(LĐ online) - Đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vốn là hòn đảo xinh đẹp và thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn vì là “quốc đảo” tôm hùm tươi ngon. Những năm gần đây nghề nuôi tôm hùm có lúc thăng trầm theo năm tháng nhưng có thể khẳng định nhờ tôm hùm, nhiều người dân đã trở thành tỷ phú. Điều đặc biệt ấn tượng hơn nữa là cuộc sống – con người nơi đây rất thân thiện, thiền hoà.
Hòn Rùa trên đảo Bình Ba |
Đảo Bình Ba, cách thành phố Nha Trang, Khánh Hoà 60km về phía Nam. Đảo nằm trên vịnh Cam Ranh, cách cảng Cam Ranh khoảng 15km. Đảo có diện tích khoảng 3km2, nổi tiếng với thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh đẹp với các bãi cát trắng trải dài, hải sản tươi ngon. Ra đảo Bình Ba rất thuận tiện chỉ mất 20 phút đi ca nô cao tốc hoặc 1 giờ đồng đi thuyền xuất phát từ cảng Cam Ranh.
Người dân sống nơi đây sống hài hòa với môi trường, đặc biệt hơn 85% hộ dân nới đây có nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển. Đảo có ba bãi biển khá đẹp, là bãi Chướng, bãi Nồm và bãi Nhà Cũ.
Ấn tượng của Bình Ba là đảo nhỏ như vậy nhưng có trên 20% hộ dân là tỷ phú, thu nhập vài tỷ mỗi năm.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Quý Mão 2023, trở lại đảo Bình Ba thấy cảnh “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp. Sáng sớm thuyền đã cập bến chở theo hàng hoá, thực phẩm, đồ môi (thức ăn cho tôm hùm bao gồm ốc, cá nhỏ). Cảnh mua bán, phân chia thức ăn cho tôm hùm diễn ra náo nhiệt trong khoảng 1 giờ đồng hồ; từ đó những thợ lặn sẽ theo các thuyền đưa về các lồng bè ngoài biển để cho tôm hùm ăn.
Cạnh đó, một vài chiếc thuyền gỗ lớn khác tràn ngập các hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, chủ yếu là bánh kẹo, quần áo, nước uống, beer, các đồ lương thực, thực phẩm.
Chợ Tết ở trên đảo, cảnh buôn bán cũng nhộn nhịp không khác gì trên đất liền nhưng không ai trả giá, mặc cả. Vì tất cả những người buôn bán đều là người dân trên đảo, mọi người ai nấy đều vui vẻ thân thiện như người một nhà.
Nuôi tôm hùm trên lồng bè mang lại thu nhập ổn định và khấm khá cho người dân |
Ông Nguyên Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, xã đã hình thành 200 năm, nay thực sự thay đổi sau hơn 30 năm phát triển nghề nuôi tôm hùm, đời sống người dân ngày càng phát triển, thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, sản lượng tôm hùng đạt trên 300 tấn, nhờ tôm hùm mà kinh tế, xã hội của xã Cam Bình đã phát triển nhanh. Nhờ đó, xã Cam Bình đã được công nhận nông thôn mới năm 2014. Hiện xã Cam Bình đang triển khai thực hiện xã đạt nông thôn mới nâng cao.
“Đặc biệt, người dân đã chú ý quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ, tỷ lệ học sinh cấp ba học đại học ngày càng tăng. Trong 5 năm qua đã có 30 đến 40 em học các trường đại học, cao đẳng; một số hộ dân làm ăn khấm khá đã mua nhà ở đất liền Cam Ranh thành phố Nha Trang”, ông Nguyên Ân chia sẻ.
Không chỉ thân thiện, điều ấn tượng về đảo Bình Ba là mọi thứ chẳng thiếu thứ gì. Từ hàng quán ăn uống, cà phê, chợ búa, cho đến tiệm làm đẹp, nhà nghỉ, nhà hàng nổi… đều có cả.
Ngoài đảo Bình Ba, xã Cam Bình còn đảo Bình Hưng. Hiện đời sống kinh tế của người dân trên đảo chủ yếu dựa và nghề nuôi tôm hùm chiếm khoảng 85%, số còn lại làm dịch vụ khác. Kinh tế chính của người dân xã đảo chính là nuôi tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm đã phát triển từ năm 1990, ban đầu chỉ có 5 lồng với lưới đơn giản bằng lưới sắt B40 nhưng đến nay đã phát triển lên 400 bè với hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm các loại (tôm hùm xanh, tôm hùm bông).
Từ sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Cam Bình, chúng tôi đã tìm đến những người nuôi tôm hùm có thu nhập ổn định để chứng minh nghề nuôi tôm hùm đã giúp cuộc sống những người dân trên đảo ngày càng khấm khá và giàu có. Trong đó, ông Nguyễn Ân ngoài giờ làm việc chính quyền cũng là một “nông dân” nuôi tôm hùm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Ân đã bén duyên xây dựng gia đình, trở thành công dân trên đảo xinh đẹp này.
Còn Anh Nguyễn Văn Dũng, 50 tuổi ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình xuất thân từ một ngư phủ, chỉ quen với đánh bắt cá nhưng trở thành “tỷ phú” nhờ nuôi tôm hùm. Chúng tôi ra thăm lồng nuôi hùm tôi được anh Dũng giới thiệu nhiệt tình về lịch sử hòn đảo cũng như những thăng trầm nghề tôm hùm. Theo anh Dũng, nếu không có tôm hùm thì sẽ không có đảo Bình Ba như ngày hôm nay. Nếu duy trì được nghề nuôi tôm hùm thì cuộc sống của người dân nơi đây sẽ rất khấm khá.
Ông Lê Văn Hoà - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Bình cho biết, trước những năm 2017 người dân xã Cam Bình ai nuôi tôm hùm cũng được mùa được giá, trở nên khấm khá. Nhiều gia đình trong vùng giàu lên từ tôm hùm, rồi sau đó nhiều người ở đây cũng phát triển nuôi tôm, số lồng bè ngày càng tăng. Hiện nay người dân sống chủ yếu vào nghề nuôi tôm chứ không phải nghề đi biển đánh bắt cá. Đằng sau sự thành công thì vẫn còn đó có rất nhiều vấn đề rủi ro, bởi nghề nuôi tôm không được suôn sẻ như trước đây nữa. Để duy trì và phát triển nghề nuôi tôm hùm, cần giải quyết các vấn đề về về môi trường biển, thức ăn, rác thải và thị trường tiêu thụ.
Những năm trước, Bình Ba phát triển du lịch, nơi đây nhộn nhịp đón khách du lịch khắp khơi về nghỉ dưỡng, thưởng mức món ăn tôm hùm - một trong những món đặc sản nổi tiếng ở tỉnh Khánh Hòa được đưa vào câu ca: “Tôm hùm Bình Ba - Nai khô Diên Khánh - Sò huyết Thủy Triều…”. Điều đặc biệt, những người dân trên đảo Bình Ba dường như biết mặt nhau hết, chỉ cần nói cái tên hoặc tả dáng người đã nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, hoạt động du lịch trên đảo đã dừng.
Anh Đỗ Quang Minh – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình, TP Cam Ranh chia sẻ: “Cuộc sống trên đảo rất bình yên, thân thiện, tất cả mọi người trên đảo đều thân thiết, đoàn kết với nhau. Người dân trên đảo rất chăm chỉ làm ăn, cùng giúp nhau làm ăn vươn lên làm giàu. Bản thân tôi là người được sinh ra và lớn lên trên đảo nên tôi yêu đảo như máu thịt của mình. Khi gia đình nào có tang, tất cả người dân làng trong đến giúp đỡ, chia buồn”.
Trở về đất liền chúng tôi mang theo những tình cảm chân thành của người dân trên đảo. Những ngư dân hồn hậu nhưng lại rất mạnh mẽ nghị lực trước sóng gió, bão táp của biển cả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin