Như hoa hướng dương hướng về mặt trời

09:11, 09/11/2018

Bị bại liệt từ nhỏ, những tưởng cô gái đó cũng sẽ buông xuôi theo số phận, nhưng không, càng khó khăn, cô càng vươn lên, như những bông hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, để tự khẳng định mình và để yêu thương, san sẻ cùng mọi người. Cô là Ðèo Nàng Quynh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Vươn Lên của Hội Người khuyết tật Ðức Trọng.

Bị bại liệt từ nhỏ, những tưởng cô gái đó cũng sẽ buông xuôi theo số phận, nhưng không, càng khó khăn, cô càng vươn lên, như những bông hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, để tự khẳng định mình và để yêu thương, san sẻ cùng mọi người. Cô là Ðèo Nàng Quynh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Vươn Lên của Hội Người khuyết tật Ðức Trọng.
 
Cô Đèo Nàng Quynh bên các sản phẩm đan, móc của các hội viên Hội Người khuyết tật tại Hợp tác xã Vươn Lên. Ảnh: T.Vũ
Cô Đèo Nàng Quynh bên các sản phẩm đan, móc của các hội viên Hội Người khuyết tật
tại Hợp tác xã Vươn Lên. Ảnh: T.Vũ

Vượt lên số phận
 
Ngày đó, khi chưa tròn 5 tháng tuổi, sau một cơn sốt kéo dài, cô Đèo Nàng Quynh đã bị teo cơ hoàn toàn chân phải. Được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi, trải qua 3 lần phẫu thuật tạo dựng cơ bắp, nhưng không có kết quả, cô đành chấp nhận tật nguyền từ thời niên thiếu. “Càng lớn, tôi càng ý thức được sự kém may mắn của mình, khi mỗi bước đi tập tễnh của mình tôi đều nhận được sự mỉa mai chê cười của đám trẻ con và cả người lớn. Nhưng càng như vậy, tôi càng quyết tâm phải vươn lên để khẳng định mình” - cô Quynh bùi ngùi nhớ lại.
 
Nói thì có vẻ rất dễ dàng, nhưng để học xong phổ thông, rồi tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng là cả một quá trình nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của cô gái Đèo Nàng Quynh lúc bấy giờ. Đó là những tháng ngày ra vào bệnh viện để phẫu thuật chân, rồi lại vừa theo đuổi sự nghiệp học hành. Những năm tháng đầy vất vả đó, bây giờ đây, khi hồi tưởng lại, cô Quynh bảo, chúng vẫn hiện rõ trong đầu cô rõ mồn một. Và ngay tại những tháng ngày dài nằm ở bệnh viện, khỏe lúc nào là cô gái bé nhỏ ấy lại trườn ra khuôn viên, hành lang tập luyện thể lực, chập chững từng bước chân, với mong muốn cháy bỏng là tự mình có thể bước đi trên đôi chân của mình, dẫu chúng không lành lặn. Rồi khi trải qua bao khó khăn và khó nhọc, bao giọt mồ hôi và nước mắt đã rơi, ngày cô tự bước đi trên đôi chân nhỏ bé của mình mà không cần đến cặp nạng hay sự giúp đỡ của người khác cũng đến. Cô bảo, cô đã không cầm được nước mắt vì hạnh phúc. 
 
Không dừng lại ở đó, cô bảo, ngay từ khi ý thức được sự kém may mắn của mình, cô luôn quyết tâm phải học hành tới nơi, tới chốn, vì chỉ có con đường học vấn mới giúp cô khẳng định được bản thân, vượt lên mặc cảm. Cũng với quyết tâm đó, cô luôn kiên nhẫn tự học bằng sách vở, tài liệu do cha mẹ và bạn bè mang tới. Rồi cứ thế, cô lần lượt vượt qua các kỳ thi chuyển cấp, rồi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tốt nghiệp Đại học Tài chính, chuyên ngành ngân hàng.
 
Sẻ chia cùng mọi người
 
Đất nước giải phóng, cô tham gia công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 1992. Sau 20 năm công tác trong ngành ngân hàng, cô nghĩ, đến lúc mình phải dành thời gian để chăm sóc người thân, vậy là cô xin nghỉ để có thời gian chăm sóc mẹ già. Ở cạnh mẹ được 2 năm thì mẹ mất, ở nhà cũng buồn, sẵn có nghiệp vụ tài chính và lòng yêu quý trẻ thơ, cô xin mở nhóm trẻ gia đình lấy tên là Vành Khuyên, với tâm niệm vừa giúp đỡ những đôi vợ chồng neo đơn, vừa tạo công ăn việc làm cho một bộ phận giáo viên mầm non mới ra trường trang trải cuộc sống. “Thật lòng là những ngày đầu mở nhóm trẻ, tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng vì mọi thứ đều rất mới mẻ. Nhưng rồi, được sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng của chồng, và cả sự thông cảm, chia sẻ của phụ huynh, cũng như sự giúp đỡ của các thầy cô ở Phòng Giáo dục, tôi cũng dần vượt qua được khó khăn và làm được” - cô Quynh chia sẻ. 
 
Nhóm trẻ Vành Khuyên của cô mở ra, lúc đầu chỉ có 5, 6 đứa trẻ, rồi lên đến 15 đứa và giai đoạn đông nhất là 160 đứa trẻ. Lúc đầu, cô tận dụng nhà đang ở để làm nhà trẻ, sau phải xây thêm 2 dãy nhà nữa mới đủ không gian để cho trẻ theo học. Trong suốt gần 20 năm xây dựng, nhóm trẻ Vành Khuyên luôn nhận được sự tin tưởng của các phụ huynh khi cho con theo học tại đây. 2 năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, cô đành cho giải thể nhóm trẻ.
 
Không dừng lại ở đây, bản thân vốn là người khuyết tật nên cô bảo, hơn ai hết, cô thấu hiểu nỗi mất mát, thiệt thòi của những mảnh đời sinh ra bị khuyết tật. Cũng vì lẽ đó, cách đây hơn 10 năm, cô xin gia nhập Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng, với mong muốn góp một phần công sức của mình cho những người cùng cảnh ngộ.
 
“Đa số người khuyết tật sống phụ thuộc vào gia đình, trình độ học vấn thấp, ít giao tiếp với xã hội bên ngoài, họ đều mong muốn có việc làm ổn định, phù hợp với sức khỏe của mình, vì vậy, tôi luôn động viên và mong muốn các con của người khuyết tật được học hành đến nơi đến chốn để sau này có được công việc ổn định, lo cho bản thân của các con và phụ giúp gia đình” - cô Quynh chia sẻ. Và cách giúp đỡ thiết thực nhất của cô dành cho những đứa trẻ là con em hội viên Hội Người khuyết tật của huyện nhiều năm qua đó là tặng học bổng, vở tập, quần áo cho các con... Cô cũng vận động bạn bè, bà con thân thuộc của mình cùng tham gia công việc này. 
 
Cùng đó, để tạo nguồn thu nhập ổn định cho chị em hội viên, từ năm 2007, cô Quynh và Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng đã mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Vươn Lên để giải quyết việc làm cho hội viên với ngành nghề may - đan - móc, với mong muốn tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định giúp các hội viên là người khuyết tật trong huyện xóa đi mặc cảm, tự tin, hòa nhập với cộng đồng.
 
Nói về cô Đèo Nàng Quynh, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng cho biết thêm: “Từ khi tham gia Hội Người khuyết tật của huyện cho đến nay, cô Quynh đã dành rất nhiều tâm huyết cho hội, từ trao học bổng cho các cháu, bán nữ trang của bản thân để may đồng phục cho anh chị em hội viên hay chạy đôn chạy đáo vận động tiền bạc, công sức để xây dựng hợp tác xã Vươn Lên... Dù ở bất kỳ công việc nào, cô cũng làm hết lòng và tận tâm và nay, ở vào cái tuổi gần 70, cô vẫn luôn hết lòng vì mọi người”.
 
THY VŨ