Hoài Đức trên đường xây dựng nông thôn mới nâng cao

05:05, 20/05/2020

Đến hết quý I năm 2020, xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà) chỉ mới đạt 9/21 chỉ tiêu của 5 nhóm tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn nâng cao nên vẫn còn cần nhiều cố gắng để về đích vào năm 2021. 

Đến hết quý I năm 2020, xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà) chỉ mới đạt 9/21 chỉ tiêu của 5 nhóm tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn nâng cao nên vẫn còn cần nhiều cố gắng để về đích vào năm 2021. 
 
Con đường bê tông vừa mới hoàn thành tại thôn Nam Hưng trong niềm phấn khởi của bà con nơi đây.
Con đường bê tông vừa mới hoàn thành tại thôn Nam Hưng trong niềm phấn khởi của bà con nơi đây.
 
Phát huy tính dân chủ
 
Xã Hoài Đức có 13 thôn, 2.292 hộ với 8.426 khẩu, có 8 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc thiểu số chỉ chiếm 0,44%, chủ yếu tập trung tại thôn Đức Bình. Người dân trong xã phần lớn là người gốc huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ). Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 0,87% với 20 hộ. Theo ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, đây là những điều kiện thuận lợi của địa phương, nhưng đồng thời cũng là thách thức, khi điều này yêu cầu người dân phải có ý thức tự giác, chủ động hơn trong quá trình đóng góp, tham gia xây dựng NTM. “Thời gian đầu, khi người dân còn chưa hình dung được NTM là gì, chính quyền xã gặp nhiều khó khăn để tuyên truyền, vận động. Nhưng từ khi nhận thức và niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương của Nhà nước về xây dựng NTM được củng cố, ý thức làm chủ của người dân được nâng lên. Từ đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, Nhân dân đã hết sức tích cực tham gia, ủng hộ. Thôn nào có người dân nhận thức cao thì thôn đó có kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn phát triển mạnh” - ông Đức cho biết.
 
Cuối năm 2017, xã Hoài Đức được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. 
 
Mặc dù đến năm 2020, UBND huyện Lâm Hà mới giao nhiệm vụ cho xã Hoài Đức xây dựng NTM nâng cao, nhưng bắt đầu từ năm 2019, xã đã có kế hoạch cụ thể, triển khai xây dựng, phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân.
 
Theo UBND xã Hoài Đức, tính dân chủ của Nhân dân được thể hiện rõ nhất trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn. Xã Hoài Đức có tổng chiều dài các trục đường là 113,40 km, trong đó đã nhựa hóa 17,06 km, bê tông hóa 43 km, 51,35 km được cấp phối sỏi đồi. Từ các nguồn kinh phí xây dựng NTM, ngân sách Trung ương và địa phương, cũng như huy động Nhân dân đóng góp đối ứng đầu tư xây dựng đường trục thôn, ngõ xóm, trong 3 tháng đầu năm 2020, xã đã hoàn thành hơn 9 km đường tại các thôn. Đường được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, tránh lầy lội, đảm bảo hàng hóa, nông sản vận chuyển thuận lợi. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đức, làm được điều này đều là nhờ vào sự cố gắng của Nhân dân. Bên cạnh đó, xã phát huy cao nhất tính dân chủ, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong toàn bộ quá trình xây dựng.
 
Đơn cử, “Thôn Nam Hưng, làm con đường dài gần 2 km là thành quả sau 7 lần họp dân trong 2 năm để thuyết phục, vận động bà con trong thôn. Và người dân đã đóng góp trên 2 tỷ đồng để bê tông hóa 4,3 km đường, đồng thời xây dựng sân bê tông của Nhà Văn hóa thôn với số tiền 45 triệu đồng” - ông  Đào Công Quát, Trưởng thôn Nam Hưng cho hay.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
 
Xác định dựa vào nông nghiệp để xây dựng NTM, xã Hoài Đức đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, năm 2019 là năm có bước chuyển biến mạnh trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Từ phần lớn diện tích trồng cà phê không cho hiệu quả kinh tế cao, đến cuối năm 2019, toàn xã Hoài Đức đã có 400 ha trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê, mục tiêu đến cuối năm 2020 đạt 500 ha. Toàn xã đang có 320 ha dâu tằm, ngoài ra còn có cây chè, cây hồ tiêu, rau hoa,... Trong đó, diện tích bơ, mắc ca, sầu riêng đã bắt đầu cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao. 
 
Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch cho từng năm, giao kế hoạch thực hiện đến các thôn. Đồng thời đảm bảo các công trình thủy lợi đáp ứng nước tưới cho 70 ha cây công nghiệp và hoa màu; 225 ha diện tích ao, hồ nhỏ đáp ứng nước tưới cho 1.870 ha cây công nghiệp; 540 giếng khoan khai thác nước ngầm, đáp ứng nước tưới cho 990 ha cây công nghiệp. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động bằng các nguồn nước đạt trên 91%. Ngoài ra, xã Hoài Đức hiện đang tổ chức xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, bơ, sầu riêng,... tại thôn Đức Bình để nhân rộng ra các thôn trong xã.
 
Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoài Đức đạt 48 triệu đồng. Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, với mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
 
VIỆT QUỲNH