Nỗ lực tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06

THỤY TRANG 06:15, 21/06/2024

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, giải quyết “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06

Thực hiện Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 về tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn 4863/UBND-NC ngày 5/6/2023 cùng nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 tại địa phương và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Nổi bật là việc tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí khi công dân thực hiện hồ sơ trực tuyến, góp phần khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng cũng được đánh giá cao về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công; Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được nâng lên qua các năm (năm 2023 đạt 70,21%, quý I/2024 đạt 81,71%). Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn thông tin, an ninh mạng của địa phương cơ bản đáp ứng theo quy định. Và tỉnh đã giải quyết được một phần khó khăn, tồn tại về kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06.

Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng, để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các TTHC theo thẩm quyền; Chuyển đổi quy trình thực hiện TTHC, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; Bổ sung thiết bị, ưu tiên bố trí kinh phí, đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cán bộ phục vụ Đề án 06. Địa phương đã nghiên cứu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và hướng dẫn của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ về khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn chỉ đạo việc sử dụng 7 phương thức khai thác, sử dụng thông tin thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và giao cho Công an tỉnh thường xuyên tham mưu kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Bộ phận một cửa các cấp thực hiện nghiêm túc trong quá trình giải quyết TTHC, rà soát, thực hiện cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các TTHC có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Kết quả, 100 TTHC có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đã được khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử, không yêu cầu người dân, tổ chức phải nộp các giấy tờ nêu trên trong quá trình giải quyết TTHC.

UBND tỉnh cũng đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Một nghị quyết bãi bỏ khoản thu “Lệ phí đăng ký cư trú” để thống nhất thực hiện theo Thông tư số 75/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú và Một nghị quyết quy định giảm 20% mức phí, lệ phí khi công dân thực hiện hồ sơ trực tuyến. 

Trong lĩnh vực thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến nay tỉnh đã cung cấp 1.195 dịch vụ. Trong đó, 697 thủ tục hành chính đã khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư nhằm cải cách TTHC, giảm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong năm 2023, Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, thành và đứng thứ 6/63 tỉnh, thành về dịch vụ công trực tuyến. 

Đối với công tác số hóa hồ sơ TTHC, gắn việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy đinh. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết trên địa bàn tỉnh đạt 77,91%; Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử toàn tỉnh đạt 83,72%; 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh triển khai chứng thực điện tử bản sao từ bản chính. Tỉnh đã hoàn thành kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, thường xuyên được nâng cấp, bổ sung đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn. Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được tích hợp giữa hai hệ thống một cửa điện tử và hệ thống dịch vụ công trực tuyến và được triển khai thống nhất từ cấp tỉnh tới cấp xã. Thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh và trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống cung cấp lý lịch tư pháp, hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 

Tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh IOC của tỉnh và 10/12 huyện, thành phố. Đồng thời, đã triển khai thử nghiệm thành công kết nối xác thực tập trung (SSO) đối với app Công dân số của tỉnh, đã có văn bản gửi Cục C06 đề nghị hỗ trợ kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn trước khi kết nối và đưa vào triển khai chính thức. 

Ngoài ra, tỉnh còn duy trì vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn thông tin, an ninh mạng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Qua đó, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu tỉnh Lâm Đồng đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh được kết nối, khai thác với 6 cơ sở dữ liệu quốc gia (trong đó, có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), 10 hệ thống thông tin của các bộ, ban, ngành Trung ương cung cấp, chia sẻ dữ liệu trên NDXP (hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia).

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả, giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, góp phần tiết kiệm thời gian. Nâng cao chất lượng dịch vụ công, lấy người dùng làm trung tâm; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của cơ quan nhà nước dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời.