Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các chương trình, dự án đầu tư về nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho huyện Đạ Tẻh đã được triển khai, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, nâng tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 94,6%.
Đến nay, công trình giếng khoan tại xã An Nhơn vẫn được các hộ dân sử dụng hiệu quả |
Tại Thôn 4, xã An Nhơn, hệ thống cấp nước tự chảy được xây dựng từ 1997, đến năm 2012, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường đầu tư hệ thống giếng khoan với diện tích bể lọc chậm 6 m
3 và bể chứa là 10 m
3. Hiện tại, công trình cấp nước cho 16 hộ dân sử dụng vào mùa khô. Trong những năm qua, công trình đang hoạt động bình thường và được kiểm tra thường xuyên các giếng nước sinh hoạt để có giải pháp cụ thể cho từng khu vực, vận động Nhân dân cùng tham gia nạo vét, sửa chữa đường ống, bể lọc nước, giữ gìn vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Ông Mông Thế Văn - người dân đang sử dụng nguồn nước tại công trình Thôn 4, phấn khởi cho biết, từ khi công trình cấp nước đưa vào sử dụng, người dân trong thôn mừng lắm vì mọi người đều được sử dụng nguồn nước sạch. Có nguồn nước sạch không chỉ giải “cơn khát” về nguồn nước mà còn đảm bảo đến vấn đề sức khỏe cho người dân nơi đây.
Được biết, khi chưa có công trình cấp nước nói trên, nước sạch là một vấn đề nan giải đối với chính quyền và Nhân dân xã An Nhơn. Ngoài tình trạng chung ở tất cả các thôn trên địa bàn xã là cứ đến mùa khô gần như tất cả các giếng đào đều khô cạn đáy, không đủ nước phục vụ sinh hoạt; thì riêng người dân các Thôn 4, Tố Lan… trước đây nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nên nhiều hộ không dám dùng vào việc ăn uống. Vì vậy, khi công trình cấp nước đưa vào hoạt động đã giải tỏa nhu cầu bức thiết cho người dân.
Ông Hoàng Văn Tàu - quản lý công trình giếng khoan Thôn 4 cho biết: “Để công trình phát huy hiệu quả cấp nước và duy trì hoạt động bền vững, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, bảo trì giếng khoan; đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường ống, tránh bị nứt, vỡ khi canh tác, sản xuất và sử dụng nước tiết kiệm. Đến nay, sau 10 năm đi vào hoạt động, công trình đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của Nhân dân; góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, công tác quản lý, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn huyện Đạ Tẻh nhìn chung đã được tổ chức triển khai nhưng công tác quản lý, thai thác chưa được tăng cường; các công trình chưa phát huy tốt hiệu quả sử dụng; công tác duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp công trình chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả khai thác công trình còn thấp.
Hiện, toàn huyện có tổng số hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là 2.166 hộ trong tổng số 8.118 hộ dân nông thôn của huyện. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh hiện đạt 94,6%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, hàng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Đặc biệt, hàng năm tổ chức tuyên truyền, phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường; ra quân nạo vét, duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung; tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, không lãng phí nguồn nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Đạ Tẻh, việc đầu tư, quản lý, vận hành và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện chưa cao do nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình còn thiếu, các hư hỏng nhỏ công trình không được sửa chữa kịp thời dẫn đến hư hỏng lớn; quy mô và việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng chưa hợp lý. Cụ thể, trong các năm vừa qua, từ nguồn vốn chương trình 134, 135 trên địa bàn huyện đã đầu tư 10 công trình cấp nước tập trung, mô hình cấp nước chủ yếu là giếng khoan; tổng mức đầu tư cho một công trình từ 400-500 triệu đồng/công trình. Với tổng mức đầu tư thấp, xây dựng công trình chưa đồng bộ, quy mô công trình nhỏ ( công suất cấp nước trung bình 50 hộ dân/công trình),... công trình lại ở xa trung tâm gây khó khăn cho công tác quản lý; chất lượng nước ở phần lớn các công trình chưa đảm bảo; công trình hoạt động trên cở sở đóng góp của người dân, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên nhanh xuống cấp, đặc biệt là máy bơm dễ bị hư hỏng… Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý, khai thác của đơn vị quản lý công trình chưa cao, lãnh đạo đơn vị chưa sâu sát chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện; đối tượng được phục vụ phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo do vậy việc thu phí sử dụng nước thấp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh nhấn mạnh: “Trước những khó khăn đó, UBND huyện Đạ Tẻh tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện thường xuyên duy tu bảo dưỡng và tăng cường khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn huyện được giao quản lý; vận động, tuyên truyền người dân tham gia đầu tư, khai thác, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình; trang bị máy lọc nước quy mô hộ gia đình. Cùng với đó, huyện đề xuất UBND tỉnh đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, ưu tiên đầu tư cho các khu vực khó khăn về nước sinh hoạt”.
THÂN THU HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin