“Trái ngọt” trong giảm nghèo bền vững ở Pró

DIỄM THƯƠNG 03:12, 12/06/2024

Đến đầu năm 2024, xã Pró, huyện Đơn Dương đã về đích với mục tiêu “không còn hộ nghèo” là kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Pró đã hoàn thành mục tiêu, đem lại "trái ngọt" cho đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân mà đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Lớp học giữ gìn nghề gốm truyền thống tại Pró vào tháng 5/2024
Lớp học giữ gìn nghề gốm truyền thống tại Pró vào tháng 5/2024

Được thành lập từ năm 1989 tách từ xã Ka Đơn, cách trung tâm huyện 7 km, xã Pró nằm ở phía Nam sông Đa Nhim, là một trong 10 xã, thị trấn của huyện Đơn Dương thuộc khu vực miền núi. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 87,84 km², có 1560 hộ và 7.300 nhân khẩu phân bố tại 7 thôn với hơn 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 61%; lao động nông nghiệp chiếm 64%. Đặc biệt có 1 thôn khó khăn là thôn Pró Ngó, với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Churu.

Cũng như các xã khác trong toàn huyện Đơn Dương, xã Pró bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2024 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) cuối năm 2019 có tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 30 hộ, chiếm 1,99%.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện về công tác giảm nghèo, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Pró luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ xã đến thôn, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong xã, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững từ 2019 - 2024, đến đầu năm 2024, xã Pró đã không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo chỉ còn 27 hộ, chiếm tỷ lệ 1,74% số hộ toàn xã (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 20 hộ, chiếm tỷ lệ 2,04%).

Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện và Nhân dân đóng góp thực hiện các công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Đến nay 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới đạt 100%; 100% các trường từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ I, trong đó trường tiểu học phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn xã đã có 7 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó có 2 thôn đạt thôn kiểu mẫu và 1 thôn đạt mô hình thôn thông minh.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Các hoạt động văn hóa văn nghệ như múa gốm, đánh cồng chiêng,... được duy trì thường xuyên đã tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái giữa các thôn. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mặt khác, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, “Tháng hành động Vì người nghèo”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo của tỉnh. Tăng cường vai trò lãnh đạo, tiên phong của cấp ủy; phân công đảng viên, cán bộ tham gia giúp đỡ cộng đồng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Tùng nhận xét: Trong những năm qua, xã Pró đã thực sự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức và thống nhất trong hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội. Đồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác.

Cho đến thời điểm này, với những “trái ngọt” thu được, có thể khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thật sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân và của chính người nghèo trên địa bàn xã Pró, huyện Đơn Dương. Đây cũng là cơ sở vững chắc để huyện Đơn Dương hiện thực hóa tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.