Xã vùng sâu nỗ lực vượt khó, thoát nghèo

HOÀNG SA 06:08, 19/09/2023

Xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên là địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Những năm qua, các cấp, chính quyền cùng người dân nơi đây đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. 

Người dân Thôn 3, xã Phước Cát 2 chuyển đổi từ những vườn điều kém hiệu quả 
sang trồng sầu riêng
Người dân Thôn 3, xã Phước Cát 2 chuyển đổi từ những vườn điều kém hiệu quả sang trồng sầu riêng

Là xã thuần nông, Phước Cát 2 có cơ cấu ngành Nông nghiệp chiếm đến 80%, số còn lại là dịch vụ và các ngành nghề khác. Đời sống của đa số người dân trước đây phụ thuộc vào việc canh tác hai loại cây trồng chủ lực là cây điều và lúa. Tuy nhiên, chừng 5 năm trở lại đây, người dân trong xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực phát triển chăn nuôi. Qua đó, bức tranh kinh tế của xã đã có sự thay đổi đáng kể với những gam màu tươi sáng. 

Ông Trương Văn Xã - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt gần 59 triệu đồng/năm. Đây là con số rất đáng khích lệ đối với một xã thuần nông, có đến 60% số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số như Phước Cát 2. Để có được thành quả này, các cấp, chính quyền xã đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời, đưa ra các định hướng, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cho từng thôn. 

Đơn cử như tại thôn Phước Trung, nơi đây có hơn 90% là người đồng bào dân tộc Nùng, có điều kiện tự nhiên phù hợp để người dân canh tác cây lúa nước. Để ổn định kinh tế cho người dân, chính quyền xã đã tập trung hướng dẫn công tác khuyến nông, giúp người dân đưa vào canh tác các loại giống lúa mới cho năng suất cao. Bên cạnh đó, để tạo bước đột phá phát triển kinh tế, UBND xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn, cải tạo các diện tích đất đồi để phát triển các loại cây trồng như cao su, cà phê, cây ăn trái. Riêng các loại cây ăn trái, trên địa bàn thôn Phước Trung đã có 21 ha các loại đã và đang cho thu nhập cao. Trong khi đó, tại thôn Phước Thái, địa phương xác định đây sẽ là vùng chuyên canh cây điều, ca cao; đồng thời, rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn trái, nhất là sầu riêng. Còn các thôn Sơn Hải, Thôn 3 và 4 sẽ là vùng chuyên canh cây điều, cây ăn trái. 

Theo ông Trương Văn Xã, hòa chung xu hướng hiện nay, người dân trong xã Phước Cát 2 cũng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để phát triển các loại cây trồng mới, thay thế cho những vườn điều già cỗi, kém hiệu quả; trong đó, cây sầu riêng, bưởi da xanh đang được người dân lựa chọn hàng đầu. Theo số liệu thống kê, hiện, toàn xã có 54 ha cây ăn trái các loại; trong đó, diện tích kinh doanh là 28 ha, năng suất ước đạt 74,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 208,88 tấn. Bên cạnh đó, người dân trong xã cũng đã thực hiện chuyển đổi các diện tích đất ven sông Đồng Nai sang trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích lên đến 13 ha. 

Ngoài ra, xã Phước Cát 2 cũng tích cực trong công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân phát triển và mở rộng ngành chăn nuôi. Đến nay, toàn xã đã có đàn trâu 188 con/67 hộ, đàn bò có 1.310 con/289 hộ, đàn heo có 978 con/93 hộ, tổng đàn gia cầm đạt 16.500 con. Để việc chăn nuôi của người dân phát triển ổn định, UBND xã đã luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phun tiêu độc khử trùng, phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, khuyến cáo cho Nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên, xã Phước Cát 2 đã có 1 hộ đăng ký nuôi với số lượng 6 con. 

Mặt khác, để nâng cao nguồn thu nhập, người dân trong xã Phước Cát 2 còn tích cực tham gia công tác nhận khoáng bảo vệ rừng trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn 5 thôn của xã đã có 10 tổ cộng đồng, mỗi hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng ở mức trung bình 30 ha/hộ, với thu nhập ước đạt 25 triệu đồng/hộ/năm; riêng Thôn 3 và 4 thì 100% số hộ dân đều tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. 

Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Phước Cát 2 là rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Tin rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Phước Cát 2 thì mục tiêu đạt mức thu nhập 60 triệu đồng/người/năm, mức tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4-5% vào cuối năm 2023 sẽ không khó. Từ đó, đưa xã vùng sâu, vùng xa này ngày càng phát triển và tiến gần hơn với mục tiêu hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.