Huy động mọi nguồn lực đầu tư; phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương; khuyến khích tinh thần tự lực trong bà con là hướng đi nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mà huyện Cát Tiên đang tập trung thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy.
|
Huyện Cát Tiên tạo điều kiện để bà con vùng DTTS khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống |
Hội tụ 22 dân tộc anh em với trên 35 ngàn khẩu cùng sinh sống, riêng đồng bào DTTS tại chỗ như Mạ, S’Tiêng có 2.444 khẩu, nhiều năm qua, huyện Cát Tiên đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, địa phương cũng đã có nhiều chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Cụ thể như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo DTTS vùng khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở người DTTS; hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo... Nhờ vậy, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giảm 7,2%.
Riêng trong năm 2022, tổng dự toán kinh phí phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Cát Tiên là hơn 191,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương hơn 183,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 2 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 4,7 tỷ đồng; vốn huy động gần 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên được ngân sách tỉnh Lâm Đồng phân bổ gần 4 tỷ đồng triển khai đầu tư công năm 2022. Trên cơ sở đó, huyện Cát Tiên tập trung hỗ trợ kinh tế vườn hộ, chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển các vùng chuyên canh trồng lúa nước và trồng cây ngắn ngày để giải quyết lương thực tại chỗ... Đặc biệt, huyện Cát Tiên còn chú trọng giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu của các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Ngoài những nỗ lực của địa phương, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 là “kim chỉ nam” quan trọng để huyện Cát Tiên tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Khắc Bình - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, cho biết, huyện xác định mục tiêu phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương trong vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với mức bình quân chung của huyện. Tiếp tục thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cải thiện đời sống của Nhân dân; phát triển toàn diện về giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở đó, huyện Cát Tiên xác định rõ mục tiêu cho từng giai đoạn. Riêng đến năm 2025, địa phương phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm hàng năm từ 3-4%. Thu nhập bình quân của bà con đạt từ 50 triệu đồng trở lên. 100% đường giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS được cứng hoá. 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những vùng đã được UBND tỉnh phê duyệt; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho bà con...
Cùng với đó, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thông qua việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác giao đất, giao nhận khoán, bảo vệ rừng cho người DTTS gắn với định canh, định cư; ưu tiên giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho những hộ dân, cộng đồng dân cư là đồng bào DTTS số đang sinh sống trong vùng lõi như người dân tại xã Đồng Nai Thượng, Thôn 3, Thôn 4, xã Phước Cát 2 và các khu vực ven rừng. Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai; đảm bảo nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho bà con.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân vùng DTTS khôi phục, phát triển một số ngành nghề như: dệt thổ cẩm, tơ lụa, đan lát, làm rượu cần; vận động đồng bào DTTS nhận gia công các sản phẩm thủ công như đan nhựa, đan bèo nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã dịch vụ, quy hoạch sắp xếp xây dựng và nâng cấp các chợ ở các xã vùng DTTS; tạo lập mối liên kết kênh lưu thông hàng hóa thuận lợi. Tổ chức sản xuất gắn kết với thị trường đầu ra cho sản phẩm nông, lâm nghiệp của người dân vùng đồng bào DTTS.
Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm tạo thêm cơ hội việc làm cho đồng bào DTTS nói chung và thanh niên trong khu vực này nói riêng để chính quyền và người dân đồng sức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tiến tới phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin