Phát huy nguồn lực tôn giáo và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch (Kỳ cuối)

TS TẠ THỊ LÊ và ThS LÊ THỊ HIẾU (Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực II) 06:47, 30/11/2023

Kỳ cuối: Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo

Cuộc đấu tranh chống lợi dụng vấn đề tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua cũng như hiện nay đang đặt ra thật sự cấp bách, cuộc đấu tranh này không chỉ quan hệ đến sự tồn vong của chế độ chính trị và nhà nước xã hội chủ nghĩa mà còn tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị, đến sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và cả đến những hoạt động tôn giáo thuần túy của tuyệt đại đa số tín đồ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ở nước ta hiện nay. 

Lãnh đạo huyện Di Linh thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng tại cơ sở Đạo Trung Liên Châu xã Liên Đầm. Ảnh: D.Q
Lãnh đạo huyện Di Linh thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng tại cơ sở Đạo Trung Liên Châu xã Liên Đầm. Ảnh: D.Q

Trước tình hình đó, để xử lý đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn và thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, phát huy nguồn lực con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên việc nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phê phán các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tôn giáo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải hiểu đúng, làm đúng quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nắm vững nguyên tắc cốt lõi và nhất quán trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người dân, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Hiểu đúng, làm đúng để các thế lực thù địch không có cơ hội tìm kiếm, khai thác, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của một số ít cá nhân cán bộ, đảng viên trong giải quyết các vấn đề tôn giáo ở cơ sở để cáo buộc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; lấy cái thiếu sót của cá thể nhỏ bé để đại diện cho cái tổng thể to lớn rồi tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; xuyên tạc ta đang bóp nghẹt tôn giáo, hạn chế hoạt động tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ của Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của Nhân dân. Trong Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người yêu cầu: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào”. Trong Chính cương của Mặt trận Liên Việt, tại Điều 7, điểm 1 cũng ghi rõ: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng cho mọi người”.

Các ngành, các cấp cần quan tâm chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố có chế độ chính sách thu hút đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai là, phát huy vai trò các phương tiện truyền thông trong việc nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về tôn giáo.

Đối với kẻ lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào chống lại Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Chính phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn". Hiện nay, các thế lực thù địch đã sử dụng các công cụ truyền thông để bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống tình hình tôn giáo và quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Chính vì vậy, để chống lại những hoạt động lợi dụng này, cần tăng cường thông tin chính thống trên các phương tiện truyền thông để quần chúng Nhân dân, nhất là chức sắc, tín đồ các tôn giáo nắm và hiểu rõ quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, Điều 70, Hiến pháp năm 1992 và nhất là Điều 24 Hiến pháp năm 2013 về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" đã nêu rõ: "1- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3- Không ai được xâm phạm tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Kết hợp giữa báo chí chính thống, thông tin internet và mạng xã hội để tuyên truyền sâu rộng trong dân chúng. Khi các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội để lan truyền hình ảnh, bài viết, tài liệu sai sự thật, gây dư luận tiêu cực về vấn đề tôn giáo ở nước ta thì chúng ta cũng cần sử dụng thông tin chính thống do các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội phát ngôn, cung cấp. Việc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái thù địch về tôn giáo cần phải thực hiện liên tục, thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời, không được lơ là vì thông tin sai lệch về vấn đề tôn giáo ở nước ta bị các thế lực thù địch công kích liên tục với tốc độ tán phát tài liệu xuyên tạc nhanh chóng. 

Các bài viết chính thống về vấn đề tôn giáo ở nước ta được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông để người dân, đặc biệt là tín đồ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo hiểu rõ quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; thấy rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân không chỉ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật mà còn được tôn trọng, bảo đảm trong thực tế. Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước đều nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng được hưởng thành quả chung ấy. 

Ba là, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân trên lĩnh vực tôn giáo.

Trong tổng thể hoạt động đối ngoại của nước ta, ngoại giao nhân dân là một mặt trận ngoại giao rộng rãi nhất, không chỉ đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn đối với nhân dân thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các tôn giáo ở Việt Nam có hoạt động quan hệ quốc tế vô cùng sôi động và đa dạng. Đây chính là thực tiễn sinh động để người Việt định cư ở nước ngoài và cộng đồng thế giới hiểu đúng tình hình tôn giáo, chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân trên lĩnh vực tôn giáo để chủ động đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ.

Tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích dân tộc. Đồng bào các tôn giáo mãi mãi là bộ phận khăng khít của khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc tình hình tôn giáo, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo để phá vỡ sức mạnh của khối đại đoàn kết này. Chính vì thế mà chúng ta không được mắc mưu kẻ địch; phải nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch về vấn đề tôn giáo ở nước ta. Tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn luôn được tôn trọng và bảo đảm. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động và phát triển. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo khẳng định nhất quán, trước sau như một là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Nhân dân, chăm lo đời sống vật chất tinh, thần cho đồng bào tôn giáo và kiên quyết chống mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thấy được vai trò của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”.