Bàn về homestay mang phong cách Đà Lạt

05:05, 28/05/2020

Không biết từ bao giờ, du khách đến thành phố Đà Lạt có sở thích tìm nơi lưu trú là các homestay, tạo nên xu hướng phát triển loại hình homestay mạnh mẽ trong những năm qua...

Không biết từ bao giờ, du khách đến thành phố Đà Lạt có sở thích tìm nơi lưu trú là các homestay, tạo nên xu hướng phát triển loại hình homestay mạnh mẽ trong những năm qua. Du khách lựa chọn homestay thường không phải là những người chú trọng đến chất lượng dịch vụ, mà do sở thích về sự khác biệt phong cảnh, kiến trúc, ứng xử của gia chủ, hoặc có vị trí thuận tiện mà họ muốn đến...
 
Sử dụng vật liệu gỗ thông, RiBe’s Homestay nhỏ xinh, nhưng khá thân thiện và ấm cúng trong không gian đầy ắp cỏ cây hoa lá và cả tiếng chim hót
Sử dụng vật liệu gỗ thông, RiBe’s Homestay nhỏ xinh, nhưng khá thân thiện và ấm cúng trong không gian đầy ắp cỏ cây hoa lá và cả tiếng chim hót
 
Nhận diện hiện trạng homestay ở Đà Lạt
 
Theo thống kê của ngành Du lịch, đến hết năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 2.250 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 60% so với năm 2018, tăng đột biến homestay), với tổng số 25.617 phòng (tăng 31,1% so với năm 2018). Trong đó, có 480 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.642 phòng (tăng 29,6% so với năm 2018), 445 khách sạn từ 1-2 sao với 9.146 phòng, 35 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.496 phòng. 
 
Riêng với loại hình homestay, là loại hình lưu trú có quy mô nhỏ hơn nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng; bao gồm biệt thự du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch. Theo thống kê của thành phố Đà Lạt, cuối năm 2019, Đà Lạt có hơn 730 cơ sở homestay với gần 5.750 phòng và khoảng 10.500 giường; tăng 40% về số lượng, khoảng 35% về số phòng và hơn 30% về số giường. Nhưng, đây là con số chưa được thống kê đầy đủ, nghĩa là thực tế, các con số còn cao hơn.
 
Về mặt quản lý nhà nước, số lượng các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo loại hình “homestay” tăng mạnh và phần lớn chưa qua kiểm tra công nhận điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch (vì theo quy định mới tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền), nguồn lao động du lịch phục vụ tại các đơn vị này chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp, vụ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách.
 
Ngoài số lượng biệt thự du lịch (khoảng 130 cơ sở) có độ ổn định hơn về cơ sở vật chất và nhiều homestay được gia chủ chăm chút tạo nên sự độc đáo, thu hút khách; thì còn nhiều hộ kinh doanh homestay hoạt động quy mô nhỏ; nhiều cơ sở được thuê lại hoặc tận dụng nhà ở một cách sơ sài, mức độ đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi, trang bị hạn chế, dịch vụ kém, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự. Nhiều hộ gia đình tự ý cho khách thuê lưu trú; sử dụng lao động thiếu kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp...
 
Farmer’s Home bình dị nhưng lại có những hoạt động trải nghiệm vô cùng thân thiết. Ảnh: Farmer’s Home
Farmer’s Home bình dị nhưng lại có những hoạt động trải nghiệm vô cùng thân thiết. Ảnh: Farmer’s Home
 
Xây dựng tiêu chuẩn homestay mang phong cách Đà Lạt?
 
Có nên xây dựng bộ quy chuẩn homestay mang phong cách Đà Lạt? là vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm do Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức mới đây. Theo đó, có một sự công nhận hiển nhiên là không phải ngẫu nhiên Đà Lạt được du khách đặt cho nhiều cái tên mỹ miều, rất đáng tự hào và đáng sống, có rất nhiều bài viết về phong cách người Đà Lạt.
 
Rõ ràng, phong cách người Đà Lạt được định hình dễ nhận thấy nhất chính là tính cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, bởi sự nhẹ nhàng và tinh tế, thân thiện và nhã nhặn, niềm nở và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Thế thì homestay mang phong cách người Đà Lạt có sự khác biệt gì, ngoài việc cùng ở, cùng ăn và trải nghiệm văn hóa địa phương (theo quy chuẩn của loại hình homestay). 
 
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Mục đích xây dựng bộ nhận diện chung về homestay là để những người làm homestay có nhận thức sâu sắc hơn, hình thành bộ tiêu chí hoàn thiện, góp phần xây dựng Đà Lạt là điểm đến an toàn trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách và để làm cho du lịch Đà Lạt văn minh hơn, hoàn thiện hơn. Homestay mang phong cách Đà Lạt cũng dựa trên 3 nhóm tiêu chí là thành tố tạo nên bản sắc văn hóa địa phương của người Đà Lạt là “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Đó là nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng, về các hoạt động và hình ảnh kết tinh từ văn hóa cộng đồng địa phương. Ở một góc độ khác, các tiêu chí được chia làm 2 loại, là tiêu chí cứng: có thể nhận diện trực tiếp và tiêu chí mềm: là sự cảm nhận, là sự thẩm thấu và lắng đọng.
 
Top Homestay với view rừng thông yên bình và thơ mộng. Ảnh: Top Homestay
Top Homestay với view rừng thông yên bình và thơ mộng. Ảnh: Top Homestay
 
Theo ông Tưởng Hữu Lộc - chủ homestay Hobbit và Memory Đà Lạt: Trong kinh doanh, sự khác biệt chính là lợi thế. Homestay chính là sự khác biệt với loại hình nhà nghỉ, khách sạn. Homestay đơn giản là Home và Stay, nhưng Home trong tiếng Anh còn có ý nghĩa tình cảm. Do đó, Homestay là nhà ở cho khách và có phong cách sống. Nhưng ở Việt Nam, các homestay nếu tuân thủ quy tắc này thì rất khó bán dịch vụ cho khách nội địa. Xây dựng được bộ tiêu chí cũng tốt, nhưng bộ tiêu chí phải có tính sao chép và thực hiện đồng bộ được, và nên có tiêu chí đánh giá hằng năm về homestay.
 
Ông Cao Thế Anh - chủ kinh doanh cơ sở lưu trú và là nhà nghiên cứu khoa học, đồng ý với việc xây dựng bộ tiêu chí có chia ra tiêu chí cứng (có thể lượng hóa và mang tính bắt buộc), tiêu chí mềm (để tăng sức hút vì có thể thay đổi do sự khác biệt về địa văn hóa và mang tính khuyến khích). Homestay mang phong cách Đà Lạt cần có sự trải nghiệm: trải nghiệm đời sống thực của người dân và trải nghiệm câu chuyện Đà Lạt, để tạo nên sự khác biệt giữa homestay của Đà Lạt với các nơi khác. Nhưng tất cả sự trải nghiệm đó phải đặt trên nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật có tiêu chí rõ ràng được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định.
 
Xây dựng bộ tiêu chí homestay mang phong cách Đà Lạt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và hình ảnh của homestay Đà Lạt, chứ không phải để cho cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, Homestay mang phong cách Đà Lạt phải có bản sắc văn hóa của Đà Lạt, phải uy tín và chất lượng để hình thành nên nhãn hiệu như Dalat Stay, Dalat Homestay và còn phải tiếp tục bàn luận để hình thành được bộ tiêu chí. Lựa chọn ở homestay là du khách muốn có giá trị trải nghiệm chứ không phải giá cả, vì vậy, homestay chỉ nên được gắn nhãn khi có hoạt động trải nghiệm. Thực trạng homestay hiện nay ở Đà Lạt rất khó để phân loại, chuẩn hóa, nhưng nếu chủ nhân các homestay cùng đồng lòng xây dựng loại hình này theo phong cách Đà Lạt để tạo nên nét duyên độc đáo, khác biệt cũng là điều thú vị.
 
TIỂU VÂN