Bộ ván khắc mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

THƠM QUANG 06:17, 14/09/2023

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các sách về địa lý cũng được các triều đại quan tâm và cho biên soạn khá nhiều. Có thể kể đến là, năm Nhâm Thìn (1172), dưới Triều vua Lý Anh Tông có bộ “Nam Bắc phiên giới địa đồ”. Năm Ất Mão (1435), vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Trãi soạn “Dư địa chí” hay còn gọi là “Ức Trai dư địa chí”. Năm Canh Tuất (1490), Lê Thánh Tông sai soạn “Thiên hạ bản đồ”... Dưới Triều Nguyễn, trải qua các đời vua, các sách địa lý cũng được quan tâm chú ý biên soạn. Đời vua Gia Long có bộ “Nhất thống dư địa chí”, vua Minh Mệnh có bộ “Dư địa chí”, vua Tự Đức và vua Duy Tân có bộ “Đại Nam nhất thống chí”, vua Đồng Khánh có bộ “Đồng Khánh địa dư chí”... Như vậy, dưới Triều Nguyễn cùng lúc có 2 bộ sách Đại Nam nhất thống chí.

Mộc bản bìa sách Đại Nam nhất thống chí mới
Mộc bản bìa sách Đại Nam nhất thống chí mới

BỘ SÁCH “ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ CŨ” 

Bộ Đại Nam nhất thống chí được biên soạn 2 lần, hay nói cách khác là có 2 bộ Đại Nam nhất thống chí dưới Triều Nguyễn. Bộ đầu tiên được biên soạn dưới Triều vua Tự Đức (thường gọi là bộ Đại Nam nhất thống chí cũ). Còn bộ Đại Nam nhất thống chí được khắc in dưới đời vua Duy Tân (thường gọi là bộ Đại Nam nhất thống chí mới). Vì bộ Đại Nam nhất thống chí cũ còn lại chỉ là bản chép tay, không có tựa, nên không có tên tác giả cũng như ngày, tháng, năm biên soạn. Tuy nhiên, căn cứ vào diên cách các tỉnh, đạo, phủ, huyện, thì có thể đoán được rằng sách được biên soạn sau năm 1864. Đến tháng 6, năm Nhâm Ngọ (1882), thì bản thảo sách Đại Nam nhất thống chí đã xong. Quan Quốc sử quán tâu xin cho thợ khắc bản in. 

Bộ Đại Nam nhất thống chí cũ dưới thời vua Tự Đức cũng chia ra các mục như phương vi, phân dã, diên cách, phủ huyện, hình thế, khí hậu, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, quan tấn, thổ sản... Bên cạnh đó, bộ Đại Nam nhất thống chí cũ còn có những quyển ghi chép riêng về các nước Cao Miên, Miến Điện, Nam Chưởng... 

Sau khi công việc biên soạn bản thảo đã hoàn thành, vua Tự Đức sai sửa lại và có soạn thêm một quyển Bổ biên nữa để ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881. Quyển Bổ biên vừa làm xong thì đêm hôm mồng 4, rạng mồng 5 tháng 7 năm 1885 xảy ra trận Tôn Thất Thuyết đánh úp quân Pháp ở Huế và ngày mồng 5 xảy ra trận Pháp phản công. Bản thảo Bộ biên bị thất lạc. Vì vậy mà bộ sách Đại Nam nhất thống chí cũ bị thiếu mất một phần.

Mặc dù bị thiếu một phần nhưng bộ Đại Nam nhất thống chí dưới Triều vua Tự Đức được đánh giá là bộ sách địa lý học đầy đủ nhất dưới thời phong kiến của Việt Nam. Bộ Đại Nam nhất thống chí cũ không chỉ cung cấp cho người đọc những thông tin địa lý quý báu mà còn cung cấp thông tin về lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị của các tỉnh từ Lạng Sơn cho đến Hà Tiên.

• BỘ VÁN KHẮC “ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ MỚI”

Sở dĩ có bộ mộc bản Đại Nam nhất thống chí mới là do bộ Đại Nam nhất thống chí cũ bị thất lạc nên vào năm Bính Thân (1896), vua Thành Thái đã sắc sai học quan ở các phủ tỉnh xét rộng truy tìm, để nhân sách cũ mà biên soạn lại: “Sắc sai học quan các phủ tỉnh thông sức trong hạt nếu có bản thảo Đại Nam Nhất thống chí dâng nạp (hoặc nạp nguyên bản, hoặc sao nạp, hoặc cho quan mượn sao) thì do bộ Lễ giao qua Quốc Sử quán giữ, chờ phân biệt nghĩ thưởng. Trước là trong niên hiệu Tự Đức kính soạn bộ Đại Nam Nhất thống chí đã xong bản thảo hoàn chỉnh, nhưng năm Hàm Nghi thứ nhất (1885) vì có việc bị thất tán, đến lúc ấy quan Quốc Sử quán tâu xin rộng tìm để có thể nhân sách cũ biên soạn, nên ban sắc sai tìm hỏi”. 

Các đại thần vâng mệnh tham gia biên soạn bộ sách này gồm có Tổng tài Cao Xuân Dục, Toản tu Trần Xán, Biên tu Nguyễn Thiện Hạnh, Trương Tuấn Nhiếp, Phạm Khắc Doãn, Khảo hiệu có Lê Hoàn và Trần Cán. Năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân thứ 3, bản thảo bộ sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn xong. Điều 1666, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ, phụ ghi: “Bề tôi Quốc sử quán biên soạn sách Đại Nam Nhất thống chí (tất cả 18 quyển) tiến lãm, dâng biểu xin khắc in, vua chuẩn lời tâu”. Đến năm Tân Hợi (1911), niên hiệu Duy Tân thứ 5, bộ sách Đại Nam nhất thống chí mới đã được khắc in xong. 

Bộ Đại Nam nhất thống chí mới ghi chép một cách tổng quát và đầy đủ những việc, sự tích của các tỉnh, thành thuộc xứ Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận) từ năm Thành Thái thứ 18 (1906) trở về trước. Sách gồm các mục: Phân dã (ranh giới), diên cách (quá trình hình thành và phát triển), hình thể, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu (trường học), hộ khẩu, điền phú (thuế ruộng đất), sơn tấn (đồn ải), dịch trạm, lý lộ (đường sá), bến đò, cầu cống, đê điều, chợ, nhân vật (gồm có: con có hiếu, liệt nữ, tăng thích...) và thổ sản của địa phương. 

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn lưu giữ được bộ ván khắc sách Đại Nam nhất thống chí mới. Bộ ván khắc này gồm có 426 tấm mộc bản với gần 700 mặt khắc. Trong bộ sách này, ngoài những thông tin về địa lý, còn mang nhiều thông tin về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật. Đây là nguồn tài liệu quý báu cung cấp cho người đọc hiểu hơn về các tỉnh, thành.