Đường hành lang chiến lược một thời bất tử

KHÁNH PHÚC 05:31, 04/05/2023

Cách đây 63 năm, vào ngày 30/10/1960, tại xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) ngày nay, 2 nhánh quân của bộ đội ta thuộc B90 và C200 bắt liên lạc gặp nhau trong niềm hân hoan vui sướng. Đây cũng là dấu mốc lịch sử khai thông tuyến đường hành lang chiến lược Bắc - Nam qua Nam Tây Nguyên tới miền Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước.

Các đại biểu dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia giao liên đường hành lang chiến lược (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm)
Các đại biểu dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia giao liên đường hành lang chiến lược (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm)

BÍ MẬT KHAI THÔNG

Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm Đại tá Trần Tấn Công, 93 tuổi, thường gọi là đồng chí Sáu Công (bí danh Trần Dân - ngụ tại Tổ dân phố 7, Phường 2, TP Bảo Lộc). Đại tá Trần Tấn Công – nguyên là Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng và là một trong những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia khai thông, bảo vệ đường hành lang chiến lược nối liền Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tuy ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với trí nhớ minh mẫn, đồng chí Sáu Công đã kể cho chúng tôi nghe những ký ức  vẹn nguyên của một thời khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng, bất tử của cha ông.

Nhớ lại những tháng ngày gian khổ, nhưng luôn hào hùng, đượm tình đồng chí, đồng đội, cùng nhau băng rừng, lội suối trên những cánh rừng ngút ngàn vô tận của vùng đất Nam Tây Nguyên, bác Sáu Công kể với chúng tôi: Năm 1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (khoá II) của Đảng ta chỉ rõ: Phải nhanh chóng khai thông cho được hành lang chiến lược Bắc - Nam để giải quyết vấn đề chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, thực hiện hai nhiệm vụ: Thứ nhất, vận động quần chúng tham gia đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, tạo điều kiện đưa các đoàn cán bộ và lực lượng miền Bắc vào Nam; lập Trung ương Cục miền Nam và xây dựng chủ lực Miền. Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện tiến lên xây dựng căn cứ Khu và Ban cán sự Đảng các cấp.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 25/5/1959, Trung ương Cục, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn B90 đã lựa chọn 25 đồng chí là những cán bộ, chiến sĩ trung kiên của miền Nam tập kết ra miền Bắc nay trở về Nam hoạt động. Sau 15 tháng hành quân bí mật, do 2 đồng chí Trần Quang Sang (Ba Thọ) và Phùng Đình Ấm (Ba Cung) phụ trách, ngày 30/9/1960, 25 đồng chí Đoàn B90 đã có mặt tại Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông). Trong Đoàn B90 có sự tham gia của đồng chí Trần Tấn Công (Trần Dân). Từ đây, B90 chia thành hai đội, trong đó một đội gồm 4 đồng chí: Phạm Văn Nhường, Phan Văn Lạc, Hoàng Minh Đỏ (Ba Đen) và Trần Văn Thời nhận nhiệm vụ qua vùng Bắc B’Lao hoạt động để vận động đồng bào, xây dựng cơ sở và chuẩn bị cho việc nối thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đoạn từ Khu 5 Nam Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ. Cùng thời điểm này, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ về việc soi đường mở lối, nối liền miền Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên trên trục hành lang chiến lược Bắc - Nam; ngày 6/6/1960, Ban Quân sự Khu ủy miền Đông Nam Bộ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đoàn C200 hành quân lên phía Nam Tây Nguyên để kết nối với Đoàn B90 từ miền Bắc vào. Đoàn C200 gồm 17 đồng chí có điện đài để liên lạc do đồng chí Phạm Hồng Sơn làm trưởng đoàn phụ trách quân sự, đồng chí Nguyễn Trọng Tâm làm Bí thư Chi bộ, kiêm chính trị viên.

Tháng 6/1960, Đoàn C200 tách một bộ phận ra làm nhiệm vụ mở đường hướng lên thượng nguồn sông Đồng Nai để bắt liên lạc với Đoàn B90 từ ngoài Bắc đang vào đến Nam Tây Nguyên. Cứ thế, trong quá trình hoạt động, các đồng chí Đoàn B90 và C200 luôn đảm bảo bí mật, băng rừng lội suối và thường xuyên sử dụng các ký hiệu để đánh dấu đường hành lang.

Đến 16 giờ chiều ngày 30/10/1960, hai đoàn công tác B90 và C200 gặp nhau tại ngã ba suối Đạ R’Tý phía hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm ngày nay). Đại tá Trần Tấn Công xúc động: “Trong cơn mưa rừng, sau khi bắt tín hiệu, cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra ngay tại suối Đạ R’Tý trong niềm hân hoan đầy xúc động. Tất cả mừng đến nỗi ứa nước mắt vì nhiệm vụ mà Đảng và Tổng bộ giao đã hoàn thành, lệnh thông đường hành lang Bắc - Nam được thực hiện. Đây là lần đầu tiên con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được khai thông, nối Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Thời khắc lịch sử này, chúng tôi luôn nhớ như in”.

MỘT THỜI BẤT TỬ CỦA CHA ÔNG

Ngay sau khi được khai thông, hai đội công tác vũ trang B90 và C200 cùng nhau về buôn Sar Đạ R’Yal (xã Lộc Bảo) để họp, báo cáo về Tổng bộ. Từ đây, đường dây liên lạc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam cơ bản được thông suốt. Các cán bộ, chiến sĩ B90 và C200 bắt tay vào lập các trạm hành lang, nắm tình hình và xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc Châu Mạ, K’Ho phía Bắc vùng Bảo Lâm ngày nay. 

Sau khi nối thông hành lang Bắc - Nam, ta tiếp tục mở các nhánh đường đi Bình Thuận, Ninh Thuận, Tuyên Đức. Hành lang mở đến đâu ta bố trí lực lượng lập các trạm đến đó. Nhiệm vụ chính của các trạm là giao liên, đưa đón, phục vụ các đoàn đi lại; đồng thời, phát triển mạng đường mới, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng nhằm phát huy khả năng phục vụ, đảm bảo tính an toàn, vững chắc của hệ thống. Hành lang nối xong, ta đưa các đoàn cán bộ chính trị, quân sự cao cấp của Đảng và các đơn vị chiến đấu cấp tiểu đoàn, trung đoàn, các đơn vị binh chủng, các đoàn cán bộ dân chính đảng và phương tiện, khí tài, đạn dược thẳng tiến vào miền Đông Nam Bộ. 

Từ năm 1961, đồng chí Trần Tấn Công là Đoàn phó C200, rồi giữ chức vụ C trưởng C210, Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng, Tỉnh đội Lâm Đồng được giao nhiệm vụ phụ trách xây dựng cơ sở cách mạng để bảo vệ đường hành lang chiến lược Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Trong suốt những năm 1961, 1962,  dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự B7 (tiền thân của Tỉnh ủy Lâm Đồng), cơ sở cách mạng nhanh chóng được mở rộng. Từ tình hình thực tiễn, vào ngày 1/2/1962, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng ngay  tại Khu ủy Khu 6, huyện Cát Tiên. Khu ủy Cát Tiên đã được xây dựng thành trung tâm căn cứ, vừa là nơi hợp điểm của 2 nhánh hành lang Bắc - Nam, phía Đông và phía Tây trước khi về Chiến khu D và Khu 6, vừa tập trung bảo vệ đường hành lang chiến lược; đồng thời, xây dựng cơ sở cách mạng từ “không đến có” tạo một vùng căn cứ địa cách mạng rộng lớn và vững chắc trên địa bàn hành lang Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, K’Ho được giác ngộ, tin tưởng theo cách mạng tham gia kháng chiến. 

Theo Đại tá Trần Tấn Công, trên đường hành lang thời bấy giờ diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa bộ đội ta với địch (Mỹ, ngụy). Theo đường hành lang, bộ đội ta từ miền Bắc tiến vào miền Nam đi như “nước tràn” và đánh thắng như “chẻ tre”. Cùng với những cuộc tổng tiến công nổi dậy giành chính quyền, bà con đồng bào dân tộc thiểu số và bộ đội ta còn chuyển thế đánh du kích “giăng thiên la, địa võng” khắp núi rừng Nam Tây Nguyên khiến quân địch có mặt tại Lâm Đồng, Tuyên Đức và dọc theo đường 20 kinh hồn, bạt vía phải tháo chạy.

“Trong suốt quá trình khai thông, bảo vệ và xây dựng đường hành lang chiến lược, biết bao đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh. Các đồng đội của tôi như Lại Hùng Cường, Nguyễn Hồng Tư, Nguyễn Văn Cột... và biết bao chiến sĩ cách mạng đã bất tử nằm lại trên đường hành lang lịch sử. Đường hành lang trở thành vùng chiến lược quân sự, cửa ngõ vững chắc để quân, dân miền Bắc tiến vào miền Nam, là tiền đề đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi lại nhớ, lại thương đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh nằm lại trên đường hành lang chiến lược. Những hình ảnh hy sinh anh dũng luôn hiện hữu và được chúng tôi khắc ghi mãi mãi”, Đại tá Trần Tấn Công lau nước mắt khi nhớ lại thời khắc bất tử của đồng chí, đồng đội.

Lịch sử đã sang trang, giờ đây, dọc tuyến đường hành lang huyền thoại năm xưa được khoác lên mình tấm áo mới với sự trù phú, tươi đẹp của vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng. Bia giao liên tại xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) cũng đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng khang trang. Ký ức  về một thời khói lửa anh hùng luôn vẹn nguyên, sống mãi trong những người cựu binh như Đại tá Trần Tấn Công để thế hệ hôm nay và mãi về sau luôn ghi lòng, tạc dạ.