Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

TUẤN HƯƠNG 07:05, 10/04/2024

Từ nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này vẫn còn rất nhiều khó khăn, trở ngại...

Hội LHPN tỉnh tổ chức các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Hội LHPN tỉnh tổ chức các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

ÐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Là xã có trên 93% đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, trước đây, Bảo Thuận từng được xem là địa phương có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều nhất trên địa bàn huyện Di Linh. Trung bình mỗi năm, toàn xã có hơn chục cặp đôi “trẻ con” được gia đình hai bên chấp thuận về chung sống với nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở xã giảm đáng kể. Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ông K’ Broh - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho hay, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự chung tay vào cuộc của lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong xã dần chuyển biến tích cực, nhất là thế hệ trẻ.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015 - 2020 toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn, 30 cặp kết hôn cận huyết thống. Giai đoạn 2021 - 2023 có 195 trường hợp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống, giảm 869 cặp tảo hôn và 29 cặp kết hôn cận huyết thống so với giai đoạn 2015 - 2020. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là trong vùng DTTS và miền núi được triển khai sâu rộng nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngày một giảm so với trước đây.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các hoạt động truyền thông như in ấn tờ rơi, sổ tay, lắp đặt panô tuyên truyền… Đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thi tìm hiểu pháp luật hôn nhân gia đình; thành lập các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại một số xã trọng điểm và trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh…

NÂNG CAO NHẬN THỨC

Theo bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra không những chỉ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS mà ngay cả các địa bàn thị trấn, thành thị, gây nhiều hệ lụy cho đời sống, sức khỏe sinh sản và duy trì nòi giống cũng như đạo đức xã hội. Và điều đáng nói là có nhiều vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do các đối tượng cố tình thực hiện, thậm chí biết sai vẫn làm. Không ít vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do cha mẹ sắp đặt, do ảnh hưởng tập tục của gia đình, dòng họ. Nhiều gia đình dù biết con cái chưa đến tuổi kết hôn nhưng vẫn cho tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn, giấu chính quyền…

Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ, thanh, thiếu niên để nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Điển hình là các Chi hội phụ nữ vùng DTTS xây dựng Mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, Hội LHPN các cấp thành lập các CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Phụ nữ với pháp luật”, CLB “Không sinh con thứ 3”… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, phụ nữ; đặc biệt hội viên, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được phổ biến, giáo dục pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã và đang đưa ra các giải pháp để đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tuy nhiên, muốn xóa bỏ hoàn toàn hủ tục này, cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết của người dân, nhất là vùng DTTS với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, tư duy cũ về việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tăng sự răn đe của pháp luật nhằm giảm thiểu số người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.