Hai nhà thờ con gà xứ "Đà Thành"

05:02, 13/02/2020

Đều là nhà thờ chánh tòa, cùng nằm trên con đường Trần Phú, Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng và Nhà thờ Con Gà Đà Lạt là hai công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn Pháp luôn là điểm thu hút đông khách tham quan ở hai xứ "Đà Thành".

Đều là nhà thờ chánh tòa, cùng nằm trên con đường Trần Phú, Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng và Nhà thờ Con Gà Đà Lạt là hai công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn Pháp luôn là điểm thu hút đông khách tham quan ở hai xứ “Đà Thành”.
 
Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng lung linh ánh sáng về đêm. Ảnh: An Nhiên
Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng lung linh ánh sáng về đêm. Ảnh: An Nhiên
 
Tham quan Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng vào lễ chiều muộn, trong không khí đầu năm mới 2020, dư âm Giáng sinh vẫn còn, khi đèn của mặt trước nhà thờ bật sáng, rất đông du khách đi ngang qua nhà thờ dừng lại chiêm ngưỡng trầm trồ. Theo quy định, trong giờ hành lễ du khách không được tham quan, nên nhiều đoàn khách chỉ đứng trước cổng nhà thờ nhìn vào với sự thích thú bởi vẻ đẹp của nhà thờ trong ánh sáng về đêm. 
 
May mắn là tôi theo cô em ngoan đạo đến trước giờ hành lễ, được tham quan khuôn viên Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng có hang đá Đức Mẹ được xây dựng theo mẫu hang đá Lourdes ở Pháp. Mang nét kiến trúc Gothique đặc trưng của các nhà thờ Công giáo phương Tây, Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng có vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc trong khoảng không gian nhộn nhịp của thành phố Đà Nẵng. Trên nóc nhà thờ, ở cột thu lôi có tượng con gà làm bằng hợp kim, điểm đáng chú ý này khiến nhiều người liên tưởng ngay đến Nhà thờ Con Gà Đà Lạt cũng có điểm độc đáo tương tự. Tuy nhiên, Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng lại có nét đặc trưng rất riêng không hoàn toàn giống với Nhà thờ Con Gà Đà Lạt. Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng có các vòm cửa hình quả trám, cửa nhà thờ được lắp khung kính có mô tả lại các sự kiện tiêu biểu trong Kinh Thánh. Phía bên trong nhà thờ nội thất đơn giản nhưng lại tạo sự trang nghiêm với cấu trúc mái vòm cao lồng lộng, trên hàng cột được trạm trổ những nét hoa văn giản dị nhưng tinh tế. 
 
So với Nhà thờ Con Gà Đà Lạt thì Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng “lớn tuổi” hơn và thời gian xây dựng công trình rất nhanh chỉ trong vòng hơn 1 năm, còn Nhà thờ Con Gà Đà Lạt phải xây 11 năm mới hoàn thành. Đây là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng thời Pháp thuộc, trong khi ở Đà Lạt, ngoài Nhà thờ Con Gà thì có nhiều nhà thờ khác cũng được hình thành mang dấu ấn của Pháp. 
 
Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, còn gọi là Nhà thờ Con Gà) là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng. Nhà thờ này được khởi công từ tháng 2 năm 1923 do linh mục Vallet thiết kế và chủ công xây dựng. Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng được xây dựng trong thời gian rất ngắn, đến ngày 10 tháng 3 năm 1924 đã làm lễ cung hiến và khánh thành. Nhà thờ cao gần 70 m, mang phong cách kiến trúc Gothic với những đường nét cao vút, những vòm cửa quả trám. Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và thánh tượng minh họa theo sự kiện trong Kinh Thánh theo mô-típ các nhà thờ phương Tây. 
 
Sở dĩ gọi Nhà thờ Con Gà là vì trên nóc của hai nhà thờ chính tòa Đà Lạt và Đà Nẵng ở vị trí cây thánh giá điểm cao nhất của đỉnh tháp có tượng một con gà, loài vật được xem là biểu tượng của nước Pháp, màu xám làm bằng hợp kim dùng làm vật xác định hướng gió. Vì vậy mà hai nhà thờ này còn có tên là Nhà thờ Con Gà. Cả hai công trình kiến trúc tôn giáo này đều là điểm thu hút du khách. 
 
Đặc biệt, từ mồng 2 Tết, Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng tạm đóng cửa, không đón du khách trước tình hình đại dịch nCoV. Bình thường, nhà thờ mở cửa từ 5 giờ đến 19 giờ hằng ngày và đón tiếp du khách miễn phí. Đây là một điểm đến thu hút hàng ngàn khách du lịch nước ngoài, nhất là khách Trung Quốc và Hàn Quốc, mỗi ngày.
 
Nhà thờ Con Gà Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. Nhà thờ được bắt đầu xây dựng từ năm 1931 tới năm 1942 thì hoàn thành. Nhà thờ Con Gà có chiều dài 65m và chiều cao là 47m. Cứ mỗi dịp giáng sinh nhà thờ lại đón rất nhiều khách du lịch Đà Lạt tới dự lễ và tham quan. Nhà thờ Con Gà được thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ Công giáo Roma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman. Trên thánh giá nhà thờ có đặt tượng một con gà nằm cách mặt đất 27m, được làm bằng hợp kim nhẹ có thể xoay theo hướng gió. Nếu tính cả đỉnh tháp chuông, nhà thờ có chiều cao 47m, Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang. Từ độ cao đó, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố sương mù tuyệt đẹp.
 
Cả hai Nhà thờ Con Gà ở Đà Lạt và Đà Nẵng phần tường ngoài luôn được quét sơn màu hồng, càng tôn thêm sự trang nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo. Kiến trúc Nhà thờ Đà Lạt với những đường nét, chi tiết trên mặt đứng hoàn toàn phỏng theo nguyên gốc của các kiểu mẫu kiến trúc tôn giáo châu Âu. Cửa sổ có vòm cung tròn, các đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, tổ chức theo phân vị đứng, mái lợp ngói thạch bản, đặc biệt là tỷ lệ giữa các mảng khối rất hài hòa và chặt chẽ. Phần áp mái trang trí bằng 70 tấm kính màu do xưởng Louis Balmet ở Grenoble (Pháp) chế tạo, làm cho khung cảnh thánh đường thêm phần huyền ảo. 
 
Nhà thờ Con Gà Đà Lạt cũng là bối cảnh để nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác bài hát Bài thánh ca buồn. Mặc dù trong tên có chữ “thánh ca” nhưng thực chất đây là một bài hát trữ tình, không phải thánh ca, với những ca từ hoài niệm thánh thiện: Bài thánh ca đó còn nhớ không em?/Noel năm nào chúng mình có nhau/Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/Áo trắng em bay như cánh thiên thần/Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân...
 
AN NHIÊN