Tọa lạc trên ngọn đồi bên cạnh hồ Xuân Hương - “hòn ngọc bích” giữa lòng thành phố hoa thơ mộng, khách sạn Palace không những được biết đến là một khách sạn sang trọng với vẻ đẹp cổ kính mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Nơi đây 77 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phái đoàn của Chính phủ ta đã lưu lại trong thời gian tham dự Hội nghị Đà Lạt năm 1946.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phái đoàn Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu |
Hội nghị Đà Lạt là một hội nghị trù bị rất quan trọng (họp từ ngày 17/4 đến 12/5/1946) để đàm phán giữa Chính phủ ta và Pháp về việc thực hiện những điều đã đưa ra trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Đây cũng là hội nghị dự bị gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt - Pháp chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau chính thức sau đó vào năm 1946. Tại Hội nghị Đà Lạt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thành viên quan trọng của phái đoàn đại diện cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới giành được độc lập. Tại hội nghị, hai bên đã đưa ra nhiều vấn đề cần đàm phán, trong đó phía Chính phủ ta đặc biệt nhấn mạnh vấn đề thực hiện việc đình chiến ở Nam Bộ theo tinh thần của Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Đây cũng là vấn đề mà phía thực dân Pháp lúc bấy giờ đang cố tìm cách trì hoãn và phá vỡ hiệp định. Hội nghị Đà Lạt thực sự đã trở thành một cuộc đấu trí cam go trên mặt trận ngoại giao giữa ta và địch. Tại hội nghị này, một lần nữa, nhân cách và ý chí đấu tranh kiên quyết bảo vệ cho được nền độc lập dân tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại được tỏa sáng. Chúng ta như còn vẳng nghe đâu đây lời phát biểu đanh thép của Đại tướng tại phiên họp cuối cùng của hội nghị: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự… Nhân danh một dân tộc đã có hàng ngàn năm tôi luyện trong lao động và đấu tranh, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng...”(1). Trong các cuộc họp của Hội nghị Đà Lạt, phía Pháp đã đưa ra những lập luận vô lý đòi ta phải nhượng bộ. Đồng thời, họ cũng không viện được lý lẽ gì để bác bỏ các yêu cầu của Chính phủ ta nhưng vẫn không chịu ghi vào chương trình nghị sự. Trước sự đấu tranh mềm dẻo nhưng hết sức kiên quyết của Đại tướng và phái đoàn Chính phủ ta, ngay những người có mặt trong phái đoàn Pháp cũng phải thừa nhận: “các ông có những nhà biện chứng đáng gờm”(2). Sau hội nghị này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã rút ra một điều: “trong đấu tranh chính nghĩa đòi độc lập, tự do cho đất nước, ngoại giao nhất thiết phải dựa trên lực lượng của Nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam cần phải có đủ nghị lực và quyết tâm bồi bổ thực lực của mình. Dân tộc ta phải mạnh. Đất nước ta phải mạnh. Công việc ngoại giao phải bắt đầu từ đó. Lại nhớ lời Bác nói hôm nào: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”(3).
Cuộc đàm phán Đà Lạt tuy không đạt được kết quả như mong đợi nhưng trước bản lĩnh, tài đấu trí thông minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phái đoàn Chính phủ ta cũng đã làm cho đối thủ là các chính khách sừng sỏ của đối thủ phải kính nể và nao núng.
Hôm nay đây, Đại tướng thiên tài, vô vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa nhưng tinh thần yêu nước và lý luận đấu tranh sắc bén trên chính trường ngoại giao của Người mãi mãi là bài học, là niềm tự hào của chúng ta. Hình ảnh và khí phách của Đại tướng vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
(1), (2), (3) Theo tác phẩm “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Nguyễn Hữu Mai ghi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin