Chiêm ngưỡng Nhà thờ Con Gà nhân 100 năm Giáo xứ Chính tòa Đà Lạt

05:12, 24/12/2020

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được biết đến với tên gọi quen thuộc là Nhà thờ Con Gà, là điểm đến thu hút du khách ngay giữa trung tâm thành phố, bởi phong cách kiến trúc Roman mềm mại pha trộn nét Gothic tinh tế, thanh thoát hiếm thấy...

Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
 
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được biết đến với tên gọi quen thuộc là Nhà thờ Con Gà, là điểm đến thu hút du khách ngay giữa trung tâm thành phố, bởi phong cách kiến trúc Roman mềm mại pha trộn nét Gothic tinh tế, thanh thoát hiếm thấy. Nhà thờ Con Gà chính là Nhà thờ Chính tòa của Giáo xứ Đà Lạt vừa tròn 100 năm hình thành và phát triển. 
 
Ảnh: Nhật Quân
Ảnh: Nhật Quân
 
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được gọi là “Nhà thờ Con Gà”, vì trên đỉnh tháp chuông có con gà làm bằng hợp kim, rỗng bên trong, dài 0,66 m, cao 0,58 m, quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Về ý nghĩa của Con Gà, có những giải thích khác nhau, nhưng có một giải thích dựa trên đoạn Kinh Thánh Tân Ước về Thánh Phêrô thì, “Con Gà” là biểu tượng của sự sám hối. “Sám hối” chính là lời mời gọi đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
 
Theo lời Linh mục Quản xứ Phaolô Phạm Công Phương, Nhà thờ Con Gà khởi đầu chỉ là khối công trình dưỡng viện và nhà nguyện để các linh mục đến nghỉ dưỡng. Nhưng, cùng với sự phát triển của Đà Lạt, số giáo dân của Họ đạo Đà Lạt tăng nhanh và ngôi nhà thờ đầu tiên trở nên quá nhỏ bé, nên Cha Céleste Nicolas (cha sở Họ đạo Đà Lạt lúc ấy) được phép xây thêm hai ngôi nhà thờ nữa. Trong đó, ngôi nhà thờ thứ hai nay còn trông thấy dấu tích là bậc cấp lối vào tại vị trí cổng chính Trường Quang Trung bây giờ; còn ngôi nhà thờ khác chính là Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt hiện nay.
 
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
 
Công trình Nhà thờ Chính tòa được xây dựng trong 11 năm, khởi công từ năm 1931 đến đầu năm 1942 mới hoàn thành, do công sức và lòng nhiệt thành của cha sở Nicolas cùng với sự đóng góp của rất nhiều người. Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển với chiều dài 65 m, chiều rộng 14 m, cửa chính hướng về núi Lang Biang hùng vĩ. Tháp chuông cao đến 47 m, nên từ nhiều nơi trong thành phố, có thể dễ dàng nhận ra.
 
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
 
Trên tháp chuông treo bốn quả chuông ở độ cao 25 m, được chuyển sang từ ngôi nhà thờ thứ hai. Chuông lớn đánh nốt Do, nặng 415 kg, đường kính 0,75 m, cao 1 m. Chuông thứ hai nặng 185 kg, đánh nốt Mi. Chuông thứ ba đánh nốt Fa, nặng 117 kg. Chuông thứ tư đánh nốt Sol, nặng 120 kg. Trong nhà thờ, dọc các bức tường có đặt 14 bức phù điêu mô tả cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, mỗi bức được khắc chạm bằng hình nổi với kích thước chiều ngang 1 m, cao 0,8 m; có 70 ô cửa sổ kính màu, trong số đó có 38 ô cửa sổ đã gắn tranh kính màu (vitrail), do xưởng chế tạo của họa sĩ Louis Balmet, thuộc tỉnh Grenoble bên Pháp, được các ân nhân dâng cúng. Vào ban ngày ánh sáng tự nhiên được lọc qua hệ kính màu này trở thành những sắc màu huyền diệu, tạo cảm giác thánh thiêng, tĩnh lặng, an lành.
 
Nhà thờ Chính tòa có hiệu ứng âm thanh rất đặc biệt bên trong thánh đường. Do cấu trúc nội ngoại thất đều mang tính đối xứng, hệ cột chia nhà thờ làm ba gian, gian chính cao nhất tạo sự tập trung và khuếch đại âm thanh, hai gian phụ có cửa sổ lấy gió tạo đối lưu không khí, đẩy khí nóng lên gian giữa và thoát ra theo gác chuông. Có lẽ chính tỉ lệ rất hài hòa, cân đối giữa các gian đã tạo nên độ âm vang tuyệt vời mà không phải kiến trúc thánh đường nào cũng có...
 
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp
 
Giáo Hội Việt Nam có hơn 300 năm truyền giáo và Giáo phận Đà Lạt tròn 100 tuổi. Theo thống kê tháng 12/2017, Giáo xứ có 1.135 gia đình công giáo với tổng số giáo dân là 3.973 tín hữu. Số tín hữu có giảm đi song việc tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật lại tăng lên khoảng 120%, do du khách và các giáo xứ khác đến tham dự. Còn theo tài liệu lưu trữ, kể từ năm 1919 đến cuối tháng 7/2020, có hơn 26 ngàn người được rửa tội - trong đó có hơn 4 ngàn em bé và gần 5 ngàn đôi hôn phối được chứng hôn tại Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt.
 
Bước vào năm 2020, là năm Giáo xứ kỷ niệm 100 năm thành lập và phát triển, lễ khai mạc Năm Thánh đã được cử hành vào chiều ngày 1/1/2020 nhằm ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng là lễ tước hiệu thứ hai của nhà thờ. Thánh lễ bế mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo xứ được cử hành vào ngày 6/12/2020, nhằm ngày lễ thánh Nicôla bổn mạng Giáo xứ. “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” là đức tin của mỗi người Công giáo. Với thông điệp “Bác ái - Phụng tự - Đức tin - Truyền giáo”, để “Xây dựng Gia đình và Giáo xứ trở thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, và trở nên cộng đoàn loan báo Tin Mừng” là điều Linh mục Quản xứ Phaolô Phạm Công Phương muốn gởi gắm đến cộng đồng nhân 100 năm Giáo xứ Chính tòa Đà Lạt.
 
NHẬT QUÂN


Liên kết hữu ích