Là địa phương có 93% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Long (huyện Đam Rông) đã và đang đẩy mạnh xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào DTTS.
|
Xã Đạ Long tổ chức Hội thi Tìm hiểu Nghị quyết 09 của Đảng ủy xã |
Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân nên các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn xã Đạ Long được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại như: tục thách cưới mang tính bắt buộc, hôn nhân cận huyết thống, tục nối dây, tục nhà vợ trả lễ khi vợ chết, tục nhà chồng đòi tài sản khi chống chết, ly hôn... Đây là những phong tục vẫn tồn tại, ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sự phát triển giống nòi ở địa phương.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Long đã thực hiện nhiều giải pháp để xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu này. Trong đó, Nghị quyết số 09 ngày 31/12/2020 về đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân tại địa phương đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, 100% đồng chí ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ xã, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành, đoàn thể xã, cấp ủy viên các chi bộ trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại địa phương cam kết thực hiện và gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và Nhân dân không thực hiện các hủ tục trong hôn nhân gia đình.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở thôn vi phạm các quy định về việc thực hiện các thủ tục trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, không xếp loại tổ chức Đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nếu ở đơn vị, thôn mình để gia đình, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện hủ tục trong hôn nhân; không xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” nếu bản thân không thực hiện; không đưa vào quy hoạch, không giới thiệu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhiệm kỳ mới đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, không gương mẫu trong thực hiện. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Long đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân và lực lượng thanh niên. Nhất là tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới; phân tích những hệ lụy, tác hại của các hủ tục trong cưới hỏi, ma chay, hôn nhân gia đình, lễ hội để tuyên truyền, vận động Nhân dân từng bước xóa bỏ vì không phù hợp với xu thế phát triển như hiện nay. Đồng thời, bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn xã như cồng chiêng, ngành nghề truyền thống...
Cùng với những giải pháp trên, xã Đạ Long tiếp tục huy động các nguồn lực từ xã hội hóa để đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, giao lưu kết nối của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã để từng bước đẩy lùi các hủ tục. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của chức sắc, già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, tích cực thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tổ chức, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và tập thể, cá nhân có nhiều thành tích cao trong việc đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu để nhân rộng, góp phần cho Nhân dân học hỏi và làm theo.
Ông Trần Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Đạ Long, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 09, khi trên địa bàn xã có người dân đến đăng ký kết hôn hoặc làm đám cưới, chúng tôi thành lập các tổ đến tuyên truyền, vận động giải thích cho bà con xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là tục thách cưới. Song song với đó, chúng tôi tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt tổ, đội và các hội thi nhằm nâng cao nhận thức cho bà con Nhân dân”.
VĂN TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin