Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tôi theo bước chân đoàn quân giải phóng về lại căn cứ Nam Sơn, về với vùng đất Sa Lôn (tên gọi theo tiếng Chăm). Nơi đây là địa bàn đóng quân của Khu ủy Quân khu 6, là bộ não chỉ đạo các trận đánh lớn, chỉ đạo xây dựng phong trào ở nông thôn và đô thị trên địa bàn Khu 6.
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận |
Vùng đất Sa Lôn nằm hướng Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết gần 70 km. Khu vực này nằm giáp ranh với vùng rừng phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Vùng rừng già kéo dài từ hồ Thủy điện Hàm Thuận (ngày nay) xuống tận vùng Đức Linh, Bình Thuận. Khu 6 ngày trước trực thuộc sự chỉ đạo của Khu ủy Liên khu 5. Từ tháng 2/1961, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị quyết định tách ra gồm các tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng (cũ), Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt. Phần đất còn lại ở hướng Tây Nam giáp biên giới Campuchia gồm các tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, thành lập Quân khu 10.
Từ Quốc lộ 55 theo hướng Phan Thiết đi Bảo Lộc đến xã Đông Giang rẽ bên trái, một con đường nhựa bê tông trải dài hơn 10 km, lượn qua xóm làng, qua những thửa ruộng nước một vụ của đồng bào dân tộc K’Ho vùng Đông Giang. Lách qua những vách núi giữa rừng cây đại ngàn, đơn vị thi công cố tình giữ lại những cây to, gỗ quý ven đường, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.
Một quần thể kiến trúc nằm giữa rừng già gồm bia đá, đài tưởng niệm, nhà trưng bày, hội trường, càng đi xa hơn vào các ngõ ngách dưới chân vách núi là bếp Hoàng Cầm, nhà bảo vệ và các khu lán trại làm việc của cán bộ, chiến sỹ phục vụ cho công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Thuận. Tất cả những công trình trên đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Tại nhà trưng bày và tưởng niệm Bác Hồ, cán bộ và nhân viên bảo tàng đã sưu tầm 277 hiện vật, gồm các vật dụng sinh hoạt thường ngày của chiến sỹ giải phóng như: Bi đông nước, đèn ló thụt, võng dù, mũ tai bèo, dép râu, ngoài ra còn có súng lớn, nhỏ các cỡ, lựu đạn chày... Trong đó, đặc biệt nhất là lá cờ và ảnh Bác Hồ trong buổi lễ truy điệu ngày Bác mất. Tất cả được phục dựng và trưng bày cho công chúng tham quan.
Đến trước đoàn chúng tôi là các cháu học sinh cấp II. Nhà trường đã tổ chức để các cháu đi tham quan, tìm hiểu lịch sử của ông cha đánh giặc trong 2 cuộc kháng chiến. Đây là bài học trực quan, giúp các cháu tiếp cận và nghe hướng dẫn viên trình bày từng hiện vật, từng thời gian xảy ra cuộc chiến với những chiến công lẫy lừng của quân và dân Khu 6 nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Thăm lại chiến khu xưa |
Tại buổi họp mặt ở hội trường, tôi gặp chị Trần Thị Mỹ Hiền, con gái út của cố Bí thư Trần Lê (ông là Bí thư Khu ủy, sau giải phóng về làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng). Chị Hiền bồi hồi xúc động: “Bản thân em thật là diễm phúc và tự hào về người cha thân yêu đã tham gia kháng chiến trên vùng đất này. Trong những năm tháng ấy, em được gặp cha giữa lòng Hà Nội (lúc còn chiến tranh) khi ông từ Khu 6 ra họp ở Trung ương”. Ngừng một vài giây, chị ngậm ngùi: “Có những trường hợp con đi tìm cha, khi đến điểm hẹn thì cha đã hy sinh”.
Gặp lại những đồng đội năm xưa, niềm vui thể hiện trên từng khuôn mặt nhăn nheo lấm tấm mồ hôi. Họ là những người con gái, con trai hơn 50 năm trước đã làm giao liên, bảo vệ, báo vụ, y sỹ, chị nuôi… đã cống hiến tuổi thanh xuân trên mảnh đất này. Giờ đây, đầu đã điểm bạc, mắt đã mờ, chân đi không vững, các anh, các chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhớ lại những năm tháng sống chết trên mảnh đất Sa Lôn. Biết bao nhiêu kỉ niệm những ngày đi công tác, đi trồng mì, phát rẫy ở Búng Tròn, đi mang lúa ở Hàm Trí, Hàm Phú. Những lúc bị địch phục kích, gây bao đau thương. Tất cả làm sao quên được. Phải nói cho rõ, những năm tháng ấy không một giây phút nào địch không bắn phá cả ban ngày và cả ban đêm. Địch dùng tất cả loại bom hiện có thời bấy giờ, kể cả chất độc hóa học, bom xăng, pháo tầm xa và máy bay chiến lược B52 rải thảm. Dưới đất, chúng tung biệt kích, thám báo lùng sục, thọc sâu vào căn cứ nhằm tìm diệt bộ chỉ huy Khu ủy Khu 6.
Tôi gặp lại anh Nguyễn Văn Thanh, nguyên là Bí thư Chi bộ C27, Trưởng cụm thông tin (15 watt) gồm có 4 đài vô tuyến điện. Nhiệm vụ của các đài là chuyển tải thông tin chỉ đạo của khu ủy xuống các tỉnh, đồng thời, nhận thông tin và chuyển đi các báo cáo về Trung ương cục và Bộ Chính trị ở Hà Nội. Anh xúc động nhớ lại: “Chúng tôi làm việc không kể ngày hay đêm, bận rộn nhất là những mùa chiến dịch mở ra những trận đánh lớn. Ngoài ra còn phải báo cáo nhanh nhất về Trung ương. Phong trào đấu tranh đô thị ngày càng lớn mạnh. Những cuộc xuống đường đòi dân sinh, dân chủ, những ngày bãi khóa của sinh viên, học sinh. Trên mặt trận nông thôn, những người du kích, đoàn thể phụ nữ kháng chiến nổi dậy phá ấp chiến lược, kêu gọi đội ngũ tề ngụy, binh lính địa phương ở các thôn buông bỏ hàng ngũ địch về với Nhân dân. Tôi là cụm trưởng lãnh đạo 4 đài điện báo, ngày ấy, chúng tôi bố trí các đài trên núi cao, cách xa chỉ huy hơn 30 phút đi bộ, mỗi đài một nơi. Nếu ở gần nhau, cùng làm việc một lúc, sóng tung lên quá mạnh máy bay địch dễ phát hiện. Ở xa nhau như thế, địch đánh mất đài này còn đài khác hoạt động, giữ vững mạch thông tin thông suốt. Biết bao chiến sỹ thông tin đã thấm máu trên vùng đất này, lớp này ngã xuống có lớp sau đứng lên quyết không thể đứt mạch thông tin của Đảng”.
Giờ đây, về lại căn cứ Sa Lôn ở vùng hậu cứ Nam Sơn, những con người năm xưa đầu đã điểm bạc, thân thể có người không còn lành lặn, bởi có anh chị đã để lại một phần thân thể mình trên mảnh đất này. Tôi xúc động bùi ngùi nhớ đến những đồng đội của mình đã ngã xuống, để hôm nay tôi được đứng đây trong tư thế một người chiến thắng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin