Về nơi đầu nguồn Pác Bó

ĐOÀN MINH PHỤNG  02:26, 18/01/2023

Về nơi “đầu nguồn” Pác Bó vào dịp cuối năm, chúng tôi được nghe, tìm hiểu kỹ hơn về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác Hồ kể từ khi Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Về Pác Bó, chúng tôi còn được đắm mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Đông Bắc - Cao Bằng trùng điệp. 

Di tích nơi Bác Hồ thường ngồi câu cá sau những buổi làm việc. Ảnh: Tư liệu
Di tích nơi Bác Hồ thường ngồi câu cá sau những buổi làm việc. Ảnh: Tư liệu

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ...

Đầu năm 1941, Bác Hồ từ Trung Quốc trở về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Pó (Pác Bó), hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 đến 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa I). Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân, tiến đến khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Và, cũng tại lán Khuổi Nặm II, Bác đã thành lập Báo Việt Nam độc lập. Ngày 22/12/1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 6/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do. Ngày 4/5/1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945), nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khi nhắc đến Pác Bó, người ta thường nhớ đến nơi đây là điểm dừng chân của Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về, Bác chọn nơi này làm nơi ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh là một quần thể di tích, ở vùng này còn sở hữu một vẻ đẹp như nhiều người đã ví rằng “như chốn bồng lai tiên cảnh”, là nơi “non xanh, nước biếc, rừng thẳm, đất thiêng”, cảnh vật hữu tình, nên thơ, hùng vĩ, người dân chất phác, hiền lành, thuần hậu, đầy tình yêu quê hương, đất nước. Ngày nay, nơi đây là một khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đặc biệt của nước ta. Thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Cụm di tích lịch sử khu vực đầu nguồn là Hang Cốc Pó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng 80 m2, cửa hang chỉ vừa một người đi. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8/2/1941 đến trung tuần tháng 3/1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch, biên soạn các tài liệu quan trọng. Các hiện vật còn lại trong hang, chúng tôi nhìn và nghe thuyết minh mà lòng dâng trào bao nỗi niềm xúc động. Mộc mạc đơn sơ là thế, mà Bác Hồ của chúng ta đã từng sống và làm việc và vạch ra bao chủ trương, đường lối cho Cách mạng Việt Nam như đã nói ở trên.

Chúng tôi thăm nhà ông Lý Quốc Súng, là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc (từ ngày 28/1 đến 7/2/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương. Và, hang Lũng Lạn, là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3/1941. Hang rộng 50 m2. Cũng trong khu vực này, còn có hang Ngườm Vài rộng 80 m2. Đặc biệt là suối Lê Nin, thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. Cô gái Nùng tên Hạnh đi cùng chúng tôi trước khi giới thiệu nơi Bác ngồi câu cá bên dòng suối Lê Nin lúc rảnh việc, bảo rằng: “Nơi đây linh thiêng lắm, các cô chú cẩn thận lời nói, cử chỉ đấy ạ”. Tôi có ý định ngồi vào tảng đá Bác đã từng ngồi để chụp bức ảnh kỷ niệm, nhưng khi nghe Hạnh nói thế, tôi dừng ý định. Tuy nhiên, khi trở ra ngoài, chúng tôi cũng có được nhiều tấm hình bên dòng suối Lê Nin và dưới chân núi Các Mác. Suối Lê Nin dẫu đông đã về, đã bắt đầu những cơn mưa mùa, nhưng nước vẫn trong veo, xanh màu ngọc bích, nhìn rõ từng viên đá nhỏ tận đáy, những bầy cá trắng tung tăng bơi lội, rất thân thiện với khách xa; theo người dân ở đây, chỉ có suối Lê Nin mới có loài cá đặc biệt này sinh trưởng. Đến đâu trong Khu di tích Pác Bó, cũng để lại trong tôi bao điều lưu luyến, đặc biệt là nhớ về Bác, về những điều Bác dạy cán bộ, đảng viên mà ngày nay chúng ta đang học tập và làm theo.

Lán Khuổi Nặm, là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài lán đầu tiên ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, bên ngoài nhìn vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người địa phương, với 2 gian nhỏ, có diện tích 12 m2. Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu, là địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật, giai đoạn 1941-1945. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt. 

ĐÂY SUỐI LÊ NIN, KIA NÚI MÁC

Bác về Pác Bó, ở nơi đây, đứng trước một phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trước các đồng chí và quần chúng Nhân dân cùng chung lý tưởng, trong lòng bậc vĩ nhân lại chan chứa một tâm hồn thi sĩ. Người vô cùng dạt dào xúc cảm và đã làm nên một bài thơ tuyệt tác với tiêu đề Pác Bó hùng vĩ: Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay gây dựng một sơn hà. 

Người đã đặt tên cho con suối Yang trước cửa hang Cốc Pó là suối Lê Nin, đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác, bởi chủ ý của Bác là chỉ theo đường của Các Mác, của Lê Nin chỉ dẫn mới đi đến tự do độc lập, bởi thế Người viết: “Đây suối Lê Nin, kia núi Mác”, tư tưởng của Mác cao ngất như ngọn núi, tư tưởng của Lê Nin như suối nguồn, đó là tư tưởng tiến bộ của loài người, là chân lý cách mạng. Từ lý luận khoa học đó sẽ tạo ra ý chí và hành động cách mạng cho Đảng ta, cho Nhân dân ta, và từ đó Người viết câu kết của bài thơ: Hai tay gây dựng một sơn hà. Người tin tưởng như thế và Người đã xây dựng lên, truyền cả niềm tin ấy vào các đồng chí của mình, vào quần chúng Nhân dân của mình. 

Bác còn có “Tức cảnh Pác Bó”: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang. Đọc lịch sử, đọc các tư liệu, và giờ đây khi đến tận “nguồn cội”, tôi càng hiểu biết thêm, ngày ấy Bác hoạt động ở Pác Bó vô cùng gian nan, đầy hiểm nguy. Theo các tài liệu lịch sử đã ghi và các nhân chứng kể lại, ngày về thăm Pác Bó sau 20 năm xa cách, Người vẫn đi bộ từ Đôn Chương vào, cho dù tuổi Bác đã cao (71 tuổi), sức khỏe đã giảm sút, nhưng đến Pác Bó, Người vẫn giàu cảm xúc, vẫn lối làm thơ hồn nhiên, trong sáng, giản dị, Người đã ghi lại một chặng đường lịch sử gian nan mà có hậu: Hai mươi năm trước ở hang này/ Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây/ Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/ Non sông gấm vóc có ngày nay. Hai mươi năm trước, Người ở đây rất gian khổ, song từ nơi đây, Người với Đảng, với Nhân dân đã làm nên chiến thắng, giang sơn gấm vóc đã về ta. Lời thơ của Bác như là một sự tổng kết, một ghi chép về lịch sử đáng trân trọng, tự hào cả về quá khứ, hiện tại và hướng tương lai.
Giờ đây, đọc lại những vần thơ của Bác sáng tác ở Pác Bó, chúng ta vẫn thấy sự hồn nhiên, tự tại, hào sảng, khoan thai, thi vị ở các câu thơ của một bậc thi sĩ - vĩ nhân. Nghe kể về Bác khi Người ở và làm việc ở Pác Bó những năm tháng còn gian nan khổ cực, để rồi luôn nhớ Bác, ghi sâu công ơn trời biển của Bác, nguyện học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để cùng nhau góp sức xây dựng cho đất nước, quê hương chúng ta ngày càng đổi mới, tươi đẹp, như lúc sinh thời Người vẫn hằng mong ước.