Khó có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của những hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn khi được hỗ trợ làm nhà mới hay được sửa sang lại những ngôi nhà đã xập xệ. Sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương, cùng sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng chính là nguồn động viên, khích lệ và hy vọng sẽ là đòn bẩy để các hộ gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Đối với gia đình ông Phạm Xược (thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương), căn nhà tình nghĩa vừa được trao tặng là món quà đầy ý nghĩa |
• NHÂN LÊN NHỮNG NIỀM VUI
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm hân hoan, hy vọng về một năm mới bình an và tươi vui. Đối với gia đình ông Phạm Xược, 71 tuổi, ngụ tại thôn Nghĩa Lập 4, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội. Bởi, xuân này, gia đình ông sẽ được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang và ấm áp nghĩa tình.
Theo chân cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đơn Dương, chúng tôi đến thăm căn nhà mới tinh, còn thơm mùi sơn của ông Phạm Xược. Xúc động và phấn khởi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng căn nhà mới, ông Xược cho biết, ông là con trai thứ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lỹ, và cũng là người được giao trọng trách thờ cúng bố và anh - đều là liệt sỹ. Quê ở Phú Yên, vào Thạnh Mỹ, Đơn Dương sinh sống từ năm 1986, hai vợ chồng ông có 7 người con, năm 1989, khi đó, đứa con nhỏ nhất mới 2 tuổi, đứa con lớn vừa lên 6 thì vợ ông bị bệnh và mất. Một mình ông gà trống nuôi con cho đến tận bây giờ. Những năm tháng đó, với nghề thợ xây của mình, ông luôn phải chắt chiu, dành dụm để lo cho 7 đứa con có đủ cái ăn, cái mặc. Chính vì vậy, ước mơ xây được một căn nhà khang trang dường như quá đỗi xa xỉ đối với ông.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của gia đình, UBND thị trấn Thạnh Mỹ đã làm hồ sơ đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà cho gia đình ông. Tháng 7/2022, sau hơn 2 tháng xây dựng, gia đình ông vui mừng dọn vào ở trong căn nhà cấp 4 với tổng diện tích 90 m2. Ngoài 50 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, phần còn lại, ông cũng được các con nay đã trưởng thành, chung tay đóng góp thêm. “Tôi hiện đang ở với đứa con trai, vợ chồng nó có 2 đứa con. Trước đây, cả 2 vợ chồng, đứa làm thợ xây, đứa làm thuê làm mướn tuy không dư giả gì nhưng cũng đủ ăn, đủ tiêu. Nhưng từ khi vợ nó không may bị tai nạn, giờ lúc nhớ, lúc quên, phải ở nhà không đi làm được nên gánh nặng kinh tế lại đổ dồn lên chồng. Vậy nên, khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà này, tôi mừng lắm. Đây chính là món quà ý nghĩa nhất của gia đình tôi”, giọng ông Xược nghẹn đi vì xúc động.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đơn Dương, thị trấn Thạnh Mỹ, 5 năm qua, trong tổng số 15 căn nhà được xây mới và 29 căn nhà được sửa chữa dành cho người có công trên địa bàn huyện, thị trấn Thạnh Mỹ đã tổ chức xây mới được 7 căn và sửa chữa 10 căn, đây cũng là địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn.
Niềm vui của ông Xược, cũng là niềm vui của gia đình ông Phan Quang Thọ và bà Nguyễn Thị Phương (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng). Bố ông Thọ là liệt sỹ Phan Quang Thy, hy sinh năm 1968, mẹ ông sống với gia đình ông cho đến ngày mất. Ông tâm sự: “Nhà cũ của vợ chồng tôi là căn nhà gỗ, được làm từ năm 1973. Sau hơn 40 năm sống trong căn nhà cũ, từ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà mới này, vợ chồng tôi thấy rất vui”.
Bà Phương (xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) đang nấu ăn trong “ngôi nhà hạnh phúc” |
• TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC
Những ngôi nhà mới khang trang là sự động viên kịp thời đối với các gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. Mùa xuân năm nay, niềm vui cũng sẽ nhân đôi đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Thế - thương binh 3/4, bệnh binh 61%, ngụ tại thôn Ninh Hải, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, khi được đón Tết trong căn nhà mới đẹp hơn, chắc chắn hơn.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Thế không giấu nổi niềm vui, cho biết, ông vốn quê ở Nam Định, sau nhiều năm tham gia kháng chiến, đến năm 1980, gia đình ông chọn mảnh đất Ninh Loan làm nơi “an cư, lạc nghiệp”. Căn nhà gỗ cũ mà vợ chồng ông ở, được xây dựng từ năm 1984, đến nay, đã dột nát, xập xệ. Và căn nhà cấp 4 khang trang của vợ chồng ông vừa xây dựng trị giá hơn 400 triệu đồng, ngoài số tiền được huyện hỗ trợ, ông cũng vay mượn thêm để làm. “Căn nhà mới là mơ ước của vợ chồng tôi bấy lâu nay. Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc và luôn biết ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân đối với gia đình tôi nói riêng và các gia đình chính sách nói chung. Và mùa xuân này của vợ chồng tôi chắc chắn là một mùa xuân hạnh phúc”, ông Thế bộc bạch.
Đức Trọng được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng cho biết, địa phương có tổng số 4.229 đối tượng chính sách. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Trọng không ngừng phấn đấu xây dựng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện không còn gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo. Và phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được các cấp, các ngành, đoàn thể hưởng ứng, tạo thành phong trào ngày càng rộng khắp. Ngoài việc chi trả trợ cấp theo chế độ đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng chính sách, Đức Trọng còn quan tâm tạo điều kiện cho họ vay vốn sản xuất, đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Trong 5 năm qua, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 3 tỷ đồng, huyện Đức Trọng đã xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 34 căn nhà tình nghĩa với tổng số vốn xây dựng là hơn 1,9 tỷ đồng, nâng tổng số nhà tình nghĩa trong toàn huyện được bàn giao và sử dụng cho đến nay là 160 căn, đã sửa chữa được 15 căn với số tiền là 369 triệu đồng, nâng số nhà đã sửa chữa lên 50 căn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 ngàn đối tượng chính sách, trong đó có gần 9 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; chi trả định suất và trợ cấp khác trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Trong những năm qua, Lâm Đồng luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng. Đến nay, 100% đối tượng người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với địa bàn cư trú. 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng.
Việc chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của các cấp, ngành và người dân trong tỉnh. Những lời thăm hỏi, món quà động viên tinh thần và những căn nhà thắm đượm nghĩa tình được trao tặng thời gian qua đã làm ấm lòng các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Và cũng thật khó để có thể diễn tả niềm vui và sự xúc động của những người vợ, người mẹ, người thân của những gia đình có công với cách mạng, khi họ được đón nhận những tình cảm ấm áp, chan chứa nghĩa tình đó.
Có thể nói, mỗi ngôi nhà hoàn thành như một món quà thiết thực, giúp các gia đình người có công an cư, ổn định cuộc sống. Đồng thời, cũng là sự tri ân của cộng đồng với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của nước nhà, cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được hơn 1.000 căn nhà cho người có công. Riêng năm 2022, tổng số nhà dành cho người có công được xây dựng và sửa chữa là 59 căn; trong đó, xây mới là 21 căn và sửa chữa là 38 căn, với tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin