Giải pháp công nghệ tưới cà phê mùa khô hạn

06:03, 18/03/2020

Nông dân vùng cà phê công nghệ cao Nam Hà đã biết sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trên cây cà phê giúp tiết kiệm, giảm chi phí và hạn chế thất thoát nước trong mùa khô năm nay.

Nông dân vùng cà phê công nghệ cao Nam Hà đã biết sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trên cây cà phê giúp tiết kiệm, giảm chi phí và hạn chế thất thoát nước trong mùa khô năm nay.
 
Nông dân Nam Hà áp dụng tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước.
Nông dân Nam Hà áp dụng tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước.
 
Nam Hà (huyện Lâm Hà) là xã được UBND tỉnh chọn để phát triển vùng trồng cà phê công nghệ cao. Bằng nội lực và năng động của người dân sản xuất cà phê ứng dụng tưới nhỏ giọt, phun mưa, canh tác hữu cơ… cho năng suất cũng như chất lượng vượt trội.
 
Thời điểm này là đỉnh điểm của mùa khô hạn Nam Tây Nguyên thế nhưng mô hình tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt tại 0,5 ha cà phê của gia đình ông Đỗ Văn Toàn (thôn Hai Bà Trưng) cho thấy hiệu quả rất cao. Trước đây, khi tưới bằng hình thức thông thường là dùng vòi tưới trực tiếp vào gốc cà phê vừa tốn công lại rất hao nước. Khi ông chuyển qua áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, với diện tích cà phê ông đầu tư 50 triệu đồng để lắp toàn bộ hệ thống. Nưới tưới vừa tiết kiệm, vừa không tốn công, chỉ cần mở vòi nước là nguồn nước có thể tưới nhỏ giọt trực tiếp vào gốc, tránh bị lãng phí nước. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt này, nông dân còn có thể tưới bón phân vừa tiết kiệm mà cây trồng lại hấp thu hết lượng phân bón, giúp tiết kiệm công lao động mà môi trường sinh thái đảm bảo.
 
Ông Toàn cho biết, Nam Hà nằm trong vùng phát triển công nghệ cao của tỉnh nên được các cấp, ngành quan tâm đầu tư đường sá, cử cán bộ xuống tập huấn, chuyển giao các khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê. Nhờ đó mà tôi biết đến phát triển cà phê công nghệ cao là như thế nào để có thể áp dụng vào vườn của mình. Khi áp dụng rồi, thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt. Tưới tiết kiệm nước đi trực tiếp xuống gốc cà phê, tập trung dinh dưỡng cho cây, phát triển bộ rễ rất tốt. Nước, phân bón do đi ngầm nên cũng không bị hao hụt, vừa tiết kiệm, vừa không dư thừa. Do tiện lợi nên nông dân có thể chủ động lịch tưới thường xuyên, không phụ thuộc vào nước trời hay công lao động. 
 
Tương tự, gia đình ông Vũ Mạnh Hùng (thôn Hai Bà Trưng) chia sẻ, trước đây diện tích cà phê của gia đình quá già cỗi nên ông quyết định phá toàn bộ 1 ha để tái canh và chọn hướng trồng cà phê công nghệ cao bền vững để sản xuất. Ông Hùng cho biết: “Cà phê cần nhiều nước, tưới để ra hoa, bón phân cũng phải tưới. Chúng tôi trồng cà phê lâu năm, kinh nghiệm cho thấy, lượng nước tưới để cây cà phê có thể bung hoa đều là 300 lít/gốc, bón phân xong cũng phải tưới nước để hòa tan phân bón”. Tưới nước vào mùa khô cũng là một trong những nỗi lo của người trồng cà phê vì chi phí tiền dầu, tiền điện, tiền công. Nhiều vườn ở xa nguồn nước, phải bơm mấy chặng mới đẩy được nước tới tận vườn. Vì chi phí, vì tốn công, ngoài đợt tưới bắt buộc để cây cà phê bung hoa, nhiều gia đình bỏ luôn cây cho nước trời, bón phân cũng trông vào mưa gió nên gây lãng phí mà cây cà phê sinh trưởng không như mong muốn.Với chi phí 70 triệu đồng/ha, nông dân chúng tôi có đầy đủ hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bơm có trang bị đầy đủ máy đo áp lực, máy đo lưu lượng, hệ thống dây được chôn ngầm đi khắp vườn… Nước được bơm lên bể chứa, chỉ cần bật cầu dao, dòng nước từ bể sẽ từ từ chảy vào từng gốc cà phê, không hao một giọt. 
 
 Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết, là xã thuần nông nên cây trồng chủ lực là cây cà phê, do vậy những năm qua Nhân dân trong xã luôn quan tâm đến năng suất, chất lượng cà phê. Trên địa bàn xã việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê ngày càng tăng. 
 
Nam Hà có khoảng 1.550 ha trồng cà phê, trong đó có khoảng 600 ha cà phê áp dụng công nghệ cao, gồm 350 ha áp dụng tiêu chuẩn 4C, UTZ; 250 ha nằm trong vùng quy hoạch phát triển cà phê ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. 
 
Nhờ những năm qua phong trào sản xuất cà phê theo hướng công nghệ cao bền vững phát triển nhanh và mạnh trên địa bàn xã Nam Hà, nhiều nông hộ đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ... Qua đó, nông dân đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất cà phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ông Bính cũng là một trong những người tiên phong ứng dụng những công nghệ này cho vườn cà phê của mình.
 
HOÀNG YÊN