Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân nên bình tĩnh, phối hợp cùng chính quyền để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 lây lan...
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân nên bình tĩnh, phối hợp cùng chính quyền để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 lây lan. Đồng thời, cũng không nên cố gắng tích trữ đồ ăn, khiến chợ, siêu thị... trở nên đông đúc, tranh mua, dẫn tới tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát, vô tình đẩy nhanh hơn nguy cơ lây lan bệnh cho nhau.
|
Nhiều người dân trong tỉnh đổ xô đến các siêu thị để tích trữ mì tôm. Loại thực phẩm rất nghèo dinh dưỡng nhưng lại chứa nhiều chất béo bão hòa, calo, muối, phẩm màu, phụ gia và chất bảo quản, chứa lượng lớn natri - nguyên nhân chính gây béo phì, huyết áp cao |
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,63 tỷ USD, tăng 2,7%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,71 tỷ USD, tăng 10,6%.
Còn trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 9,7 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ riêng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2019 ước đạt 6,34 triệu tấn và 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018. Tính ra, mỗi năm về gạo, nước ta vẫn dư ra tới 6-7 triệu tấn, đồng thời phải xuất khẩu với giá rẻ so với gạo cùng loại của Thái Lan, Campuchia.
Trong các nước chiếm thị phần xuất khẩu gạo lớn của nước ta thì Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31,5% thị phần, đạt 1,97 triệu tấn và 813,3 triệu USD, gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, việc tích trữ như trên chỉ phù hợp với người dân ở Philippines hoặc những nước, vùng lãnh thổ phụ thuộc gần như hoàn toàn hoặc ở mức độ cao đối với hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu như: Singapore, Hồng Kông...
Về mặt thịt lợn, giá lợn trong nước hiện vẫn đang tăng cao do khủng hoảng nguồn cung, dịch tả lợn châu Phi làm giảm 13,5% sản lượng thịt lợn so với năm 2018. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong vùng dịch cơ bản là không còn lợn, nguồn lợn thịt chủ yếu ở công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, chúng ta có thể bù lại bằng thịt gà, thủy sản... Hiện, giá gà trắng xuống tại trang trại đang ở mức thấp vì tổng đàn cả nước đang rất lớn.
Rau quả cũng không thiếu khi mỗi năm ngoài tiêu dùng nội địa, vẫn dư ra để xuất khẩu với giá trị gần 4 tỷ USD.
Riêng tại Lâm Đồng, theo số liệu của Sở Công thương, trong kim ngạch xuất khẩu 2019 của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 720 triệu USD thì các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả chiếm 42 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả đều duy trì được sự tăng trưởng.
Chỉ riêng vựa rau Đơn Dương, với hơn 27.000 ha, mỗi năm cung cấp tới 900.000 tấn rau, không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn đưa đi các chợ đầu mối và siêu thị khắp cả nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có tổng đàn bò gần 110.000 con, đàn heo đạt trên 400.000 con, gia cầm với gần 7,7 triệu con. Với tổng đàn hiện có, dự báo sản lượng thịt sẽ cung cấp cho thị trường Lâm Đồng cơ bản đáp ứng được lượng thịt phục vụ, cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng thịt, đảm bảo không để tăng giá cho người dân, nhất là trong mùa dịch COVID-19 đang có chiều hướng xấu.
Nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm lớn trong tỉnh Lâm Đồng như: Big C, Coop Mart, Công ty cổ phần Thương mại Lâm Đồng, VinMart cho biết, đã chuẩn bị nguồn hàng hóa rất dồi dào với giá không thay đổi, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.
Chính vì vậy, việc nhiều người dân trong tỉnh đang đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm là không cần thiết. Không những thế, còn gây ra những tác động không tốt. Trước hết, việc nhiều người đổ xô đi mua hàng tích trữ sẽ gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, tạo cơ hội để nhiều tư thương đẩy giá hàng hóa lên một cách vô tội vạ, làm méo mó thị trường, trong khi trên thực tế không thiếu hàng.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường. Một trong những cách phòng dịch hiệu quả nhất là hạn chế đến những nơi đông người. Trong khi đó, người dân lại đang đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., chen lấn, tranh nhau mua hàng. Điều này vô tình làm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất lớn.
Không phải tự dưng mà ở Trung Quốc số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly, và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Vì vậy, thay vì đổ xô đến các trung tâm thương mại với tâm lý mua sắm tích trữ thì biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch COVID-19 là hạn chế nơi đông người, rửa tay thường xuyên và không tích trữ thực phẩm.
THANH SA