Những người đi qua cuộc chiến

NHẬT QUỲNH 01:24, 30/04/2024

Những ngày tháng Tư rực rỡ cờ hoa, cả nước  hướng về mốc son chói lọi 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, các cựu chiến binh (CCB) - những người đã từng dũng cảm xông pha giữa làn mưa bom, bão đạn lại tìm về nơi chiến trường xưa, nơi ghi dấu những chiến công hiển hách, để ôn lại ký ức hào hùng và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Tri ân đồng đội
Tri ân đồng đội
• VẸN NGUYÊN KÝ ỨC HÀO HÙNG

Năm nay, CCB Trần Hồng Cầu cùng những người đồng đội của mình cũng háo hức trở về Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất thép đã từng chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát trong cuộc chiến tranh ác liệt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những ký ức về chiến tranh, về đồng đội vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Cầu. Vẫn những chiến hào, những hầm chốt, những con đường mòn năm xưa, nhưng giờ đây đã được phủ xanh bởi những hàng cây thẳng tắp và rợp bóng cờ hoa. Những người lính tuổi 19, đôi mươi năm xưa nay gặp lại nhau khi màu tóc đã bạc trắng. 

Sinh năm 1949 tại huyện Yên Lãng (Vĩnh Phúc), ông Trần Hồng Cầu từng là Tiểu đội trưởng Đặc công trinh sát thuộc đơn vị K10, Tỉnh đội Quảng Trị. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Đặc công (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ông được tăng cường về Huyện đội Gio Linh (Quảng Trị). Tháng 4 năm 1972, sau chiến thắng giải phóng Gio Linh, ông được điều về K10 và tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bi tráng. Mỗi ngày đêm nơi đây đều diễn ra những trận chiến khốc liệt. Mỗi mét vuông đất Thành cổ hứng chịu hàng tấn bom đạn Mỹ - ngụy. Máy bay phản lực và “pháo đài bay” B52 dội bom vô tội vạ. Mảnh đất chưa đầy 3 km vuông, trở thành “túi bom đạn”. Mỹ - ngụy đã trút hơn 328.000 tấn bom đạn các loại; tương đương, mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu khoảng 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo các loại. Nhưng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. 

Trên tuyến đầu chiến trường, trinh sát đặc công Trần Hồng Cầu cùng đồng đội ngụy trang, âm thầm luồn lách, bám sát địch, thu thập nhiều thông tin quý giá phục vụ cho đơn vị hoạch định chiến thuật. Nhớ về những tháng ngày ác liệt ấy, ông xúc động kể: “Khí thế hừng hực cháy bỏng trong tim mỗi người lính. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng, dù có hy sinh xương máu”. Giữa bom đạn cày xới, ông và đồng đội chiến đấu anh dũng, kiên cường. Hình ảnh người lính trẻ dù bị địch bắt, uy hiếp vẫn kiên định ý chí, dùng quả lựu đạn cuối cùng để cùng kẻ thù “chung số phận” còn in đậm trong tâm trí ông. Và còn biết bao những chiến sỹ trẻ tuổi, dù thương tích đầy mình và chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, họ vẫn không hề lùi bước, anh dũng xông pha trận mạc, quyết chiến với kẻ thù, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. 

Ngày gặp mặt
Ngày gặp mặt
ĐỒNG ĐỘI TÔI CÒN NẰM ĐÓ...

Để có được hòa bình cho Tổ quốc, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong 81 ngày đêm đẫm máu tại mảnh đất Quảng Trị. Xương máu họ hòa quyện vào lòng đất mẹ, nhiều đồng đội đã mãi mãi dừng lại tuổi xanh nơi dòng sông Thạch Hãn. Nhớ về chiến dịch Trị Thiên cách đây hơn 50 năm, ông Cầu xúc động kể lại ký ức về một lần đi trinh sát cùng 8 đồng đội. Bất ngờ bị địch phát hiện, pháo kích dữ dội, chỉ có ông Cầu và một đồng đội may mắn sống sót nhờ tìm được nơi ẩn náu an toàn. Hình ảnh những người đồng đội hy sinh nơi chiến trường vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí ông: “Tôi may mắn sống sót, nhưng đồng đội của tôi vẫn còn nằm lại nơi rừng thiêng lạnh lẽo”, ông Cầu nghẹn ngào.

Mang theo nỗi day dứt, khi hòa bình lập lại, suốt nhiều năm qua, bất cứ khi nào có điều kiện, ông lại quay lại chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Song, sau hơn nửa thế kỷ, dấu tích chiến tranh phai mờ, công việc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn. 

Cùng chung nỗi niềm với ông Cầu, đặc công Nguyễn Xuân Bửu (sinh năm 1949), quê ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cũng ngày đêm kiên trì tìm lại hài cốt đồng đội. “Tháng 2/1974, giữa đêm, tôi cùng ba đồng đội đi trinh sát, nắm tình hình ở đồng bằng, khi quay trở lại căn cứ thì bị địch phục kích. Mỗi người đều tìm cách thoát thân, sáng hôm sau, khi tôi quay lại chỗ tập kết mới biết đồng đội đã hy sinh”, ông Bửu xúc động nhớ lại. Sau hòa bình, nhiều lần ông Bửu trở lại tìm kiếm nhưng không thấy. Quyết không để đồng đội nằm vô danh nơi xứ lạ, ông Bửu vẫn kiên trì đi tìm hài cốt đồng đội. Niềm tin và lòng quyết tâm ấy đã được đền đáp, sau nhiều lần kết nối với các đơn vị tìm kiếm, năm 2004, ông Bửu đã tìm thấy hai đồng đội của mình và đưa về nghĩa trang an táng. Đến nay, ông vẫn đang tiếp tục hành trình tìm kiếm người đồng đội còn lại. 

Bom đạn, mất mát, tang thương của hơn 50 năm về trước nay đã nhường chỗ cho hòa bình và tự do. Thế nhưng, ký ức về những ngày tháng oanh liệt, về tình đồng đội gắn bó keo sơn vẫn luôn sống mãi trong tâm trí những người đã từng đi qua cuộc chiến. Nhìn lại lịch sử, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm thấm thía giá trị của hòa bình mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu; để rồi ra sức rèn luyện, học tập, lao động, tiếp nối sự nghiệp dựng xây quê hương, xứng đáng với những hy sinh to lớn đó. 

Trở về Quảng Trị, Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972, nay đã rợp bóng cây xanh, đâu đó vang vọng bài thơ “Thắp cho Thành cổ” của Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: 

Rêu cũng đỏ như đã từng là máu
Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm

...

Đài chứng tích - nấm mộ chung liệt sỹ
nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên
Ai thấu hết nỗi đau của Mẹ
để dựng tượng đài Nước mắt Việt Nam?
Thành cổ ơi, đã qua thời máu lửa
xin để hoa tươi được hát cho mình!