Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, mở ra một xu hướng du lịch không mới, nhưng là du lịch an toàn và có trách nhiệm trong đại dịch COVID-19. Du lịch xanh có vai trò to lớn trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ban mai Đà Lạt nhìn từ Khu Dự trữ Sinh quyển Lang Biang |
•
LOẠI HÌNH DU LỊCH HÒA MÌNH VÀO TỰ NHIÊN
Du lịch xanh là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu... Du lịch xanh khuyến khích du khách hạn chế những tác động xấu tới môi trường, chung tay khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gìn giữ di sản thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa. Du lịch xanh không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, mà còn nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn nhưng lại có bề dày văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.
Chủ đạo của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh! Du khách ngày nay thích lựa chọn những khu nghỉ dưỡng, homestay ở vùng ngoại ô thanh vắng hơn là nhà nghỉ, khách sạn ở trung tâm đông đúc. Các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch chuyển hướng khai thác tài nguyên du lịch cộng đồng, du lịch nhà vườn, du lịch rừng hay biển đảo; khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng hướng đến tiêu chí “xanh” là có kế hoạch bảo vệ môi trường, sử dụng các sản phẩm xanh (phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy du lịch có trách nhiệm và thực hành xanh trong ngành công nghiệp du lịch); phát triển nguồn nhân lực có trách nhiệm và lan tỏa ý thức du lịch xanh.
Nói đơn giản hơn, “du lịch xanh” chính là du lịch thực hiện sống “xanh”, ăn “xanh”, tham quan “xanh”... Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch không thay đổi, nhưng tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu, tiếp theo là các dịch vụ đảm bảo cho sức khỏe, như: không khí trong lành, ăn uống thực dưỡng, phòng bệnh hô hấp hay tiêu hóa...; du lịch mang tính trải nghiệm với các hoạt động thể thao, thư giãn trong môi trường tự nhiên thoáng đãng kết hợp với âm nhạc, như đi bộ, trekking, chèo kayak, yoga, spa...
•
KÝ ỨC VỀ MỘT THỜI DU LỊCH XANH MONG MANH
Du lịch xanh được thế giới nhắc đến từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng, những năm 1990, Lâm Đồng đã nổi tiếng với loại hình du lịch dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Du lịch Sinh thái Phương Nam do cựu chiến binh Nguyễn Đức Phúc tổ chức. Hiện nay, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Phúc vẫn hào sảng kể về thời khốn khó mà vẻ vang của tour du lịch “Một đêm trong rừng vắng” tại Khu du lịch Đarahoa dưới chân núi Voi. Du khách được đưa tới bìa rừng, rồi đi bộ 3 km vừa ngắm hoàng hôn thấp thoáng bên rừng thông xanh, vừa tìm hiểu các loài thực vật trên đường đi và cộng đồng dân cư nơi sắp đến. Khu du lịch Đarahoa không có nhà xây, tường bê tông, không có cơ sở vật chất xa hoa, hay nội thất tráng lệ, với các bữa ăn thịnh soạn nhiều món... mà chỉ có nhà sàn, mái tranh, vách nứa, bếp củi, cơm vắt, thịt nướng, cá suối, rau rừng...
Đêm, trong tinh không tĩnh mịch, chủ - khách quây quần bên bếp lửa hồng thơm phức khoai lùi, bắp nướng; quanh ché rượu cần, già làng kể chuyện, sơn nữ hát ca, cồng chiêng rộn rã, du khách ngất ngây... Cái sự giao duyên cứ ngân nga mãi như cuốn hút cả đại ngàn. Sáng sớm, tiếng chim lảnh lót, làn khói bếp và sương mây bãng lãng bay lên, rót thêm những sợi nắng ban mai le lói qua hàng cây, kẽ lá. Thức dậy trong khung cảnh kỳ ảo của đất trời hòa quyện với không khí vô cùng trong lành như thế, ai mà không mê mẩn cho được.
Những năm 90 ấy, người làm du lịch sinh thái như ông Phúc không nhiều, nhất là khi dịch vụ du lịch phát triển, du khách chọn chạy đua với thời gian cùng các tour du lịch tham quan, khám phá hơn là nghỉ dưỡng, hòa mình vào thiên nhiên, tránh xa sự ồn ào đông đúc của phố thị. Nhưng, những ai đã trải nghiệm tour du lịch “Một đêm trong rừng vắng” của Công ty Cổ phần Sinh thái Phương Nam thì không bao giờ quên vì sự khác biệt và thú vị vô cùng.
•
TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ CHO DU LỊCH XANH CỦA LÂM ĐỒNG
Lâm Đồng là điểm đến du lịch hấp dẫn bởi có sự đa dạng sắc màu văn hóa và truyền thống của hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, như: Kinh, K’Ho, Mạ, Chu Ru, Tày, Nùng, Mnông... với nhiều di sản văn hóa đang được bảo tồn và phục dựng. Lâm Đồng đã xây dựng được mô hình du lịch canh nông với hơn 30 điểm, giúp du khách được trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân trồng rau, hoa, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp; hệ thống rừng nguyên sinh, sông, hồ, suối, thác... đa dạng để tổ chức các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm, như leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, golf...
Ngoài ra, Lâm Đồng có Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam, là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các Vườn Quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới và là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Lang Biang thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.
Như vậy, cùng với lợi thế cho các loại hình du lịch tham quan, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... thích hợp để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng, Lâm Đồng còn có hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa và đặc biệt, thành phố Đà Lạt vẫn còn đặc trưng của “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố” rất lý tưởng để tổ chức loại hình du lịch xanh hấp dẫn du khách.
•
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH
Không tính đến những thiệt hại về kinh tế và xã hội, có một điều khác biệt của tự nhiên và con người trước đại dịch COVID và hiện nay là, khi con người có ít hoạt động ảnh hưởng đến tự nhiên hơn, xả thải ít hơn, thì cây cối xanh tươi hơn, nước trong sạch hơn, hoa nở rực rỡ hơn,... Thiên nhiên như được tái tạo, khiến con người được hít thở không khí trong lành hơn... Và, tác động tích cực nhất là có sự dịch chuyển nhận thức, khiến con người cảm nhận được giá trị của tự nhiên, của môi trường sống...; mà vun đắp, giữ gìn sự trong lành và tốt tươi hơn... Con người cũng tự giác sống chậm lại, lắng nghe cảm xúc nội tâm, yêu thiên nhiên, tha thiết với quê hương, gần gũi và thân thiện với cỏ cây hoa lá...
Có lẽ vì vậy, du khách luôn chọn Đà Lạt để đến và trở về vì thiên nhiên yên bình, không gian thoáng đãng, cây cỏ như bừng lên sức sống mới... khiến du khách cảm thấy hạnh phúc và tự hào bởi sự nỗ lực đổi thay của chính mình. Du khách giờ đây cũng chuyển hướng lựa chọn những phương thức giao dịch thông minh và an toàn hơn qua các phần mềm, để tránh tiếp xúc trực tiếp với nhân viên ngân hàng hay nhân viên hãng du lịch khi đăng ký tour hoặc thanh toán chi phí...
Theo thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng): Sau tất cả, giá trị trải nghiệm du lịch xanh giờ đây cao hơn hẳn! Đó là sự chăm sóc chu đáo hơn của hãng du lịch, giá dịch vụ rẻ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, môi trường du lịch trong lành hơn... Du khách hưởng thụ du lịch với tâm trạng thư thái hơn, vì thế cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh và bảo vệ môi trường, khiến cho du lịch có ý nghĩa hơn về mặt xã hội... Và, Đà Lạt là lựa chọn của điểm đến an toàn, yên bình để du khách được tận hưởng cuộc sống và nghỉ ngơi thực sự...
Đó là sự thúc đẩy du lịch xanh phát triển về mặt tư duy chứ không phải công nghệ! Có những điều trước đây không ai nghĩ đến, hằng ngày chỉ lao đi kiếm sống; nhưng trải qua đại dịch, vượt qua những mất mát và đau thương, người ta thấy may mắn để trân quý cuộc đời hơn, để bỏ qua những thứ tiêu cực mà nghĩ đến những điều tích cực, có những quyết định thông minh trong cuộc sống, thông minh từ suy nghĩ và hành động. Vì vậy, lựa chọn hình thức du lịch xanh để trải nghiệm và thưởng thức cuộc sống xanh ở những miền đất mới là lẽ đương nhiên!
LÊ HOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin