(LĐ online) - Từ thành phố Cao Bằng, vượt qua 45 km, nhiều đoạn đường đèo đẹp như bức tranh với những khúc cua uốn lượn bám chặt vào eo núi, chúng tôi đến Lũng Mười (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) - một bản của người Dao Tiền nằm trong thung lũng. Đón chúng tôi là Chu Tiến Thanh, chủ Homestay Lũng Mười với nụ cười rạng rỡ, thân thiện.
|
Homestay Lũng Mười là ngôi nhà gỗ nằm trong thung lũng |
Thanh xếp đồ của chúng tôi lên chiếc xe máy, giọng rổn rảng hỏi thăm khách như thể anh em trong nhà lâu ngày mới gặp. Anh cho biết, dịp lễ 2/9, khách du lịch đến Lũng Mười rất đông, homestay của anh kín chỗ. Nhiều khách quay lại lần 2, lần 3 để trải nghiệm lại cảm giác “sống hòa với thiên nhiên”.
Homestay Lũng Mười của Thanh là ngôi nhà gỗ nằm trong thung lũng, sát cạnh con suối, cách biệt và cao hơn các ngôi nhà khác. Vì ở vị trí cao hơn nên tầm nhìn khoáng đạt, gợi cảm giác như được sống hòa vào thiên nhiên. Từ chiếc móc treo đồ trên tường đến chiếc chậu rửa mặt đều làm bằng gỗ với thiết kế như níu kéo vẻ tự nhiên của cây, lá. Điểm nhấn gây chú ý trong ngôi nhà gỗ là những bộ trang phục của người Dao Tiền nguyên bản treo trên tường. Màu sắc trang nhã của những bộ trang phục hài hòa với thiết kế đơn giản của ngôi nhà và các vật dụng dành cho khách trong các phòng nghỉ. “Chủ nhà rất có gu”, một lời khen của chúng tôi khiến ông chủ sinh năm 1992 đỏ mặt sung sướng. Thanh hào hứng kể: “Homestay Lũng Mười là kết quả đầu tư của một người bạn cũng kinh doanh homestay ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Lũng Mười là sự “copy” có chọn lọc, có sáng tạo dựa trên những thế mạnh riêng về vị trí, cảnh quan để làm nên sự khác biệt so với các homestay trong khu vực”.
|
Du khách trải nghiệm nướng đồ ăn theo cách của đồng bào Dao Tiền |
Là con trai duy nhất trong gia đình có ba chị em, khi chị và em gái đã lấy chồng xa, Thanh quyết định “bám bản” để phụng dưỡng cha mẹ và vun đắp ước mơ làm giầu trên quê hương mình. Sinh ra và lớn lên ở Lũng Mười, Thanh thấy rõ cái nghèo đeo bám gia đình và bà con trong bản. Người dân ở Lũng Mười sống chính bằng nghề trồng ngô. Cuộc sống tự cung, tự cấp với những khó khăn vây quanh đã khiến cho cái nghèo bám diết từ đời cha, sang đời con. Tỉ lệ hộ nghèo ở Lũng Mười chiếm 85%. Nhưng cũng chính vì lớn lên ở Lũng Mười, khi xa quê về thành phố học tập, Thanh nhận ra những thế mạnh tiềm ẩn của quê hương mình, có thể dựa vào đó để thoát nghèo và đổi đời. Đó là phát triển du lịch dựa trên những điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng: san hô cổ Lang Môn, Đồn Phai Khắt, xưởng thêu của người Dao Tiền, cảnh quan lưng rồng, thung lũng treo Tĩnh Túc, Mỏ thiếc Tĩnh Túc … Sau khi tốt nghiệp Đại học Nội vụ, Thanh tiếp tục theo học Khoa Du lịch của Trường Đại học Công nghiệp Đông Á. Những kiến thức học được ở trường đã được Thanh áp dụng vào thực tế. Thanh vận động gia đình “góp đất”, góp công và quản lý. Tiền làm homestay do một người bạn kinh doanh homestay ở Trùng Khánh đầu tư. Số tiền hơn 500 triệu vừa đủ để dựng lên một cơ ngơi xinh xắn giữa thung lũng gợi sự tò mò của khách du lịch thích khám phá nhưng vẫn là quá ít để có thể tạo ra nhiều điểm nhấn hút khách mạnh mẽ hơn. Dẫu vậy, Homestay Lũng Mười đã đón hơn 100 đoàn khách trong 1 năm qua, giữa bối cảnh COVID bủa vây và du lịch cả nước ngừng trệ một thời gian dài.
|
Thanh trình bày món ăn phục vụ khách |
Không chỉ là ông chủ trẻ hoạt ngôn, vui tính, thuộc nằm lòng các điểm du lịch ở địa phương để giới thiệu với khách theo đúng tiêu chí “mỗi điểm đến là một câu chuyện”, Thanh còn là một “đầu bếp” khá thuần thục. Anh thuộc làu làu các loại gia vị tẩm ướp các loại thịt lợn đen, gà bản… để giới thiệu với khách món ăn mà anh đang làm trên bếp; tay thoăn thoát đảo món ăn, rồi bày món ăn trên những chiếc mẹt nan nhỏ phủ lá chuối…
Vừa làm, anh vừa giới thiệu với khách những loại rau rừng mọc bên bờ suối; ở sườn đồi quanh nhà có thể sử dụng vào bữa ăn. Nếu khách thích trải nghiệm với những món rau mới, Thanh sẵn sàng làm đầu bếp chế biến những món rau rừng miễn phí phục vụ khách. Thanh cho biết, những ngày đầu, việc vận động gia đình góp đất làm homestay cũng không hề đơn giản. Thanh vận dụng những hiểu biết của mình để thuyết phục gia đình về những xu hướng du lịch mới; về triển vọng phát triển du lịch ở địa phương; về thế mạnh của mình khi được đào tạo làm du lịch bài bản; về khả năng kết nối và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư của cá nhân và cả những thành quả đã đạt được của người bạn kinh doanh homestay - người hứa hẹn sẽ là “bà đỡ” cho Thanh dấn thân vào công việc không hề đơn giản ở Lũng Mười. Nghe Thanh nói, nhìn thấy quyết tâm của con không phải là một sự “liều lĩnh” thiếu cơ sở, gia đình Thanh đã ủng hộ con trai khởi nghiệp với công việc mà những người hàng xóm ai cũng ngơ ngác nhìn với sự tò mò.
Thanh lặn lội đến homestay của người bạn để quan sát, học tập kinh nghiệm. Kinh phí có hạn nên cái gì tự làm được là Thanh lăn xả vào làm. Những chiếc móc đồ bằng gỗ dổi là do Thanh tự tìm kiếm, chế tác, giữ nguyên vẻ tự nhiên, xù xì, tựa như những chạc cây mọc ra từ những bức tường gỗ, ghép đơn sơ. Khi ngôi nhà hoàn thiện sẵn sàng đón khách, Thanh lập trang fanpage giới thiệu về homestay, tự chụp ảnh, viết bài giới thiệu để quảng bá Tại huyện Nguyên Bình lúc đó mới chỉ có Lũng Mười làm homestay và cũng chỉ có gia đình Thanh tiên phong trong lĩnh vực này. Muốn khách tìm đến điểm du lịch mới thì cần tạo nên một “đống lửa hồng” thay vì một đốm lửa le lói. Thông qua người bạn là chủ đầu tư và những người bạn khác cũng kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, Thanh đã kết nối được khách đến với homestay của mình. Hôm đón đoàn khách đầu tiên đến ở, Thanh cứ ngẩn người, vừa mừng, vừa lo. Phản hồi của khách sau khi lưu trú khiến Thanh mừng muốn khóc. Chính Thanh cũng không ngờ ấn tượng mà homestay của mình để lại cho du khách lại mạnh mẽ như vậy.
“Tôi hướng dẫn cho khách xuống suối bắt ốc; bắt cá ở các ruộng lúa. Sản phẩm thu được sẽ được chế biến thêm vào bữa ăn. Khi học ở trường, tôi được biết nhiều nước trên thế giới phát triển du lịch thông qua ẩm thực. Tôi vận dụng kiến thức này khi làm homestay, chọn trong số các món ăn của người Dao Tiền những món tiêu biểu nhưng phù hợp với số đông du khách để chế biến. Các món chủ đạo mà chúng tôi phục vụ khách là lợn đen bản, gà bản, cá suối… Các món này dù chế biến cách nào, luộc, xào, nướng… đều sử dụng các gia vị và các món lá sử dụng trong tẩm ướp của người Dao để tạo ra mùi vị đặc trưng, hấp dẫn khách” - Thanh chia sẻ.
Mặc dù đã đón hơn 100 đoàn khách đến lưu trú, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài nhưng Thanh vẫn không bằng lòng với kết quả đạt được. Để có thể đón những đoàn khách đông người hơn, Thanh đang cho hoàn thiện 3 căn nhà gỗ nằm sát bên suối; dự kiến sẽ dựng 2-3 cọn nước ở cạnh suối để tạo cảnh quan cho khách check in; một chòi ngồi uống trà cạnh ao trước khu nghỉ…
Ở Nguyên Bình, homestay Lũng Mười là một điểm sáng. Thanh không ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình để bà con trong bản và các bản lân cận cùng làm homestay phát triển du lịch địa phương. Thanh cho biết, anh đang vận động các hộ dân ở Lũng Mười, đặc biệt là các hộ lân cận Homestay Lũng Mười cùng làm du lịch. Hiện tại, mọi người đã thấy homestay của Thanh đón khách ra sao, hiệu quả kinh tế tốt hơn nhiều lần công việc trồng ngô, chăn nuôi tự cung, tự cấp. Nhưng để họ thay đổi tư duy chuyển từ làm nông sang làm du lịch và biết kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch thì vẫn cần thời gian để thuyết phục. Và muốn họ tin và làm theo, thì Thanh vẫn tiếp tục đi học kinh nghiệm của những nơi làm homestay tốt để cung cấp dịch vụ trải nghiệm ấn tượng nhất, tốt nhất. Điều Thanh muốn là khách không chỉ đến một lần mà nhiều lần, và mỗi lần đến sẽ cảm nhận được dịch vụ đón khách ở homestay khác hơn, tốt hơn mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất này.
Vẫn nụ cười thân thiện, rạng rỡ, ông chủ homestay Lũng Mười cho biết tham vọng của mình là Homestay Lũng Mười trở thành điểm kết nối các điểm du lịch trong vùng, trong đó có điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc 1.931 m cách đó khoảng 5 km.
CHU THU HẰNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin