Một thoáng Đất Mũi

06:10, 27/10/2022
Trở lại địa đầu cực Nam Tổ quốc - Mũi Cà Mau lần này chỉ thoảng qua mấy giờ đồng hồ, phần vì xe ô tô giờ một mạch thẳng từ Năm Căn ra chứ không đi đường thủy mấy tiếng như trước và phần thời gian ở lại không nhiều. Nhưng trong tôi trỗi dậy những ký ức lần đến trước, luồn lạch, lội bùn, leo đước, ở lại đêm,… Và bây giờ, gặp lại hộ dân là thành viên Làng Du lịch văn hóa cộng đồng mới thành lập mấy tháng, đất và người, biển và rừng Đất Mũi càng lắng hơn và dạt dào mến yêu…
 
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
 
•  THỎA THÍCH VỚI VÙNG ĐẤT HÀO PHÓNG
 
Vẫn là hai hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập lợ đan xen giữa những rừng cây, những dòng sông uốn lượn. Cà Mau tự hào với thiên nhiên ưu đãi có khu rừng ngập mặn lớn thứ 2 trên thế giới, sau rừng Amazon ở Nam Mỹ. Lần đến trước, chúng tôi leo lên tháp canh rừng nhìn xuống được hình dung sự ngoạn mục trước một thảm màu xanh ngút ngàn giữa vòm trời nối biển, đó là Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới, chứng nhận cách đây tròn 10 năm. Khơi xa, những đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông,… vẫn trầm mặc những chỉ dấu biển đảo thiêng liêng và hùng vĩ. 
 
Dù có đường ô tô kết nối thẳng từ đất liền đến huyện Ngọc Hiển như hôm nay thì du khách vẫn được ngồi du thuyền bằng ca nô hay võ máy rẽ sóng trắng để đi giữa hệ sinh thái khá đa dạng, báu vật mẹ thiên nhiên trao tặng để giữ gìn. Rừng ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vô cùng rộng lớn, có diện tích tự nhiên là 41.862 ha. Vườn có khoảng 60 loài thực vật, ngoài cây đước là chủ lực còn có các loài bần, mắm, vẹt, su, dá, cóc, dà, chà là, dương xỉ, các loài dây leo... Đấy là môi trường rất tốt cho nhiều loài động vật trú ngụ: 26 loài thú, 101 loài chim, 24 loài tôm, 9 loài lưỡng cư, 139 loài cá, 53 loài giáp xác… Đến rừng Cà Mau, mỗi khi đứng bên chân sóng mơn man những lớp bùn, ta không quên câu “bần trước, đước sau” nói về câu chuyện “mở đất”. Nghĩa là cứ đến mùa, ngành Kiểm lâm và các dự án trồng rừng tổ chức cắm những cây bần xuống và khi cây bần sống vững đến đâu là có cây đước theo sau đồng hành ra biển lớn. Nhờ vậy mà nơi Bãi Bồi thuộc rừng ngập mặn Cà Mau mỗi năm “nở” ra biển 50 đến 80 mét nhờ sự hùn đắp của lớp lớp phù sa…
 
Lần đến với huyện địa đầu Ngọc Hiển này, Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 vẫn nằm vị trí xưa nhưng được xây dựng thành khuôn viên rộng, có tam cấp và cột mốc đặt ở tâm ngôi sao 5 cánh càng tôn vẻ thiêng liêng bờ cõi nước Việt. Và nhiều công trình hạ tầng mới cũng được cất lên như cột cờ Hà Nội có tổng diện tích hơn 16.000 m 2, cao 45 m (tính từ chân đế cột cờ đến đỉnh tháp); công trình “Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, Km 2436” với cột trụ cao cùng các phù điêu về đất rừng Cà Mau và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam…; đền thờ Lạc Long Quân xây nổi trên biển; những tuyến đường giao thông bằng bê tông uốn mềm mại dọc biển và hệ thống đèn chiếu sáng hay vọng hải đài cao 20,5 m…
 
Biểu tượng Mũi Cà Mau, địa đầu cực Nam của Tổ Quốc
Biểu tượng Mũi Cà Mau, địa đầu cực Nam của Tổ Quốc

 

Du khách đến với Mốc tọa độ quốc gia
Du khách đến với Mốc tọa độ quốc gia
 
  RÂM RAN TRÊN NHỮNG NGÔI NHÀ KHÔNG CỬA 
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có 5 hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Nhuần (Tư Nhuần) ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi là hộ đầu tiên làm và hiện là Kiểm soát viên của Hợp tác xã Làng Văn hoá du lịch cộng đồng Đất Mũi có cơ sở lưu trú tên chân chất rất Nam Bộ - “Nhuần 4” - địa điểm được huyện tổ chức sự kiện thành lập Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Đất Mũi vào tháng 4/2022. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Nhuần được đầu tư bởi Dự án SIDA - Thụy Điển, không hoàn vốn. Gia đình có 9 ha đất rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản, là hộ đầu tiên làm du lịch sinh thái cộng đồng. Trên diện tích này, ông xây dựng những nhà sàn trên mặt nước, sàn gỗ, lợp lá để đón khách du lịch, trồng thêm nhiều loài hoa, cây kiểng... Nhà sàn dùng để đón khách phục vụ ăn uống với nguồn hàng hải sản tươi sống như cua, vọp, ốc len, ba khía, hàu, tôm, cá thòi lòi… và để khách lưu trú qua đêm. Và nét đặc trưng của văn hóa nhà sàn là không có cửa, sự thể hiện của cuộc sống chất phác, hiền hòa và bình an của những người dân nơi xóm Mũi. Dưới chân nhà sàn các loài hải sản được thả lồng để luôn có sẵn và tươi sống. Gia đình ông Nhuần còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm cho du khách lựa chọn và tìm hiểu văn hoá, phong tục, tập quán, cuộc sống người dân địa phương như câu cá, dở rập cua, mò sò, mò vọp, bắt ốc len, đi cầu khỉ, leo dây, chèo xuồng ban đêm soi ba khía. Với không gian sống và nhiều hoạt động trải nghiệm vùng sông nước như vậy du khách trọn vẹn hơi thở chân chất của cuộc sống dân dã. Lần gặp lại này, tôi có dịp trò chuyện với chủ cơ sở Nguyễn Văn Nhuần. Ông tự hào là có cha ông là những người mở đất, giữ rừng và mở nghề đầu tiên của vùng và rất vui khi Nhà nước chính thức triển khai mô hình du lịch cộng đồng để gia đình hoạt động chính danh. “Với kinh nghiệm nhiều năm đón khách, nhà tôi phát huy và quan tâm nhất về chất lượng dịch vụ. Làm sao để khách đến được trải nghiệm nhiều thú vị về ăn, chơi, khám phá… vùng Đất Mũi này của chúng tôi. Sắp tới gia đình còn cất tiếp mấy chòi lá và thêm mấy hoạt động vui chơi nữa”, ông Nhuần chia sẻ. 
 
Làng Văn hóa du lịch Đất Mũi đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030. Đây là cơ sở để phát huy địa kinh tế - văn hóa cho ngành Du lịch tỉnh cũng như huyện Ngọc Hiển sang trang mới. Và cũng đúng theo định hướng quy hoạch tổng thể du lịch Cà Mau đến năm 2030: sản phẩm chính là du lịch sinh thái, du lịch địa lý, tăng cường phát triển quà tặng. Mũi Cà Mau được xác định là một trong 47 địa điểm có tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia. Về với huyện Ngọc Hiển nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Về với các loại hình, sản phẩm du lịch: xanh, sinh thái, văn hóa sông nước, nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp các hoạt động từ thiện, tình nguyện...
 
MINH ĐẠO