Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống K’Long

NHẬT MINH 09:53, 01/05/2024

Làng K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho được truyền lại từ đời này qua đời khác. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống K’Long, góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại hàng thế kỷ qua.

Linh mục Nguyễn Anh Tuấn đang giới thiệu các sản phẩm tại nhà trưng bày
Linh mục Nguyễn Anh Tuấn đang giới thiệu các sản phẩm tại nhà trưng bày

Sự hình thành nghề dệt thổ cẩm là một lịch sử đầy thăng trầm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của buôn làng dân tộc K’Ho. Những người già trong làng kể lại rằng, xưa kia, đời sống người K’Ho nhiều khó khăn, dân làng chỉ dùng tranh để lợp nhà, dùng tre, nứa để đan rồi che chắn quanh nhà tránh thú dữ. Thời kỳ này, nghề dệt còn chưa phát triển, họ phải làm tất cả các công đoạn của sản phẩm, từ trồng cây nguyên liệu chỉ, nguyên liệu màu, kéo chỉ, nhuộm màu chỉ cho đến lúc hoàn thành sản phẩm. Công việc đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo; một năm một người thợ chỉ dệt được vài chục tấm váy, khố, cái địu là nhiều nhất do công đoạn làm chỉ rất lâu và do tính thời vụ của nguyên liệu.

    Nghệ nhân của làng nghề bên các sản phẩm
    Nghệ nhân của làng nghề bên các sản phẩm

Sau này, do công nghệ dệt may ngày một phát triển, người đồng bào ít mặc trang phục truyền thống, mà mặc như người Kinh, chỉ mặc khi có lễ hội quan trọng, dẫn tới nghề dệt ngày càng mai một. Tuy nhiên, vẫn còn số ít người phụ nữ kiên trì với nghề dệt, vẫn sớm tối nắn nót với từng sợi chỉ, khắc lên hình ảnh của những người thợ dệt. Đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm đã được đa dạng thêm với các sản phẩm như: Quần áo, túi xách, túi ba lô, bộ váy nữ, áo ghi lê nam, giỏ thổ cẩm, ví tiền, túi sinh viên thổ cẩm… Để tạo được nét tinh xảo, màu sắc sặc sỡ, người nghệ nhân ngoài đôi tay thoăn thoắt, còn cần có khiếu thẩm mỹ cũng như biết cách phối màu khéo léo.

Nghệ nhân làng nghề bên khung dệt
Nghệ nhân làng nghề bên khung dệt

Thời gian qua, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn xã Hiệp An luôn được lãnh đạo xã, huyện và linh mục tại nhà dòng Don Bosco K’Long rất quan tâm, coi trọng và xem như một việc làm không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống cư dân bản địa mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn. Vào năm 2002, xưởng dệt thổ cẩm tại thôn K’Long, xã Hiệp An do nhà dòng Don Bosco K’Long thành lập đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tham gia. “Bắt đầu từ ý tưởng của cha Đaminh Phạm Xuân Uyển, nhà xưởng thổ cẩm K'Long đã được xây dựng. Lúc bấy giờ, có khoảng hơn 70 người cùng tham gia, vừa dệt, vừa may. Sản phẩm sản xuất ra cũng được các cha, các thầy quen biết giới thiệu chỗ bán. Đến nay, xưởng dệt của nhà dòng vẫn được duy trì và chủ yếu mọi người nhận về nhà gia công, vừa làm, vừa tranh thủ làm vườn, làm việc nhà”, Linh mục Nguyễn Anh Tuấn - Quản lý xưởng dệt của nhà dòng Don Bosco, cho biết.

Hiện, trong khuôn viên nhà dòng Don Bosco K’Long có 1 nhà xưởng khoảng 500 m2, 1 nhà trưng bày sản phẩm 100 m2. Việc sản xuất các sản phẩm phần lớn được sản xuất trực tiếp tại nhà của người dân là chủ yếu.

Lao động tham gia sản xuất ngành nghề dệt thổ cẩm của thôn chủ yếu là phụ nữ trong gia đình, do đặc điểm của nghề dệt thổ cẩm cần đến sự khéo léo kiên trì và bền bỉ. Nghệ nhân có kinh nghiệm, tay nghề cao 20 năm trở lên về dệt thổ cẩm có khoảng 20 người, có thể kể đến như các chị: K’Hảo, K’Quê, K’Hội, K’Điểm… Họ cũng có trách nhiệm chỉ dạy cho các thợ khác dệt đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

K’Hảo - thành viên của xưởng dệt cho biết: “Tôi gắn bó với xưởng từ lúc mới thành lập, đến nay cũng đã hơn 20 năm. Thu nhập từ xưởng có tháng đủ, tháng không, nhưng càng làm, càng thấy yêu hơn nghề này. Thật lòng, cũng đã có lúc muốn bỏ nghề này đi tìm việc khác, nhưng rồi, nỗi nhớ nghề lại thôi thúc, lại trở lại và gắn bó cho đến tận bây giờ”. K’Điểm, 33 tuổi, cũng cho biết: “Học xong lớp 11 là em vào đây làm cho đến tận bây giờ. Nhờ cha luôn tạo điều kiện nên mỗi ngày, em vừa tranh thủ đến nhà xưởng một buổi, buổi còn lại thì làm vườn thêm ở nhà”.

Vừa trao đổi với chúng tôi, Linh mục Nguyễn Anh Tuấn vừa giới thiệu các sản phẩm tại nhà trưng bày như: Quần áo các dân tộc (chủ yếu là dân tộc K’Ho gốc Tây Nguyên), túi xách, túi ba lô, bộ váy nữ, áo ghi lê nam, giỏ thổ cẩm, ví tiền, túi sinh viên thổ cẩm, tấm ui… với hơn 20 chủng loại sản phẩm. Chủ đề hoa văn trang trí trên thổ cẩm truyền thống thường là các hiện tượng tự nhiên, sự vật quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của họ, như cầu thang nhà sàn, răng cưa, lá đùng đình, chuỗi cườm, xà gạc, choé rượu cần…

Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm của làng nghề cũng chủ yếu bán ra trong nước, chưa trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, khoảng 59% sản phẩm làm ra bán cho đồng bào dân tộc trong tỉnh, 36,5% bán ra ngoài tỉnh thông qua các đầu mối và có khoảng 4,5% bán tại các điểm du lịch và bán cho khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại các khu du lịch, bao gồm khách nội địa và khách nước ngoài. Ngoài ra, còn bán tại một số địa điểm du lịch trong nước như: Huế, Đà Nẵng...

Mới đây, vào ngày 13/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống K’Long, xã Hiệp An. “Cùng với việc được công nhận làng nghề, dự kiến vào tháng 6 tới, nơi đây cũng được huyện Đức Trọng chọn để tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc nhằm hưởng ứng Tuần lễ Vàng Du lịch tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3. Với nhà dòng Don Bosco, đây là niềm vinh dự và tự hào. Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà dòng cũng đang tiến hành tu sửa cơ sở vật chất. Đồng thời, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô hoạt động của làng nghề, Ban quản lý nhà dòng Don Bosco K’Long sẽ trang bị thêm máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất, xây dựng thêm nhà xưởng, gian trưng bày sản phẩm, tuyển dụng thêm nghệ nhân, người có tay nghề cao phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng cũng như chính quyền xã Hiệp An làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội để quảng bá rộng rãi nét đặc trưng của làng nghề truyền thống của địa phương; đề xuất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng kết nối tour, tuyến tham quan du lịch làng nghề dệt thổ cẩm K’Long gắn liền với khu vực Núi Voi và làng Gà Đarahoa, góp phần đưa sản phẩm du lịch huyện Đức Trọng nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung ngày càng phát triển nhanh và bền vững”, Linh mục Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.