Doanh nghiệp du lịch mong gì sau đại dịch COVID-19

06:05, 14/05/2020

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch thời gian qua giảm từ 50-80% doanh thu, 50-90% nhân lực...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch thời gian qua giảm từ 50-80% doanh thu, 50-90% nhân lực. Dù đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng, nhưng khó khăn được nhận định là các quy định và thủ tục hành chính còn khá phức tạp, nhiều doanh nghiệp khó thỏa mãn được các điều kiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ.
 
Giảm tiền thuê đất là một trong những mong muốn của các doanh nghiệp du lịch để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19
Giảm tiền thuê đất là một trong những mong muốn của các doanh nghiệp du lịch để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19
 
Hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch
 
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, có 3 đại diện của ngành du lịch tham gia ý kiến là Hội đồng Tư vấn du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Vietravel. Trong đó, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) có 28 thành viên, là đại diện lãnh đạo của các doanh nghiệp du lịch lớn và các tổ chức liên quan du lịch, như Tập đoàn Thiên Minh, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn BIM Group, Tập đoàn CEO Group, Tập đoàn Mường Thanh, Saigontourist, Hanoitourist, Công ty Lữ hành HG, Vietnam Airlines...
 
Khi dịch COVID-19 xảy ra, du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề và trên thực tế Du lịch Việt Nam cơ bản đã dừng hoạt động trong hai tháng (tháng 3 và 4/2020) ảnh hưởng đến với gần 40.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu lao động, ước tính thiệt hại đến 7 tỷ USD. Do ảnh hưởng của COVID-19 nhiều doanh nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ việc (từ 10% đến 50% số nhân viên), doanh thu quý 1/2020 chỉ bằng từ 50% - 70% so với quý 1/2019, dự kiến doanh thu quý 2/2020 chỉ đạt được từ 10% - 15% so với quý 2/2019. 
 
Phần lớn các doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều biện pháp để cắt giảm chi phí như: tạm thời đóng cửa một số chi nhánh, cơ sở kinh doanh; cắt giảm nhân viên, tổ chức làm việc luân phiên hay giãn công; tiết kiệm và cắt giảm các chi phí cố định hàng tháng như tiền thuê văn phòng, chi phí vận hành, tiền điện; hoãn đầu tư liên doanh. 
 
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển nhiều bộ phận sang làm việc tại nhà, thực hiện giao dịch trực tuyến, áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh; hoặc thay đổi, hoặc bổ sung thêm loại hình kinh doanh, dịch vụ phù hợp với thời gian giãn cách xã hội, cơ cấu lại doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức đào tạo trực tuyến cho nhân viên, sửa chữa cơ sở vật chất - bảo trì thiết bị, lên kế hoạch kinh doanh cho thời kỳ hậu COVID-19. 
 
Sau khi dịch kết thúc, ngành du lịch nhận định ưu tiên mục tiêu cho thị trường trong nước, tiếp sau là thị trường châu Á (các nước đã hết dịch) với một số gói, chương trình khuyến mãi hấp dẫn; nhắm mục tiêu kinh doanh lâu dài với thị trường châu Âu và Nga thúc đẩy kinh doanh trở lại từ mùa đông; tìm cách kết nối và giới thiệu vốn (đầu tư của bên thứ ba) cho các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động và/hoặc vốn đầu tư cho tài sản, hoạt động kinh doanh vững chắc. 
 
Giải pháp được đề xuất là cụ thể và thiết thực
 
TAB đề xuất sáng kiến, giải pháp thúc đẩy kinh doanh và tái khởi động kinh tế, bằng cách kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục khống chế sự lây lan của COVID-19 bằng các biện pháp dừng xuất nhập cảnh với nước ngoài cho đến khi tình hình dịch bệnh trên thế giới cơ bản kiểm soát được, khoanh vùng cách ly dập dịch trong nước và áp dụng xét nghiệm nhanh; mở cửa nền kinh tế từng bước có kiểm soát, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại trong nước và để các doanh nghiệp, cá nhân được hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán bình thường. 
 
TAB cũng đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh doanh của ngành du lịch và hàng không, đặc biệt là các giải pháp cụ thể của Nhà nước về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp: cho phép doanh nghiệp lữ hành được ứng lại 50% số tiền ký quỹ (500 triệu đồng) để làm vốn lưu động với thời hạn trong 2 năm; giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); có chính sách cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương, giúp các doanh nghiệp tồn tại được; các ngân hàng miễn hoặc giảm lãi suất tiền vay có điều kiện và gia hạn trả góp các khoản nợ ngắn hạn cho cả doanh nghiệp và cá nhân để đảm bảo các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và các cá nhân không bị phá sản. Bên cạnh đó, giảm 50% các loại tiền thuế đất đai, tiền điện và tiền nước phục vụ kinh doanh cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong năm tài chính 2020 và 2021; cho phép các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020...
 
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ bổ sung hai loại lao động tự do trong ngành du lịch là hướng dẫn viên và đầu bếp du lịch được hưởng trợ cấp 3 tháng 4, 5, 6/2020 theo chế độ người lao động không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Hai đội ngũ này hành nghề trong cả nước, việc kê khai và xác nhận ở địa phương cư trú của họ là rất khó. Theo quy định điều kiện hành nghề trong Luật Du lịch, hướng dẫn viên không thuộc các doanh nghiệp du lịch phải là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp, do vậy chỉ cần quy định các lao động tự do có xác nhận của Hiệp hội Du lịch và có nộp thuế cá nhân là có thể được hưởng trợ cấp này. 
Đại diện Vietravel đề xuất tạo ra các tam giác phát triển ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, giảm 50% chi phí tham quan danh lam thắng cảnh Nhà nước đang quản lý để tạo cú hích; có chọn lọc mở lại các đường bay để phát triển du lịch (vì hiện nay, 85% di chuyển trong du lịch là theo đường hàng không); mở lại các thị trường du lịch; áp dụng cơ chế từ năm 2002-2003 về miễn giảm thuế trong vòng 1 năm để giúp ngành du lịch phục hồi (cơ chế như đối với dịch SARS năm 2003), đó là giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong vòng một năm, giảm thuế TNDN xuống còn 15% trong vòng một năm thay vì 20% như hiện nay, sau đó Chính phủ sẽ tăng dần tùy theo tình hình khôi phục; tăng thời gian nghỉ hè để kích cầu du lịch, kích thích tiêu dùng trong nước...
 
NHẬT QUÂN