''Hiếu điền và Học điền'' của tộc họ Nguyễn Hữu

THÀNH ĐỒNG 06:28, 13/03/2024

Chăm gốc - dưỡng mầm, ấy là cách tộc họ Nguyễn Hữu ở làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã làm từ thời phong kiến đến nay, để một mặt vun bồi gốc rễ, mặt khác chăm lo việc học của con cháu trong họ tộc, qua phong trào “Hiếu điền và Học điền”.

Tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt khen thưởng tân tiến sĩ và tân thạc sĩ dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt khen thưởng tân tiến sĩ và tân thạc sĩ dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Ban Khuyến học tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt, giải thích: “Hiếu điền”, nghĩa nôm là ruộng hiếu, dùng cúng giỗ tổ tiên. Mỗi năm các thành viên trong họ tộc sẽ tự nguyện đóng góp một phần vật chất vào “ruộng hiếu”, để cùng chăm lo cho công tác đạo họ. Cũng vậy, những đóng góp của các thành viên trong tộc họ vào “Học điền” - ruộng học, lại sử dụng cho việc chăm nom việc học tập của con cháu. Truyền thống đó của họ tộc Nguyễn Hữu có từ thời phong kiến ở quê nhà Thanh Quýt, nay vẫn được phát huy trên quê mới Đà Lạt, Lâm Đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, những năm 1930, vì nhiều lý do khác nhau, con em của tộc họ Nguyễn Hữu ở làng Thanh Quýt đã đến Đà Lạt xây dựng quê hương mới. Tính tới thời điểm hiện tại, con em của họ tộc Nguyễn Hữu đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Đà Lạt, Lâm Đồng khoảng 1.800 người. Trên quê hương mới, tộc họ Nguyễn Hữu vẫn luôn hướng về nguồn cội, động viên con cháu phát huy truyền thống chăm gốc - dưỡng mầm, xây dựng cộng đồng học tập trong họ tộc. Năm 1997, Ban Khuyến học tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt ra đời, với mục đích ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng con em trong họ tộc có những thành tích xuất sắc trong học tập, đồng thời hỗ trợ những học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để các em không phải bỏ học giữa chừng.

Tìm hiểu được biết, các thành viên Ban Khuyến học họ tộc Nguyễn Hữu tại Đà Lạt phần đa là các thầy giáo, cô giáo đã nghỉ hưu, những người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục. Do đó, mọi người đều am hiểu, trách nhiệm, tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài. Điều này đã thể hiện rõ qua các con số sau: từ năm 1997 đến năm 2024, tộc họ Nguyễn Hữu đã tổ chức biểu dương, tôn vinh và khen thưởng hơn 1.015 lượt sinh viên - học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu... Trong số những người được khen thưởng, nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân... “Qua 27 năm, tổng số tiền cho công tác khuyến học của họ tộc Nguyễn Hữu khoảng 400 triệu đồng. Số tiền này, đều do bà con nội - ngoại tộc họ Nguyễn Hữu đóng góp”, ông Nguyễn Hữu Khánh cho biết.

Từ sự quan tâm, động viên về tinh thần, vật chất của Ban Khuyến học họ tộc Nguyễn Hữu tại Đà Lạt, nhiều con em trong dòng tộc và nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn để nuôi dạy con em thành tài. Ghi nhận sự đóng góp của tộc họ Nguyễn Hữu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Hội Khuyến học Việt Nam đã nhiều lần biểu dương, tặng bằng khen, giấy khen. “Năm 2007 và năm 2013, họ tộc Nguyễn Hữu tại Đà Lạt vinh dự là một trong các tộc họ hiếu học toàn quốc được vinh danh. Bên cạnh đó, họ tộc Nguyễn Hữu còn có 7 cá nhân được Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học. Tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt cũng đã nhận 6 Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền tặng”, ông Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ.

Chăm lo cho thế hệ mai sau là truyền thống tốt đẹp của họ tộc Nguyễn Hữu. Hàng năm, vào thời điểm trước hoặc sau Tết Nguyên đán, tộc họ Nguyễn Hữu tại Đà Lạt lại tổ chức tuyên dương, trao thưởng cho con em trong họ tộc có thành tích học tập xuất sắc, cũng như trao những phần quà hỗ trợ những con em gặp khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em trong tộc họ Nguyễn Hữu học tập, rèn luyện, trở thành người công dân tốt. “Phần thưởng tuy không lớn về vật chất nhưng là sự ghi nhận của họ tộc, qua đó động viên con cháu không ngừng cố gắng để gặt hái thêm những thành tích mới”, ông Nguyễn Hữu Khánh tâm sự.