện, từ thiện xã hội đích thực, năm 2017, UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương, đơn vị, một số tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn vẫn còn tình trạng khi tiếp nhận các chương trình từ thiện do tổ chức, cá nhân, tôn giáo trong và ngoài nước ủng hộ, hỗ trợ chưa thực hiện đúng theo quy trình tổ chức, phối hợp giải quyết tiếp nhận từ thiện nhân đạo. Thời gian tới, để chấn chỉnh việc lợi dụng công tác từ thiện nhân đạo của một số tổ chức, cá nhân nhằm gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các ban, ngành, Hội Chữ thập đỏ huyện, UBND các xã nắm chắc chương trình, kế hoạch hoạt động từ thiện nhân đạo của các tổ chức, cá nhân bảo đảm thiết thực bằng biện pháp giám sát việc đi trao quà, kiểm tra chéo tại cơ sở được nhận quà hoặc địa chỉ được quyên góp. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, vận động Nhân dân không nghe, không tin và không cung cấp thông tin khi chưa biết rõ mục đích, nội dung, chương trình từ thiện.
HOÀNG YÊN