Trong khoảng 10 triệu lượt du khách đến Kanchanaburi hằng năm, không ít người trong số đó, nhất là du khách nước ngoài, đến tỉnh lỵ miền Trung Thái Lan xa xôi này chỉ để thăm con đường sắt tử thần “The Death Railưay” và “Cầu sông Kwai” nổi tiếng qua một bộ phim của Anh và Mỹ sản xuất năm 1957.
Đoàn nhà báo Lâm Đồng cùng các thành viên Hiệp hội Báo chí địa phương Thái Lan bên cầu sông Kwai |
1. Từ sân bay Bangkok phải mất chừng hơn 3 tiếng chúng tôi mới về đến Kanchanaburi.
Đây là lần đầu tiên tôi đến Thái Lan, chuyến đi này tôi đi cùng với các thành viên của Hội Nhà báo Lâm Đồng mà lâu nay đã có các chương trình hợp tác với Hiệp hội Báo chí địa phương Thái Lan trong các chuyến thăm viếng, làm việc với nhau.
Kanchanaburi với thành phố mang cùng tên Kanchanaburi là một tỉnh lớn nằm ở miền Trung - Tây Thái Lan với diện tích 19.483 km2, dân số khoảng 900 nghìn người. Đây là tỉnh có diện tích lớn đứng hàng thứ 3 của Thái Lan, chỉ sau 2 tỉnh Nakhon Ratchasima và Chiang Mai.
Từ Bangkok về đây, chúng tôi theo một cao tốc 2 làn đường mỗi bên, cao tốc này nối liền các tỉnh, thành tại Thái. Xe tay lái bên trái, 2 bên đường là đồng bằng với các làng mạc thanh bình, những ngôi chùa mái nhọn, những con sông thẫm phù sa chảy qua các đồng lúa và mía mênh mông. Tuy nhiên, đến Kanchanaburi núi đồi phía Tây dần xuất hiện.
Có đến gần 62% diện tích Kanchanaburi là rừng hoặc đất có rừng che phủ. Rừng nhiều nên Kanchanaburi có đến 7 công viên quốc gia (National Park), 2 khu bảo tồn hoang dã. Nơi đây cũng là đầu nguồn của 2 con sông lớn là sông Kwae Yai and Kwae Noi (con sông nổi danh với cầu sông Kwai), hợp lưu của 2 con sông này tại thành phố Kanchanaburi đã tạo ra con sông Mae Klong dài 132 km chảy xuyên qua 2 tỉnh Ratchaburi và Samut Songkhram đổ ra vịnh Thái Lan.
Cùng với rừng nguyên sinh, các thắng cảnh nổi tiếng (như thác nước Erawan 7 tầng được coi là đẹp nhất châu Á), các con sông lớn, các làng nghề thủ công, Kanchanaburi còn thu hút khách du lịch vì nơi đây là vùng đất cổ từ thời vương triều Ayutthaya cùng các dấu tích của nền văn hóa Khmer thế kỷ 13 - 14 trên đất Thái với Công viên lịch sử Mueang Sing.
Tuy nhiên, khi nói đến Kanchanburi mà không nói đến tuyến đường sắt tử thần (The Death Railway) cùng chiếc cầu đường sắt “Cầu sông Kwai” (cầu bắt qua sông Mae Klong nhưng con đường sắt này men theo thung lũng Kwae Noi nên gọi là cầu sông Kwai) nổi tiếng thế giới thì thật thiếu sót. Chính con đường sắt khét tiếng này cùng chiếc cầu lừng danh đã thu hút không biết bao nhiêu du khách đến đây, trong đó có tôi.
2. Để nói về con đường sắt tử thần và chiếc cầu sông Kwai này, nên lui về những năm của Thế chiến thứ 2. Thời điểm đó, Kanchanaburi vẫn còn là một tỉnh biên giới xa xôi (vì giáp với Burma, nay là Myanmar), được coi như một vùng đất hiểm trở, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc. Năm 1942, quân Nhật sau khi đã đánh chiếm được nhiều quốc gia trong vùng, muốn xây dựng một con đường sắt nối từ Thái Lan sang Myanmar, xuyên qua vùng đất này để chuẩn bị lực lượng tấn công quân Anh ở Ấn Độ. Con đường bộ này được coi là an toàn hơn với người Nhật so với việc phải vận chuyển trên đường biển lúc đó.
Khởi công năm 1942, con đường sắt với tên gọi “Đường sắt Burma” này có tổng chiều dài 415 km, từ Ban Pong, tỉnh Ratchaburi, Thái Lan nối với Thanbyuzayat, bang Mon của Myanmar được người Nhật thiết kế, dự kiến phải mất chừng 4 - 5 năm thi công. Nhưng do nhu cầu chiến tranh cấp bách, quân Nhật lúc đó đã huy động khoảng 180 - 250 nghìn nhân công từ các quốc gia trong vùng cùng 61 nghìn tù nhân chiến tranh đến đây cưỡng bức lao động khổ sai trên công trường để hoàn tất con đường chỉ trong vòng 16 tháng.
Do điều kiện làm việc hà khắc trong vùng rừng núi ẩm thấp, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, tình trạng y tế tồi tệ nên con đường khi hoàn thành đã cướp đi sinh mạng của khoảng 85 nghìn nhân công cùng khoảng 12.500 tù nhân chiến tranh. Hầu hết họ chết vì kiệt sức, vì suy dinh dưỡng hoặc bị nhiễm trùng.
Với nhân công, phần lớn người chết trong đó là người Burma, người Malaysia, Ấn Độ, Thái; với các tù nhân chiến tranh, đó là các quân nhân bị bắt làm tù binh của quân Nhật như người Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan, New Zealand... Khi họ ngã gục, thân xác họ bị vùi lấp dọc theo tuyến đường này.
Ngay đầu cầu tàu hỏa bắt qua sông Kwai, tôi đọc được một tấm bảng đồng lưu niệm của Mỹ, trên đó ghi rõ rằng đã có khoảng 700 quân nhân Mỹ bị quân Nhật bắt, trở thành tù binh chiến tranh và bị cưỡng bức lao động khổ sai trên con đường này, trong đó có 356 người bỏ mạng vì “bệnh tật, bỏ đói, lao động quá sức và những tra tấn thân thể tàn nhẫn”.
Nói không ngoa rằng cứ mỗi thanh tà vẹt đặt trên con đường tử thần ấy là có một mạng người nằm xuống.
3. Nhưng lịch sử cứ tưởng rồi sẽ nằm yên đâu đó trong những trang sách và trong ký ức những người có liên quan, cho đến khi có một bộ phim ra đời. Đó là một bộ phim với sự hợp tác của Anh và Mỹ, với một dàn diễn viên ngôi sao cộng với một đạo diễn tài ba. Bộ phim nói về thân phận những người tù binh chiến tranh lao động khổ sai trên con đường này, đặc biệt là khi thi công chiếc cầu sắt xe lửa bắt ngang sông Kwai. Sau khi phát hành bộ phim đã đưa hình ảnh con đường sắt tử thần và cây cầu sắt này ra với thế giới.
Toàn bộ câu chuyện của bộ phim “Cầu sông Kwai - The Bridge on the River Kwai” được xây dựng theo cuốn tiểu thuyết “Le Pont de la Rivière Kwai” của nhà văn Pierre Boulle, người Pháp, nói về những tù binh chiến tranh lao động khổ sai trên con đường sắt tử thần và việc xây dựng chiếc cầu tàu hỏa bắc ngang con sông Kwai với phần thêm thắt, hư cấu mang tính văn chương và kịch nghệ. Trong phim, quân Nhật đã lệnh cho các tù binh chiến tranh người Anh phải thi công cây cầu. Đại tá Nicholson, tù binh chiến tranh người Anh với lòng kiêu hãnh đã quyết định xây một cây cầu thật vững chắc để lấy tiếng, trong khi quân đội Đồng minh gửi tới một toán biệt kích để phá cây cầu.
Nhưng cái hay của đạo diễn bộ phim là David Lean, người Anh, đã biến câu chuyện với những tình tiết thêm thắt đó thành một trang sử thi đầy bi tráng. Chuyện phim dù không giống với chuyện thật ngoài đời so với chuyện kể lại của những người sống sót trên con đường tử thần sau này, nhưng bộ phim đã được sự đón nhận vượt cả mong đợi khi ra mắt trong năm 1957. Nó như một cơn bão, càn quét các giải thưởng phim danh giá thế giới, giành đến 3 giải Quả cầu vàng, 7 giải Oscar.
Điều thú vị là các cảnh bộ phim này không quay trên đất Thái mà lại được thực hiện chủ yếu tại Sri Lanka. Cảnh quay ấn tượng nhất là cảnh bấm mìn nổ tung chiếc cầu trong đoạn cuối phim cũng được thực hiện tại Sri Lanka năm 1957. Tuy nhiên, trong thực tế, cây cầu sắt bắc qua sông Kwai này do người Nhật thiết kế và chỉ huy xây dựng, được đưa vào sử dụng từ tháng 5/1943, chỉ bị sập sau đó không phải bởi đánh mìn mà bởi một trận không kích của Không quân Mỹ năm 1945. Cây cầu sau đó được làm lại và tồn tại cho đến nay. Còn cây cầu gỗ bắc qua sông cũng bị đánh bom sập đến 9 lần, được làm lại ngay sau đó. Ngay tại đầu cầu sắt sông Kwai này, có một mô hình quả bom to tướng cắm đầu xuống đất để nói đến sự kiện bị đánh sập này.
“Cầu sông Kwai” do David Lean làm đã được đánh giá là một trong những bộ phim về chiến tranh hay nhất thế kỷ XX; được xếp hạng thứ 11 trong những bộ phim hay nhất nước Anh; được chọn bảo quản tại Viện lưu trữ Phim quốc gia tại Thư viện Quốc hội Mỹ.
4. Cần nói rằng, cầu sông Kwai chỉ là một chiếc cầu sắt bình thường như bất kỳ chiếc cầu sắt xe lửa nào bắc qua một dòng sông trên đất nước Thái Lan này hay như ở Việt Nam. Nhưng với bộ phim mang tên “Cầu sông Kwai này” nó đã trở thành một cây cầu làm bằng “vàng” cho du lịch Thái và tỉnh Kanchanaburi.
Trong buổi chiều thả bộ trên cây cầu sắt xe lửa này, tôi bắt chuyện với một gia đình người Anh. Đó là gia đình ông Richard, ông đã 71 tuổi, cùng vợ và 4 người con gồm con trai, con gái con dâu và cả cháu đến Thái Lan, đến tỉnh Kanchanaburi này để thăm cây cầu, viếng mộ một người thân nằm ở nghĩa trang chiến tranh rất lớn được xây dựng gần đó để tưởng nhớ đến những người ngã gục trên con đường này.
Người Thái trong nhiều năm nay đã phục dựng lại mô hình quần thể nhà tù, trại lính, nhà ga, xây một nghĩa trang, trùng tu một phần đoạn đường sắt, xây viện bảo tàng; sửa chữa, tu bổ cây cầu, tu sửa đầu máy xe lửa cũ và tổ chức những toa tàu dành riêng cho du khách tham quan; cho xây biệt thự và nhà hàng dọc bờ sông, tổ chức các chuyến du ngoạn bằng thuyền dọc sông ngắm cầu. Ngay phía đầu cầu có một ngôi chợ nhỏ bán nhiều vật lưu niệm cho du khách...
Tỉnh trưởng Kanchanaburi cho biết, hằng năm tỉnh có đến trên 10 triệu lượt du khách đến đây.
Khi đi trên cầu Kwai với rất đông du khách mỗi ngày, tôi lại nghĩ đến con đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm. Đó cũng là một con đường sắt lịch sử, một cung đường đẹp với những đoạn đường răng cưa leo núi độc đáo, những đầu máy hơi nước cổ, những chiếc hầm đục xuyên qua núi với các kỹ sư người Pháp và rất nhiều nhân công người Việt tham gia làm việc ở con đường này từ những năm đầu thế kỷ 20, trong đó có không ít nhân công đã nằm xuống vì rừng thiêng nước độc. Con đường tàu từng một thời hoạt động, bây giờ đang im lìm hoang hóa chờ đợi đầu tư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin