Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và người lao động, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân.
Các lớp dạy nghề đan dây nhựa đã giúp chị em phụ nữ huyện Cát Tiên có thêm việc làm lúc nông nhàn |
Theo UBND huyện Cát Tiên, hiện nay, nguồn nhân lực của huyện khá dồi dào với tổng số lao động trong độ tuổi toàn huyện là 25.910 lao động/36.252 người, chiếm tỷ lệ 71,47% dân số. Cụ thể, đối tượng làm việc trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản là 18.810 lao động, chiếm 72,59 %; công nghiệp xây dựng có 3.870 lao động, chiếm 14,94%; dich vụ có 3.230 lao động, chiếm 12,47%.
Bà Trần Thị Ngọc Lài - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cát Tiên chia sẻ, xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Do đó, trong những năm qua, các cấp Hội trong huyện đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị để mở các lớp đào tạo nghề, giúp hội viên có thêm cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu thực tiễn trên địa bàn.
Riêng trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cát Tiên đã tổ chức cho 39 hội viên tham gia lớp tập huấn phòng bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức; có 16 chị tham gia lớp học nghề may tại xã Đồng Nai Thượng; 20 chị tham gia lớp truyền nghề dệt thổ cẩm tại Thôn 6, xã Tiên Hoàng; 25 chị em tham gia lớp học nghề trồng rau tại thị trấn Phước Cát; 15 chị em tham gia lớp trồng và chăm sóc cây cao su tại xã Phước Cát 2. Ngoài ra, đối với người nghèo, các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, Hội còn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng.
Ông Nguyễn Bình - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên cho biết, thực tế cho thấy, để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững ở nông thôn thì vấn đề cơ bản nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định, trên cơ sở điều kiện thực tế và tiềm năng sẵn có của địa phương. Trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức đào tạo nghề cho 14 lớp nghề với tổng số 353 lao động tham gia, đạt 100,86% nghị quyết, qua đó giải quyết việc làm mới cho 1.863 lao động, đạt 103,5% kế hoạch; đồng thời, có 6 lao động đi xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Bình, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Cát Tiên đã được triển khai đạt hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, do đó công tác đào tạo nghề đã từng bước được đổi mới, việc học nghề được tổ chức theo nhu cầu của người lao động, của từng địa phương.
Qua khảo sát, sau khi học nghề, trên 80% người lao động đã áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế lao động sản xuất trên đồng ruộng và đàn vật nuôi tại gia đình, như: kỹ thuật chăn nuôi, trồng lúa chất lượng cao, trồng rau, trồng và chăm sóc cây ca cao, sầu riêng, giúp người dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số lao động đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, số lao động qua đào tạo các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đã tăng lên đáng kể và tỷ lệ người lao động có nhu cầu đào tạo ngành phi nông nghiệp ngày càng cao.
Trong thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới trên địa bàn huyện; thực hiện tốt công tác tư vấn xuất khẩu lao động. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện về công tác Giảm nghèo các cấp trong triển khai thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động nông thôn và phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả sau đào tạo và xây dựng các phóng sự về những gương điển hình làm giàu từ học nghề để nhân rộng mô hình tạo phong trào rộng khắp trong Nhân dân. Chú trọng liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề.
Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn tại các xã, cụm xã và tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình để các doanh nghiệp quảng bá, thông tin nhu cầu việc làm; đồng thời, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc với người lao động để tuyển dụng lao động. Kịp thời thông báo điều kiện tuyển lao động của các đối tác nước ngoài phù hợp với trình độ cũng như sức khỏe của người lao động; thường xuyên thông tin về các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... để người lao động có thông tin và lựa chọn thị trường - ông Bình cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin