Hơn 14 tháng triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp trong tỉnh, Bưu điện Lâm Đồng đã tiếp nhận và chuyển phát an toàn, đúng thời gian quy định gần 32.300 hồ sơ đến tay người nhận.
Hơn 14 tháng triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp trong tỉnh, Bưu điện Lâm Đồng đã tiếp nhận và chuyển phát an toàn, đúng thời gian quy định gần 32.300 hồ sơ đến tay người nhận.
|
Nhân viên Bưu điện đang tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC của người dân tại Bưu điện Lâm Hà |
Từng bước mở rộng
Bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Bưu điện Lâm Đồng đã bắt đầu thực hiện thí điểm việc chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công phục vụ cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn Lâm Đồng theo Quyết định 644 của tỉnh ban hành ngày 22/3/2029.
Căn cứ theo quyết định này, Bưu điện Lâm Đồng thực hiện thí điểm cả ở 2 cấp. Với cấp tỉnh, Bưu điện tỉnh thí điểm tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh với 10 sở tham gia gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư.
Với cấp huyện, thành, Bưu điện thực hiện thí điểm tại 4 UBND huyện của các huyện, thành gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà và thêm một đơn vị UBND thị trấn Dran - Đơn Dương cũng được chọn cho cấp xã.
Trong đầu năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiếp tục có thêm Kế hoạch 607 ban hành ngày 7/2/2020 về việc chuyển giao tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của một số dịch vụ hành chính công trên địa bàn cho Bưu điện tỉnh.
Ngay trong đầu năm 2020, nhân viên Bưu điện Lâm Đồng đã tiếp cận công việc trong các lĩnh vực thêm 5 sở cấp tỉnh gồm: Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế và Sở Tài nguyên - Môi trường. Đến cuối tháng 4/2020, Bưu điện tỉnh cho biết các nhân viên bưu điện đã có thể tiếp nhận những hồ sơ thường xuyên tại các đơn vị này.
Với cấp huyện, thành, Bưu điện đã tiếp tục mở rộng đến 8 huyện, thành còn lại của tỉnh gồm: Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tại các huyện này, Bưu điện tỉnh đã bố trí nhân viên học việc và đến nay đã có thể tiếp nhận các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực “dễ” như y tế, giáo dục, nội vụ, lao động thương binh xã hội, văn hóa thông tin và đang tiến tới tiếp cận thêm một số lĩnh vực khác như tư pháp hộ tịch, tài chính kế hoạch, kinh tế hạ tầng, xây dựng, công thương, chứng thực, tài nguyên môi trường.
Với 4 huyện, thành đã triển khai từ tháng 4/2019 trước đó, lúc đầu Bưu điện tỉnh cũng chỉ tiếp nhận 5 lĩnh vực, nhưng đến nay các nhân viên Bưu điện nơi đây đã có thể tiếp nhận toàn bộ các TTHC cấp huyện còn lại.
Tại Sở Tài nguyên - Môi trường, do hồ sơ liên quan đến đất đai khá phức tạp và phát sinh chủ yếu tại các văn phòng đăng ký đất đai các huyện thành, Bưu điện tỉnh đang phối hợp với sở chủ quản bố trí nhân viên đến học việc tại các văn phòng đăng ký đất đai các huyện thành này, bắt đầu từ quý 2 và quý 3 năm nay.
Riêng với cấp xã, thị trấn, như tại thị trấn Dran - Đơn Dương, do hồ sơ chủ yếu được xử lý và lấy ngay, nên Bưu điện đã ngừng việc bố trí người nơi đây, chỉ khi phát sinh có hồ sơ liên thông, bộ phận một cửa mới báo với Bưu cục Dran và sẽ có người đến nhận. Còn tại thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng, lượng hồ sơ phát sinh ở đây khá nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực tư pháp (đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử…), trong 4 tháng đầu năm nay có 159 hồ sơ trả kết quả nên Bưu điện tỉnh ưu tiên bố trí 1 lao động học việc để tiếp nhận hồ sơ các buổi thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong tuần.
Nâng cao chỉ số hài lòng
Bưu điện Lâm Đồng cho biết, tổng cộng đến nay sau 14 tháng tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 32.296 hồ sơ. Toàn bộ số hồ sơ này được chuyển phát an toàn đến tay người dân và các tổ chức cùng các cơ quan, ban, ngành, đúng thời hạn, chưa để xảy ra một sai sót nào ảnh hưởng đến việc chuyển phát cũng như đến quy trình giải quyết TTHC theo quy định.
Có thể thấy rõ, rất nhiều điểm tích cực sau thời gian chuyển giao tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho Bưu điện tỉnh. Trước nhất, việc chuyển giao này đã giúp cơ quan hành chính các cấp giảm bớt rất nhiều số người trực tại bộ phận một cửa. Không chỉ giảm tải công việc, bộ phận một cửa các cấp cũng giảm bớt áp lực đầu tư cơ sở vật chất, việc chuyển giao này cũng giúp khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng đang có hiện nay.
Nhưng điều được nhất, với rất nhiều người dân khi đi làm hồ sơ, đó là việc họ thấy thoải mái hơn rất nhiều khi giao dịch với nhân viên Bưu điện, tránh được sự phiền hà, nhũng nhiễu nếu có của cán bộ, công chức, viên chức. Chính điều này đã góp phần không nhỏ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân trong các cuộc điều tra xã hội học hằng năm của tỉnh, góp phần tăng chỉ số CCHC các cấp.
Chính vì vậy, trong một hội nghị CCHC của tỉnh tổ chức gần đây, đại diện lãnh đạo của Bưu điện Lâm Đồng đã đưa ra một số đề xuất và kiến nghị với tỉnh để Bưu điện có thể làm tốt hơn công tác này trong thời gian đến.
Cụ thể, với cấp tỉnh, Bưu điện tỉnh đề xuất tỉnh nên có quy chế phối hợp giữa Bưu điện tỉnh và Trung tâm Hành chính công (có thể ký kết hợp đồng với Trung tâm Hành chính công để Trung tâm này chỉ đạo bộ phận một cửa các cấp sẽ thuận tiện hơn thay vì Bưu điện phải ký kết hợp đồng với từng sở và từng UBND các cấp như hiện nay). Bưu điện cũng đề xuất các sở có thể mạnh dạn xem xét chuyển giao cho Bưu điện toàn bộ công đoạn trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức, trong một số lĩnh vực khó Bưu điện sẽ cử nhân viên đến học việc dần.
Với cấp huyện, Bưu điện tỉnh đề nghị tỉnh có thể xem xét chuyển bộ phận một cửa các huyện, thành sang điểm giao dịch của Bưu điện như cách huyện Lâm Hà đang làm thí điểm và đang rất thành công hiện nay. Với cấp xã, nên chăng để nhân viên Bưu điện xã tham gia trong khâu tiếp nhận, và chuyển phát hồ sơ liên thông và cung cấp dịch vụ công tại địa chỉ khách hàng khi có nhu cầu, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Bưu điện tỉnh cũng đề xuất tỉnh xem xét cho phép Bưu điện thu hộ phí, lệ phí và thuế cho người dân, các tổ chức khi tham gia giải quyết TTHC, đồng thời xem xét lại việc bố trí nhân viên Bưu điện hiện nay cho công việc tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực đất đai. Theo yêu cầu của UBND các huyện, thành, nhân viên Bưu điện phải có trình độ cử nhân quản lý đất đai khi tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực này, tuy nhiên hiện Bưu điện rất khó tuyển dụng được nhân sự cho vị trí này, vì thực chất theo Bưu điện tỉnh giải thích, công việc của nhân viên Bưu điện chỉ là tiếp nhận hồ sơ, còn phần xử lý nội dung bên trong hồ sơ lại thuộc cán bộ chuyên môn các cấp.
VIẾT TRỌNG