Nghiệp đoàn đầu tiên của Lâm Đồng ra đời: Linh hoạt thu hút người lao động tự do

DIỆP QUỲNH 06:25, 16/05/2024

Những ngày giữa tháng 5/2024, nghiệp đoàn đầu tiên của TP Đà Lạt, cũng là nghiệp đoàn đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng ra đời. Đây là một dấu mốc cho thấy, tổ chức Công đoàn không chỉ gói gọn trong các hoạt động truyền thống mà đã linh hoạt trong công tác vận động người lao động khu vực phi chính thức.

LĐLĐ TP Đà Lạt trao quà của tổ chức Công đoàn tới đoàn viên
thuộc Nghiệp đoàn tài xế xe công nghệ Đà Lạt
LĐLĐ TP Đà Lạt trao quà của tổ chức Công đoàn tới đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn tài xế xe công nghệ Đà Lạt

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Lạt cho biết, hoạt động của LĐLĐ thành phố trong mục tiêu thu hút đoàn viên, thành lập mới công đoàn cơ sở trước nay vẫn dừng lại tại các doanh nghiệp. Bước đột phá bắt đầu khi một số đoàn viên công đoàn tham gia thị trường chạy xe công nghệ Grab. Những đoàn viên công đoàn cho biết, nhiều người lao động chạy Grab chưa sinh hoạt tại một tổ chức tập thể nào và họ vô cùng mong muốn được đứng vào trong một tập thể bảo vệ quyền lợi cho họ. Vì vậy, LĐLĐ TP Đà Lạt đã tiếp xúc với các thành viên đang là tài xế xe công nghệ Grab trên địa bàn Đà Lạt để vận động thành lập nghiệp đoàn và động viên họ tham gia công đoàn.

Chị Nguyễn Trần Phương Thảo - Đội trưởng Đội Grab, người trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp để hỗ trợ đội ngũ tài xế cho biết, lực lượng lái xe Grab trên địa bàn TP Đà Lạt là rất lớn. Nhiều thành viên có những công việc ổn định khác, chạy Grab như một việc làm thêm ngoài giờ. Nhưng cũng có nhiều anh chị em chạy Grab toàn thời gian, chưa được tham dự sinh hoạt tại một tổ chức tập thể. Chị chia sẻ, cũng như nhiều ngành nghề khác, những người tài xế xe công nghệ Grab cũng gặp nhiều băn khoăn, trăn trở trong công việc và môi trường làm việc. Vì vậy, khi được LĐLĐ TP Đà Lạt tiếp xúc, vận động, chị đã chia sẻ với các thành viên trong đội và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của anh chị em. Ban đầu, chỉ vài chục anh chị em tham gia nghiệp đoàn. Sau đó, cùng với sự vận động của cán bộ công đoàn cũng như sự nhiệt tình của chị và các thành viên, anh chị em đã đăng ký tham gia sôi nổi. 

Và, Nghiệp đoàn tài xế xe công nghệ Đà Lạt đã ra đời với 49 thành viên đầu tiên. Chị Phương Thảo chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rất rõ mình đã được đứng trong một tổ chức luôn luôn quan tâm tới quyền lợi của người lao động. Các thành viên nghiệp đoàn cam kết thực hiện mọi điều lệ Công đoàn Việt Nam, quyết tâm xây dựng một nghiệp đoàn mạnh, thu hút đông đảo anh chị em tham gia sinh hoạt”.

Đồng chí Hoàng Liên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng đánh giá, việc thành lập nghiệp đoàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh là sự cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng "Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Việc thành lập nghiệp đoàn đầu tiên của Công đoàn tỉnh Lâm Đồng là nỗ lực rất tích cực của các cán bộ công đoàn, đồng thời, là sự tin tưởng của anh chị em lao động tự do đối với tổ chức Công đoàn. Họ sẵn sàng đứng vào tổ chức Công đoàn, tham gia hoạt động trong một tổ chức đại diện quyền và lợi ích chính đáng của họ. “Nghiệp đoàn được thành lập là tín hiệu đáng mừng cho tính linh hoạt cũng như uy tín của tổ chức Công đoàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thành lập thêm các nghiệp đoàn, triển khai tổ chức thêm một số nghiệp đoàn mang tính đặc thù ngành nghề của riêng tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết.

Việc thành lập và đưa nghiệp đoàn hoạt động một cách hiệu quả thật sự còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Hoàng Liên chia sẻ: “Nghiệp đoàn là một tổ chức hoạt động trên tinh thần tự nguyện, cần có nguồn kinh phí để trang trải các hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết người lao động tự do sinh hoạt trong nghiệp đoàn nói chung đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta cần có nguồn lực hỗ trợ để giúp nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả”.

Cũng theo đồng chí Hoàng Liên, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu các vấn đề về cơ chế, chính sách để có sự hỗ trợ các nghiệp đoàn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, cộng đồng để có thêm nguồn lực hỗ trợ các nghiệp đoàn. Đồng thời, cán bộ công đoàn cần thực hiện tốt công tác vận động, khơi dậy tinh thần tự nguyện, tự giác của đoàn viên trong các nghiệp đoàn. Đồng chí đánh giá, với sự hỗ trợ của chính sách và công đoàn cấp trên, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và cộng đồng cũng như sự cố gắng của từng anh chị em đoàn viên công đoàn, hoạt động của nghiệp đoàn sẽ ngày càng đi vào thực chất, mang lại quyền lợi chính đáng cho anh chị em.