Ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên, mỗi vùng đất đều gắn liền với những địa danh riêng và được tạo nên từ nhiều phương thức khác nhau như: Tên của sông, suối, vùng đất, cây, cỏ... và thậm chí là tên của một nhân vật nổi tiếng nào đó được gắn liền với lịch sử hình thành lập đất, lập làng. Và, có lẽ tên địa danh của huyện Di Linh (Njrềng, NDjiring, Djiring) cũng không ngoại lệ.
Một góc trung tâm thị trấn Di Linh nhìn từ trên cao |
Theo một số tài liệu ít ỏi được ghi chép lại và thông qua những người am hiểu về văn hóa dân tộc bản địa K’Ho, vào những năm của thế kỷ XI - XV, Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng còn rất hoang vu, núi đồi bạt ngàn, rừng rậm bao phủ, chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa K’Ho sống thưa thớt, rải rác trên vùng đất này và mãi về sau dân tộc Kinh từ mọi miền Tổ quốc đến đây cùng nhau sinh sống. Để sinh tồn, người K’Ho đã từng bước đúc kết kinh nghiệm, xây dựng nét văn hóa ứng xử để thích ứng và thích nghi với môi trường tự nhiên, hình thành kỹ năng sống để tìm cách chống chọi, thuận hòa với thiên nhiên, với khí hậu, dịch bệnh và đặc biệt là với các loài thú dữ. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, đến nay có rất nhiều địa danh, khu vực ở huyện Di Linh được mang tên của nhân vật anh hùng hoặc tên động vật, cây cối... do chính con người coi mặt đặt tên, dần dần trở thành gần gũi, thân quen và gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng. Đơn cử: Khi nói về núi, có núi thần Gùng Ng’reh (phiên âm thành Gung Ré), Gùng Ng’ràng (thị trấn Di Linh); núi K’Iah Brăh Yàng, núi K’Jờng (Bảo Thuận); núi Srơlùng (Liên Đầm)...; hay những con vật, cây cối như: thác Bồ Bla, suối Đạ Riàm, Klong Pang La, sre Klong Bè, trồm Klìu, Kala Tô Krềng, Tô Jrơle... Đây được xem là một trong những phương thức giữ vai trò chủ đạo để đặt tên và tạo ra phần lớn địa danh rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của các dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Theo “Lạc quan trên miền Thượng” của tác giả cố Linh mục Giuse Phùng Thanh Quang: Djiring là một đơn vị hành chính, được nhà cầm quyền Pháp lập ra vào năm 1899 trên vùng cao nguyên hoàn toàn là dân Thượng. Đơn vị hành chính này nặng về sắc thái chiến lược hơn là về phương diện kinh tế và xã hội. Thời ấy, người ta khai sinh ra nó là cốt để yểm trợ chương trình phát triển Trung tâm Dưỡng sức Lâm Viên tức Đà Lạt ngày nay...
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tại sao có từ Djiring và tên Djiring nghĩa là gì? Theo lý giải, Djiring được dùng hai vần “DJ” để phiên âm “NDJ”, đây là lối viết của người Thượng Rhadé (Ra-đê, nay là dân tộc Ê Đê) Buôn Ma Thuột chứ không phải là lối phiên âm của người Thượng K’Ho (Kơ Ho) ở vùng Di Linh. Hiện nay, nhiều người cho rằng, mỗi người thường lý giải theo một chiều hướng khác nhau: Djiring đó là tên một vị chủ làng thời xưa đã có công thành lập ra Bòn NDjrềng (Djiring) ngày nay. Nhưng cũng có người giải thích tên Djiring có dụng ý để ám chỉ sáp ong dùng để làm nến (người K’Ho gọi là Jrềng), vì xưa kia nơi đây là một vùng rừng rậm hoang vu và đàn ong rừng sinh sống rất nhiều. Những dân phu Thượng bị bắt làm phu vận chuyển vật liệu xây cất cơ sở hành chính đầu tiên ở đây, hoặc làm đường cho sở lục lộ, đã ở lại lập làng, họ sinh sống lúc đầu bằng nghề lấy mật ong rừng, nên người ta gọi họ là dân Njrềng (cau Njrềng).
Theo ông K’Broh ở tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh, cho rằng: Tuy mỗi người có những cách giải thích riêng, nhưng phần lớn nhiều người trí thức K’Ho đều nghiêng về cách giải thích địa danh Di Linh ngày nay là tên của một loại cây sồi mọc phổ biến nhất và đầy khắp ở vùng Di Linh, mà người bản địa K’Ho gọi là cây “Jrềng” (tờm Jrềng). Khóm cây Jrềng có thân nhỏ không mọc thẳng đứng, độ cao chỉ khoảng 10 m đổ lại, có đặc điểm đó là một loại cây rắn chắc và dẻo dai dễ uốn, nên người Thượng ở vùng Di Linh thường dùng nó vào những công việc khác nhau như: Làm răng nĩa để gom rơm rạ (jơng ngràs, k’né), hoặc chẻ mỏng nhỏ ra phơi khô rồi ngâm dưới nước cho dễ uốn để đan phần niềng chân gùi, đế gùi (pơnjơng sớ, lơh kơnòar) để cho chiếc gùi được giữ thăng bằng, đứng thẳng mỗi khi đặt nó xuống đất hay trên sàn nhà...
Tên địa danh Djrềng, Djiring mà xưa kia người bản địa thường gọi là bòn Njrềng (Buôn Djiring) đã tồn tại nhiều thế kỷ. Đến năm 1958, địa danh Djiring được Chính phủ Ngô Đình Diệm (thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa) cho đổi thành Di Linh cùng chung với các địa danh Bơ Lào hay B’lao (Bảo Lộc), Dran (Đơn Dương), Liang Khàng - Liên Khang (Liên Khương) cho đến ngày nay.
Cao nguyên Di Linh có vị trí địa lý nằm về phía Tây Nam dãy Trường Sơn, với địa hình nhiều đồi núi cao trùng điệp, nhấp nhô, bị chia cắt thành nhiều thung lũng sâu và nhiều dốc đứng. Trước kia, vùng cao nguyên này có địa giới chiếm từ chân đèo Bảo Lộc đến sông Đa Nhim gần thác Gougah (Đức Trọng). Di Linh có cao độ 1.000 m so với mực nước biển..., trải qua hàng trăm năm lịch sử, hiện nay, Di Linh có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, những thay đổi về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin