Trong những cuộc hành trình, tôi đã đến rất nhiều địa danh, mỗi địa danh đều ghi dấu ấn và để lại trong lòng những điều khó quên.
Tượng đài Điện Biên Phủ |
Như lần đi Nghĩa trang Trường Sơn, rồi lạc đường khi đi trên những con đường lạ. Tôi cũng đã từng đến Ngã ba Đồng Lộc, nơi những cô gái tuổi đôi mươi đã ngã xuống. Ở nơi ấy, những ngôi mộ với hoa trắng, gương lược để trên mộ của những người ghé đến, làm cho lòng dâng lên một cảm xúc vô cùng. Đi và đi, và nhủ một ngày sẽ tới Điện Biên Phủ, chắc chắn ở nơi đó không có nhiều cây xanh, nơi đó chẳng có những thắng cảnh. Nhưng để lại dấu chân mình trong cuộc hành trình, để chứng kiến hình ảnh lịch sử, là một điều vô cùng khác biệt.
Chuyện kể: Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, đồng thời khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta và Thượng Lào. Pháp bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân và nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại tại 49 cứ điểm, với 3 phân khu. Xác định cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quân dân cả nước tích cực hưởng ứng sôi nổi, đồng lòng, dốc sức cho chiến dịch. Bên cạnh 55.000 quân chủ lực, hơn 10 vạn người gồm: lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã tham gia chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo các tài liệu, sách báo ghi lại, trong 210 ngày, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, có hơn 261 nghìn dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, làm mới 89 km đường và sửa chữa hơn 500 km đường giao thông... Quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc... đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ chiến dịch. Để rồi những địa danh đồi A1, Him Lam, Hồng Cúm, Mường Phăng… trở thành những cái tên quen thuộc.
Cả dọc chiều dài đất nước, vẻ đẹp gấm hoa và những con người tạo ra những câu chuyện. Để diễm phúc cho ai để lại dấu chân của mình trên những vùng đất quê hương. Với Điện Biên Phủ, một địa danh mà không phải ai cũng có thể đến được, để rồi khi đặt chân đến sẽ vỡ òa cảm xúc, đó không phải là những thắng cảnh đẹp mà là những địa danh, dẫu đã trải qua gần 70 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ như một kỳ tích, tiến tới Hiệp định Geneve năm 1954.
Chúng tôi lên đường vào những ngày đầu xuân, trên con đường đi qua Mộc Châu trên những triền núi, những cây đào đang nở hoa, bên dưới là những vạt cải vàng tạo nên một vẻ đẹp khó cưỡng. Cuộc hành trình tiếp tục đi Điện Biên, vượt qua đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo, ba đèo khác là Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pì Lèng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi vượt qua đèo Pha Đin, mà bên những triền núi vào tháng Hai, những cây hoa gạo bắt đầu nở hoa tạo ra cảnh quan thơ mộng. Chiều dài ngọn đèo là 32 km, và đỉnh đèo có độ cao 1.648 m. Mọi con đường dẫn tới Điện Biên Phủ đều là những con dốc cao thấp khác nhau, là núi giáp núi. Đèo bây giờ đã mở rộng, trên đỉnh đèo có nhiều cửa hàng buôn bán các loại đặc sản vùng, miền, nhất là đồ gỗ và thớt làm bằng gỗ nghiến. Để rồi đi qua trùng điệp núi rừng đó, đèo Pha Đin đóng vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường huyết mạch tiếp tế quân nhu, vũ khí, đạn dược và lương thực cho quân đội.
Chúng tôi đến TP Điện Biên, nghỉ đêm ở một khách sạn trên đường Mường Thanh, xem định vị thì đồi A1 chỉ cách đó không xa, thôi thì hẹn sáng mai. Rồi buổi sáng cũng bắt đầu, mùa này Điện Biên lạnh 14 độ, trên những con đường xe cộ không chen đông, những hàng cây trên phố đã rụng hết lá đợi những mầm xanh mới. Cuộc hành trình để chạm tới địa danh đồi A1 là một cuộc hành trình đã bao nhiêu năm. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 m, Đông Nam cao hơn 493 m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở đây thì đến 4 giờ sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.
Con đường lên đỉnh đồi thoai thoải dốc, bao quanh là những cây khộp đang trụi lá. Rất nhiều người đến từ nhiều vùng đất khác nhau, nữ mặc áo dài, nam mặc quân phục đi theo con đường lên đỉnh đồi. Thấp thoáng nơi một chiếc hầm cỏ mọc đầy, một người lính già đang ngồi ở đó trầm ngâm bên khói thuốc.
Giờ là di tích lịch sử, nên đồi A1 có đường đi lên thoải mái, có viền cỏ và có cả hoa. Những căn hầm ngày cũ được sửa chữa chủ yếu để khách tham quan, có xác một chiếc xe tăng được trưng bày là một trong hai chiếc xe tăng của Pháp. Ở bên dưới, ngay khu trưng bày các loại vũ khí Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa lên Điện Biên tham gia trận chiến.
Đồi A1 với màu đất đỏ, cô hướng dẫn viên kể chuyện, có rất nhiều bạn trẻ cùng bao quanh lắng nghe. Ngọn đồi thênh thang gió, bao quanh là những tán cây cổ thụ, có thể chính là những cây được trồng sau này, đã lớn lên kịp cùng năm tháng.
Tìm đến hầm Tướng De Castries - sinh năm 1902 tại Paris (Pháp) với cái tên rất dài là Chistian Mari Fecdinand DelaCroix De Castries. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, toàn bộ ban tham mưu gồm tướng De Castries và các quan chức cấp dưới đã bị bắt sống trong hầm chỉ huy. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, De Castries được trao trả về quân đội Pháp. Rời quân ngũ năm 1959, hơn 30 năm sau, ngày 29/7/1991, De Castries qua đời. Những giờ phút cuối cùng của viên chỉ huy De Castries được thể hiện qua Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm khá bi đát. Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy cảm thấy cay đắng vì thua trận. Mặt De Castries lúc bị dẫn lên đường hào tái xám dưới chiếc mũ ca lô đỏ, môi ngậm điếu thuốc lá và bị chói mắt vì ánh nắng. Sau đó viên tướng Pháp được áp giải lên chiếc xe Jeep.
Hầm nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là nơi làm việc của Tướng De Castries cùng Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm dài 20 m và rộng 8 m, chia làm bốn ngăn. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm đã được phục dựng, xi măng kiên cố, mái tôn làm vòm, theo lịch sử thì bao quanh toàn là kẽm gai và bốn chiếc xe tăng trấn giữ bốn góc.
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi đến tượng đài Điện Biên Phủ nằm trên đồi D1. Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là nhóm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tượng có chiều cao 12,6 m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6 m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Tại đây có bức phù điêu đại cảnh lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao trung bình 7,5 m, chiều ngang 58 m được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng gần 400 tấn. Con đường chính dẫn lên tượng đài là trục hành lễ gồm 320 bậc. Hai bên trục hành lễ là 56 cột mốc được làm bằng đá xanh Thanh Hóa tượng trưng cho 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.
Chúng tôi rời Điện Biên Phủ, con đường trở lại đèo Pha Đin, qua Sơn La, Mộc Châu, nhiều nơi sương mù dày đặc. Trên đèo Pha Đin, những cây hoa gạo vẫn nở bung những bông hoa màu đỏ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin