Phát huy phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, trong nhiều năm qua, phụ nữ Đơn Dương đã không ngừng học tập, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực để hoàn thiện bản thân, chăm sóc gia đình, đảm trách công việc, đóng góp tích cực vào sự phát triển mọi mặt của địa phương.
|
Phụ nữ Đơn Dương giúp hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế |
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương chia sẻ, trên phương diện xây dựng gia đình, chị em được học tập nâng cao kiến thức về luật pháp, chính sách, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bảo vệ gia đình trước tác động tiêu cực của môi trường sống và tệ nạn xã hội theo các chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Bản thân các hội viên cũng tích cực vận động người thân, con em không vi phạm pháp luật, tham gia các phong trào, mô hình “Gia đình kiểu mẫu hạnh phúc bền vững”, “5 không, 3 sạch”, “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”, “Nuôi dạy con tốt”... Ngoài ra, Hội còn kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng phụ nữ bị bạo hành, xâm hại khi nhận các đơn cầu cứu, can thiệp. Nhờ đó, đời sống hội viên trên địa bàn ngày càng được nâng cao, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Đến cuối năm 2021, Đơn Dương có 96% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Mặt khác, phụ nữ Đơn Dương còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường... góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới. Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thực hiện hiệu quả các mô hình “Khu dân cư không có tội phạm - xây dựng gia đình hội viên phụ nữ văn hóa kiểu mẫu”, “Phụ nữ với kế hoạch nhỏ”... và thường xuyên tuyên truyền tại các cụm dân cư nhằm đảm bảo tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Hội tham gia tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt Bluezone tại các thôn, điểm chợ; liên hệ với Đội Y tế dự phòng để phun khử khuẩn trong các cơ sở tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chị em còn hỗ trợ hơn 2.500 suất cơm, 1.500 gói thảo mộc để xông phòng ngừa dịch, 50 tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm cùng hàng ngàn kính chống giọt bắn, khẩu trang y tế... Ngoài ra, các hội viên cũng chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, hành tím cho nông dân Bắc Giang và Ninh Thuận.
Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp chị em phát triển kinh tế; phổ biến các phương pháp tiết kiệm, tiếp cận nguồn vốn, mô hình sản xuất - kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu.
Với Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Phụ nữ huyện đã và đang khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của từng phụ nữ; giúp chị em tự tin, mạnh dạn phát triển ý tưởng, kế hoạch kinh doanh để khởi nghiệp.Sự tự tin thể hiện qua các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp đa dạng của các chị em trong thời gian qua. Đặc biệt, huyện Hội có hai ý tưởng lọt vòng thi cấp vùng, một ý tưởng tham gia vòng thi chung kết cấp Trung ương Hội. Nhiều tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi như: chị Phạm Thị Thanh Tuyền (Quảng Lập), Huỳnh Thị Thanh Thảo (Dran), Ma Tung (Tu Tra)...
Tuy nhiên, theo bà Thanh, trong thời gian tới, các cấp Hội phải nâng cao năng lực của cán bộ và hoạt động của tổ chức Hội, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở. Đồng thời, Hội phải là tổ chức đi đầu, kết nối các tổ chức phấn đấu cho sự nghiệp bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin