Đề nghị lập đoàn liên ngành xử lý cá tầm không rõ nguồn gốc

07:01, 26/01/2021

(LĐ online) - Chiều 26/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi bộ, ngành, địa phương...

(LĐ online) - Chiều 26/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi bộ, ngành, địa phương; trong đó, có tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.
 
Người nuôi tại Việt Nam đang lao đao khi bị cá tầm nhập lậu chất lượng kém, giá rẻ Trung Quốc tràn vào thời gian qua
Người nuôi tại Việt Nam đang lao đao khi bị cá tầm nhập lậu chất lượng kém, giá rẻ Trung Quốc tràn vào thời gian qua
 
Theo văn bản từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
 
Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung.
 
Trong đó, các đơn vị liên quan thuộc Bộ này sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không thực hiện kiểm dịch theo quy định.
 
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã có kiến nghị lên Thủ tưởng Chính phủ về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xử lý về vấn đề này. 
 
Như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, thời gian vừa qua, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quanvề tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
 
Những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh cho rằng tình trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam qua đường chính ngạch, tiểu ngạch, không có trong danh mục được cấp phép đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước và trên địa bàn tỉnh.
 
Trong khi đó, lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm hiện nay.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng đến cuối năm 2020 vào khoảng 50 ha. Trong đó, diện tích ao, bể thực tế nuôi cá khoảng 95.000 m2, với 50 trang trại, doanh nghiệp và gia đình. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng ước đạt từ 1.200 - 1.400 tấn/năm và chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và tại thị trường TP Hồ Chí Minh.
 
Đến cuối năm 2020, có khoảng 300-400 tấn cá tầm không xuất bán được do sự cạnh tranh giá từ cá tầm Trung Quốc.
 
C.THÀNH