Ẩn mình trong tòa nhà cổ kính được xây dựng từ thời thuộc Pháp tại TP Vũng Tàu là cả một kho tàng với gần 4.000 cổ vật gồm vũ khí và trang phục chiến trận của quân đội ở nhiều quốc gia trên thế giới từ thời cổ đại, trung đại và cận đại. Đó chính là Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor - bảo tàng vũ khí cổ độc nhất vô nhị tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới.
Bộ áo giáp Gothic bằng thép được làm ở Đức và Đế chế La Mã vào thế kỷ 15 sử dụng rộng rãi ở châu Âu |
Bảo tàng nằm ngay mặt tiền (số 98) đường Trần Hưng Đạo thuộc địa phận Phường 1, TP Vũng Tàu nên rất thuận tiện cho du khách tới tham quan khi đi du lịch tới thành phố biển Vũng Tàu. Tuy mới ra đời và tồn tại chưa lâu nhưng sự độc đáo của bảo tàng đã tạo được sức hấp dẫn đặc biệt và đã trở thành điểm du lịch văn hóa ấn tượng thu hút khách tham quan. Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor còn được gọi là Bảo tàng vũ khí toàn cầu (World Wide Museum). Chủ nhân của Bảo tàng là ông Robert Taylor (quốc tịch Anh), một người có hứng thú đam mê sưu tập vũ khí từ nhỏ. Sau hơn 50 năm dồn tâm sức, tiền bạc, lặn lội đến nhiều quốc gia trên thế giới để sưu tầm, ông đã sở hữu một bộ sưu tập vũ khí khổng lồ với gần 4.000 vũ khí cổ cùng nhiều trang phục chiến binh qua các thời đại rất ấn tượng.
Sau khi kết hôn với bà Nguyễn Thị Thu Trang, ông đã quyết định chọn quê vợ Việt Nam định cư lâu dài nên đã chuyển toàn bộ bộ sưu tập vũ khí nói trên về Việt Nam thành lập bảo tàng tư nhân năm 2012 tại Vũng Tàu mang tên ông. Thời gian đầu cũng gặp một số khó khăn nên chưa mở cửa thường xuyên, sau đó được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền TP Vũng Tàu nên bảo tàng đã mở cửa hoạt động trở lại bắt đầu từ năm 2016 và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách không thua kém các điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu như ngọn hải đăng, Bạch Dinh...
***
Với 1.500 m2 diện tích trưng bày và gần 3.000 hiện vật được bố trí dàn dựng hợp lý, khoa học theo trình tự thời gian, có phân khu rõ ràng, bảo tàng gần như đã tái hiện và phác họa được những nét cơ bản về lịch sử chiến tranh thế giới thông qua các loại binh khí, giáp trụ, trang phục chiến trận của các chiến binh, quân đội của nhiều quốc gia từ thời kỳ cổ đại đến cận đại. Vì vậy, khi vừa đặt chân vào bảo tàng, du khách lập tức bị cuốn hút, dẫn dắt ngược dòng lịch sử hồi cố lại những sự kiện về những cuộc chiến trong quá khứ từ hàng ngàn, hàng trăm năm trước thông qua hình ảnh, trang phục, vũ khí của các chiến binh từ thời các đế chế Hy Lạp, La Mã, chiến binh thập tự chinh, đến vũ khí trang phục của quân đội các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Đức thời kỳ tướng Napoleon lừng danh với những cuộc chinh chiến ở châu Âu. Bên cạnh đó là vũ khí, trang phục chiến trận của quân đội các vương triều phong kiến phương Đông như nhà Hán, nhà Tần ở Trung Quốc, cùng với đó là đội quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã từng làm mưa làm gió một thời với giấc mơ bá chủ thế giới; hình ảnh, trang phục của các Samurai Nhật Bản,... Tất cả đã được thể hiện rất sinh động bằng những tổ hợp manocanh rất ấn tượng cùng với các loại vũ khí thô sơ ban đầu như đao, kiếm, giáo, mác, cung, nỏ đến các loại súng, pháo đầu tiên xuất hiện ở thời kỳ trung đại và tối tân dần ở giai đoạn cận, hiện đại.
Trang phục vũ khí của chiến binh Samurai (tầng lớp sỹ quan và quý tộc) Nhật Bản |
Trong số hiện vật ở đây, đáng chú ý nhất là thanh đoản kiếm có niên đại cách đây tới hơn 2.000 năm. Nói về súng ở đây thì bên cạnh các loại sử dụng cho chiến trận trang bị cho các tướng lĩnh, binh lính ngoài chiến trường, còn có loại súng săn dùng để đi săn và trang trí trong nhà đặc biệt là những gia đình quý tộc, giới thượng lưu trước đây ở phương Tây nên phần báng súng được trang trí như một tác phẩm nghệ thuật. Súng được khảm trai, xà cừ, có bộ phận được làm bằng ngà voi. Loại súng này có trọng lượng từ 8 đến 10 kg, khi bắn thường có một cái giá kê hỗ trợ. Tiêu biểu ở đây có một khẩu súng hỏa mai do Hà Lan chế tạo năm 1851, mà hiện nay chỉ còn hai khẩu duy nhất trên thế giới, một khẩu đang được trưng bày tại một bảo tàng ở Vương quốc Anh, khẩu còn lại được ông Robert Taylor sưu tầm về và đang trưng bày tại Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor. Ở đây còn có cả súng lục trang bị cho phụ nữ giới quý tộc, hoàng gia; súng kíp (súng săn) của các dân tộc phía Bắc Việt Nam (thế kỷ 14 -15). Bên cạnh đó, người xem không thể quên khi được chiêm ngưỡng những bộ giáp trụ, khiên chiến đấu của các chiến binh rất ấn tượng như áo giáp Gothic được làm từ Đức và đế chế La Mã cuối thời trung cổ thế kỷ 15, mũ sắt của chiến binh Hy Lạp, trang phục của vệ sỹ Hoàng đế La Mã thời cổ đại...
***
Tham quan Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, người xem không những được tận mắt chiêm ngưỡng các loại vũ khí sơ khai buổi đầu có sự giao tranh của loài người trên các châu lục Âu, Á từ cổ đại đến thời kỳ cận hiện đại mà còn giúp cho mọi người khám phá, tìm hiểu mở mang kiến thức gián tiếp về lịch sử văn hóa của mỗi quốc gia thông qua trang phục quân đội, binh khí, về nghệ thuật, kỹ thuật quân sự. Qua đó cũng cho thấy sự phát triển đi lên của nghệ thuật, kỹ thuật quân sự từ những phát minh, nâng cao dần của các loại vũ khí qua các thời kỳ lịch sử thế giới. Qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor còn cho biết, hiện nay, ngoài việc thường xuyên mở cửa đón khách tham quan, bảo tàng vẫn tiếp tục sưu tầm bổ sung hiện vật làm phong phú thêm cho bộ sưu tập và phục vụ cho việc trưng bày. Đồng thời sẽ triển khai một số hoạt động trải nghiệm giúp du khách khi họ có nhu cầu hóa thân trong các loại cổ trang và binh khí để hồi cố về nhân vật chiến binh trong lịch sử thế giới ở một thời kỳ lịch sử mà mình tâm đắc và cảm thấy thú vị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin