Cứ tới tháng 8 âm lịch hằng năm, người dân tỉnh Tuyên Quang lại nô nức mùa lễ hội lớn nhất trong năm: Lễ hội Thành Tuyên.
Thông qua các mô hình đèn lồng, những câu chuyện lịch sử được tái hiện sống động. Ảnh: QH |
Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trong 8 ngày (từ 20/9-27/9). Đây là hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang hàng năm với điểm nhấn là những chiếc đèn trung thu “khổng lồ” nối đuôi nhau diễu hành trên những con phố, biến thành phố Tuyên Quang như trở thành vườn cổ tích thu nhỏ.
Đêm thành phố Tuyên Quang những ngày này, trên các con phố chính như: Bình Thuận, 17/8, Quang Trung, Tân Trào, Phan Thiết, Chiến thắng Sông Lô... là dòng người chật kín vây quanh hàng trăm mô hình đèn trung thu độc đáo mô phỏng hình ảnh Bà Trưng - Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, Thánh Gióng, Cá Chép, Lạc Long Quân, cây đa Tân Trào, Chim Lạc, Rồng Phượng, người nông dân dắt trâu kéo cày... Đó cũng chính là nét đặc sắc nhất của Lễ hội Thành Tuyên.
Lễ hội Thành Tuyên ban đầu chỉ là một hoạt động tự phát của người dân từ trung thu năm 2004 tại thành phố Tuyên Quang, đến nay, sau gần 20 năm, việc làm các mô hình đèn trung thu khổng lồ cho trẻ em diễn diễu trên đường phố đã được lan tỏa ở khắp các xóm, thôn, tổ dân phố của thành phố đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, từ một hoạt động tự phát trong Nhân dân đã được nâng lên với quy mô cấp thành phố, rồi cấp tỉnh và ngày càng có nhiều hoạt động thú vị, mô hình con giống độc đáo, hấp dẫn. Lễ hội Thành Tuyên không chỉ trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có vào mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm của người dân Tuyên Quang mà còn trở thành Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; có “Mâm cỗ trung thu lớn nhất Việt Nam”; có “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”...
Chi phí làm mỗi chiếc đèn trung thu cỡ lớn vào khoảng 80-150 triệu đồng do người dân các tổ dân phố thuộc TP Tuyên Quang đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Các mô hình đèn to lớn cùng hệ thống ánh sáng cầu kỳ, lung linh, rực rỡ trong màn đêm. Vào buổi tối, các đoàn xe mô hình sẽ chở các cháu thiếu nhi diễu hành quanh quảng trường và các khu phố. Bà con các dân tộc tỉnh Tuyên Quang mang các trang phục truyền thống và nhảy múa theo tiếng nhạc của các xe đèn lồng trên phố.
Bà con các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với mô hình đèn lồng tham gia tại Cuộc thi mô hình Đèn lồng trung thu năm 2023 với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên”. Ảnh: QH |
Lễ hội Thành Tuyên giờ đây không còn là của người Tuyên Quang mà người dân khắp nơi trên cả nước cũng đổ về đây để hòa vào không khí lễ hội. Chị Thu Hiền - du khách đến từ Khánh Hòa, hòa mình vào dòng người trên đường phố Tuyên Quang để chụp hình các mô hình đèn lồng vừa lắc lư theo tiếng nhạc và chia sẻ rằng: “Đến với Tuyên Quang mùa này như được trở về tuổi thơ để ngắm đèn lồng và vui trung thu”. Còn chị Khánh Diễm - du khách đến từ Bình Phước thì nhấn mạnh rằng: Không phân biệt người miền Bắc hay miền Nam, không phân biệt người Kinh, Thái, Tày mà tất cả cùng nắm tay nhau nhảy múa trong ánh đèn lung linh và tiếng nhạc trên đường phố. Khách du lịch quốc tế cũng chọn Tuyên Quang làm điểm đến thời điểm này. Theo thông tin từ lãnh đạo thành phố Tuyên Quang, hiện các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đang hoạt động hết công suất ở thời điểm này để phục vụ người dân và khách du lịch về tham gia Lễ hội.
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án Đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Đặc biệt, Lễ hội năm nay chương trình Đêm hội Thành Tuyên sẽ được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Qua Lễ hội đã giới thiệu về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng: "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến"... để tiếp tục xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin