Nằm dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, buôn B'Nớ C là nơi sinh sống lâu đời của người Lạch (K'Ho) bản địa, đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa và là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm.
Nằm dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, buôn B’Nớ C là nơi sinh sống lâu đời của người Lạch (K’Ho) bản địa, đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa và là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm.
|
Thổ cẩm truyền thống của người K’Ho có màu sắc đa dạng, mang bản sắc văn hóa dân tộc. |
Dấu ấn văn hóa truyền thống
Bnớ là tên gọi dụng cụ chính để dệt thổ cẩm, dụng cụ này được làm từ một miếng gỗ to bản khoảng 10 cm, dài 1 m, nhọn một đầu để nghệ nhân có thể linh hoạt luồn sợi vào tấm thổ cẩm (ùi) đang dệt. Từ xưa nơi đây đã là làng dệt, phụ nữ trong buôn ai lớn lên cũng biết dệt thổ cẩm, vì vậy buôn làng cũng mang cái tên gắn liền với nghề dệt.
Toàn buôn có 112 hộ đồng bào Lạch bản địa, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cà phê, rau, hoa thương phẩm, việc dệt thổ cẩm được đàn bà, con gái làm lúc nông nhàn. Chị Rơ Ông K’Ương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn B’Nớ C là người đi đầu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm cho biết: Cả buôn có hơn 70 hộ tham gia dệt thổ cẩm, vừa góp phần cải thiện kinh tế gia đình vừa quảng bá sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình cho du khách. Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của đồng bào K’Ho là các tấm ùi, có đủ loại kích cỡ (dài 1,2 - 1,5 m; rộng 20 - 30 cm) tùy theo công dụng để làm váy áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con. Năm 2010, B’Nớ C được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, được hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề gắn với du lịch; thổ cẩm được may thành nhiều sản phẩm mỹ nghệ, làm quà lưu niệm cho du khách.
Ông Ha Tiên - Bí thư Chi bộ buôn B’Nớ C cho biết: Những năm gần đây, nhiều du khách ghé qua buôn làng, tìm hiểu văn hóa cộng đồng đã “đánh thức” cả buôn làng cùng vào cuộc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Xây dựng buôn làng khang trang, sạch đẹp hơn, ấm no hơn. Sự thay da đổi thịt thấy rõ nhất trên từng đường thôn, ngõ xóm, những con đường ngang ngõ dọc trong buôn đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, thực hiện nếp sống văn minh, không mê tín dị đoan, không có tệ nạn, việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Tất cả các hộ gia đình đều có 3 công trình vệ sinh, thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Các chi hội, mặt trận, đoàn thể của thôn hoạt động vững mạnh, tập hợp mọi người, mọi nhà như chi hội người cao tuổi, chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, đã tạo ra những phong trào xã hội rộng lớn.
Nhờ vậy, nhiều giá trị văn hóa đã được khôi phục lại và hồi sinh trong chính cộng đồng dân cư nơi đã sản sinh ra nó: trang phục dân tộc, ẩm thực, nghề truyền thống, các phong tục tập quán... Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được khôi phục và phát triển, thổ cẩm trở thành hàng hóa có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
|
Nghệ nhân dùng Bnớ (thanh gỗ to bản nhọn một đầu) để luồn sợi vào tấm thổ cẩm đang dệt. |
Điểm đến du lịch cộng đồng
Con đường trải nhựa rộng thênh lượn qua thung lũng dẫn vào B’Nớ C; một không gian yên bình mở ra. Những ngôi nhà gỗ mộc mạc có ô cửa sổ đủ màu hướng ra đường làng. Đồng bào người K’Ho nơi đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa độc đáo với thổ cẩm, ẩm thực rượu cần, cà phê và cả hoa hồng. Mỗi năm, huyện Lạc Dương đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách. Sau khi ngắm núi Lang Biang hùng vĩ, tham quan các khu du lịch, hòa mình vào vũ hội cồng chiêng rộn ràng, thì dừng chân ở làng dệt B’Nớ C để thêm hiểu về vùng đất mình đã đi qua sẽ làm cho tour thêm “tròn vị”.
Ngay cổng nhà thờ trung tâm, ngôi nhà gỗ mang tên K’Ho Coffee của chị Rolan Cơ Liêng - một người con của buôn làng là điểm dừng chân đầu tiên khi đến với làng dệt. Hương cà phê gọi mời du khách thưởng lãm, hòa mình vào khu trưng bày sản phẩm cà phê đặc sản Arabica, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê sạch, mua cà phê làm quà... Bằng vốn tiếng Anh phong phú, chị Rolan còn tình nguyện làm hướng dẫn viên nhiệt tình đưa khách đi khắp buôn làng mình, kể cho họ về văn hóa bản địa, cuộc sống của đồng bào, nghề dệt thổ cẩm và những công đoạn, kỹ thuật để làm nên tấm thổ cẩm, những phong tục tập quán tốt đẹp như tục “bắt chồng” và mối quan hệ bền vững trong gia đình mẫu hệ... Cùng ngắm nhìn những nếp nhà, xem những người phụ nữ cặm cụi tỉ mỉ bên khung dệt, trẻ em đùa chơi khi chiều xuống, hay ghé vào những ngôi nhà gỗ mộc mạc, đơn sơ với ô cửa sổ đủ màu sắc bắt mắt, tận mắt xem và mua sản phẩm làm từ thổ cẩm được dệt kỳ công, khéo léo, gợi cho du khách cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự mến khách của đồng bào nơi đây qua ánh mắt của người già, trẻ nhỏ.
Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm B’Nớ C, là điểm đến độc đáo trên hành trình khám phá nét đẹp văn hóa của du khách khi đến với Lạc Dương.Việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh là hướng đi bền vững và hiệu quả, không chỉ góp phần khôi phục, phát triển nghề dệt đang bị mai một, tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch, mà còn giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của đồng bào nơi đây. Một chiều đi khắp buôn làng B’Nớ C để hiểu hơn về những phong tục tập quán lâu đời của người Lạch bản địa, đọng lại trong lòng du khách đầy đủ vẻ đẹp về con người, vùng đất mà cha ông họ đã sống từ ngàn xưa đến nay.
|
Chị Rơ Ông K’Ương (giữa) chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với các chị em là nghệ nhân dệt thổ cẩm trong buôn B’Nớ C. |
|
Tấm ùi lớn với những thiết kế đặc trưng dùng làm lễ vật cưới hỏi. |
|
Các em bé người K’Ho từ nhỏ đã được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. |
|
Túi thổ cẩm tinh xảo làm quà lưu niệm. |
|
Du khách tìm hiểu thổ cẩm K’Ho trong không gian trưng bày các sản phẩm làm từ thổ cẩm K’Ho |
QUỲNH UYỂN