Phát huy di sản văn hóa Phật giáo để phát triển du lịch tâm linh (Kỳ 2)

TS TẠ THỊ LÊ (Học viện Chính trị khu vực II)  04:44, 30/05/2024

Kỳ 2: Ðề xuất những giải pháp

Dù đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, song thực tế hiện nay, lượng du khách du lịch tâm linh Phật giáo ở Lâm Đồng chỉ mới tập trung trong một số thời điểm nhất định trong năm như dịp lễ hội, lễ, tết mà chưa có sự cân bằng giữa các tháng trong năm. Do đó sẽ diễn ra tình trạng quá tải vào mùa cao điểm, gây tác động xấu đến môi trường cũng như làm bào mòn di tích, danh lam thắng cảnh. Còn mùa thấp điểm lại gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu từ khách du lịch.

Vào mùa cao điểm, du khách đến các cơ sở du lịch tâm linh Phật giáo rất đông.
Ảnh: Thành Nam
Vào mùa cao điểm, du khách đến các cơ sở du lịch tâm linh Phật giáo rất đông. Ảnh: Thành Nam

Một trong những nguyên nhân gây nên tính mùa vụ rõ rệt trong khai thác du lịch tâm linh Phật giáo Lâm Đồng chính là do các cơ sở tôn giáo chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch. Bên cạnh một số đoàn tham quan các cơ sở tôn giáo này nằm trong chương trình du lịch được thiết kế bởi các công ty lữ hành thì một phần lớn du khách, đặc biệt là khách lẻ đến đây một cách tự phát.

Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm tôn giáo còn nghèo nàn, các hoạt động sự kiện cũng còn nhỏ lẻ, ít ỏi về số lượng. Mặc dù Lâm Đồng có nhiều điểm tham quan hấp dẫn tại các cơ sở Phật giáo, nhưng các điểm đến ấy chưa thật sự phong phú và còn gây ra sự nhàm chán cho du khách. Với cảnh sắc non nước hữu tình được thiên nhiên ưu đãi mà không phải địa phương nào cũng có được, Lâm Đồng hoàn toàn có thể xây dựng được thêm nhiều điểm du lịch tâm linh Phật giáo thu hút du khách. Bên cạnh đó, gần đây, những biểu hiện chưa đẹp ở một số cơ sở thờ tự Phật giáo Lâm Đồng vẫn còn tồn tại khiến cho hình ảnh du lịch tâm linh Phật giáo bị ảnh hưởng. Đó là hiện tượng du khách ăn mặc hở hang khi vào chùa, tình trạng chèo kéo du khách mua các ấn phẩm Phật giáo cũng như hàng lưu niệm ở các điểm đến Phật giáo... vẫn còn diễn ra.

Ngoài ra, có một vấn đề cần được tỉnh quan tâm hơn nữa hiện nay đó chính là vấn đề phát triển du lịch đồng thời nâng cao mức sống của cộng đồng cư dân địa phương dựa trên nguồn lực du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung của phát triển du lịch bền vững nói chung. Lâm Đồng muốn phát triển du lịch tâm linh Phật giáo hiệu quả, cũng rất cần bàn đến nội dung này. Hiện nay du lịch tâm linh Phật giáo ở địa phương đã được khai thác mạnh và mang lại những hiệu quả kinh tế mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được, nhưng trên thực tế việc khai thác, phát triển ấy còn chưa thực sự gắn kết với cuộc sống của người dân địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Lâm Đồng chưa thực sự được nâng cao từ thế mạnh của du lịch tâm linh Phật giáo…

Giải pháp phát huy giá trị các cơ sở thờ tự của Phật giáo trong phát triển du lịch tâm linh

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý

Ban quản lý các cơ sở thờ tự của Phật giáo cần nắm vững các thông tư, quy định, văn bản chính sách, pháp lệnh… của Nhà nước và của địa phương về việc tổ chức quản lý di tích văn hóa tâm linh. Thường xuyên kiểm tra rà soát các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại điểm di tích nhằm giảm thiểu tối đa các hoạt động kinh doanh hàng hóa phi pháp và hoạt động giải trí thiếu lành mạnh. Cần xây dựng hệ thống các quy định, nội quy tại cơ sở thờ tự của Phật giáo. Đồng thời, chuẩn hóa cách ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch tâm linh tại các cơ sở thờ tự. Khi tham gia các hoạt động du lịch này du khách, nhà cung ứng, người dân địa phương và đặc biệt là hướng dẫn viên cần có cách ứng xử phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Lâm Đồng cần có một cơ chế quản lý hoạt động du lịch tại điểm đến khoa học và bài bản. Họ cần nắm rõ các hoạt động tâm linh của cơ sở thực hành Phật giáo trên địa bàn và có sự phối hợp làm việc với những người quản lý điều hành tại các cơ sở đó và các nhà cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú để có thể có sự hỗ trợ trong hoạt động phát triển. Tiếp theo, cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, rà soát và ngăn chặn các hoạt động biến tướng, mạo danh tôn giáo - tín ngưỡng, tuyên truyền mê tín, dị đoan nhằm trục lợi và làm xấu hình ảnh điểm đến và các khung xử lý thích đáng với các đối tượng, tổ chức vi phạm. 

Vào những mùa cao điểm du lịch và lễ hội, các nhà quản lý địa phương cần có phương án tổ chức hợp lý để các hoạt động du lịch phù hợp với truyền thống và điều hòa dòng khách du lịch lớn từ các nơi khác tới để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho các du khách và các hoạt động tổ chức du lịch. Các hoạt động kinh doanh trái phép và tệ nạn du lịch (ăn xin, móc túi, trộm cắp) cần được siết chặt để đảm bảo một môi trường du lịch an toàn và trong sạch. Ngoài ra, quá trình tổ chức hoạt động du lịch cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp, những nghi thức hay phong tục, tập quán cổ hủ tại một số lễ hội hay bắt nguồn từ thói quen mê tín lạc hậu của người dân, cần được loại bỏ hoặc thiết kế lại để tránh phản cảm hay gây ra lãng phí không cần thiết và hướng đến việc phát triển du lịch tâm linh bền vững và lành mạnh.

Thứ hai, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Phật giáo

Ngành Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với ban trị sự tôn giáo để có sự thống nhất, đồng lòng trong việc xem các cơ sở thờ tự của Phật giáo là một nguồn tài nguyên du lịch có giá trị. Từ đó mới có thể phát huy tốt nhất những tiềm năng Phật giáo trên địa bàn tỉnh trong các biện pháp khai thác cụ thể. Lâm Đồng là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp. Bên cạnh các ngôi chùa cổ và các ngôi chùa được xây dựng, trùng tu gần đây đã trở thành những điểm du lịch thu hút du khách thì Lâm Đồng có thể xây dựng thêm một số ngôi chùa tại các thắng cảnh khác để tạo thêm những điểm du lịch mới. Để có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần phải tạo ra những nét độc đáo trong việc thiết kế cảnh quan cũng như kiến trúc của các ngôi chùa, hoặc tạo ra những kỉ lục nào đó để thu hút du khách. Tuy nhiên, thiết kế đó phải đảm bảo tính văn hóa và không đi lệch với những chủ trương, chính sách trong phát triển du lịch bền vững. Có như vậy, Lâm Đồng mới có thể vừa tạo ra những hiệu quả kinh tế nhất định, vừa trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh Phật giáo nổi tiếng không thể bỏ qua của du khách.

Cần chú trọng bảo vệ các cảnh quan tự nhiên và tu bổ các công trình văn hóa tại khu du lịch, đồng thời thông qua đó quảng bá về khu du lịch. Cảnh quan tự nhiên và công trình văn hóa có quan hệ liên kết quan trọng với các hoạt động tâm linh và tín ngưỡng. Đối với các cơ sở thờ tự của Phật giáo, các nhà quản lý cần chú trọng tới việc đầu tư để bảo quản và tu bổ phù hợp, nhằm duy trì và tránh tác động của khí hậu, thời gian và tác động con người

Thứ ba, xây dựng, quảng bá các chuyên tour du lịch đến chùa

Để có thể tổ chức thành công một tour du lịch hành hương, cần xem xét các yếu tố như: nên chọn chùa có lịch sử phát triển lâu đời và thăng trầm cùng lịch sử Lâm Đồng cũng như lịch sử Phật giáo nơi đây. Các công ty du lịch nên có kế hoạch kết hợp với nhà chùa để đưa du khách tham dự tour du lịch hành hương này. Công ty sẽ lo về khâu tổ chức cơ sở vật chất cho chuyến đi, còn các nhà sư trong chùa sẽ đóng vai trò thuyết minh và hướng đạo cho du khách trong suốt thời gian tham gia các hoạt động ở chùa.

Bên cạnh đó, xây dựng một chuỗi các hoạt động cho du khách để du khách có được những trải nghiệm tốt nhất của một chuyến hành hương như tham quan vãn cảnh, thưởng thức ẩm thực chay, nghe thuyết pháp, cùng nhau ngồi thiền và nếu có thể sẽ được hòa mình trong không khí lễ hội và được tìm hiểu trực tiếp về các thời khóa lễ nghi và nghệ thuật âm nhạc Phật giáo… 

Thứ tư, tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch tâm linh tại cơ sở thờ tự của Phật giáo

Lâm Đồng cần tổ chức hoặc tham gia các buổi hội thảo, các sự kiện văn hóa, tuần lễ du lịch, các lễ hội mang tính quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cần được tiến hành không chỉ để tiếp cận nhiều hơn tới du khách, quảng bá về hình ảnh điểm đến với các hoạt động du lịch hấp dẫn kết hợp thực hành tôn giáo, tâm linh và ngắm cảnh mà còn với mục đích trải nghiệm và giáo dục. Hoạt động này cần có nội dung hướng đến nâng cao nhận thức và ý thức du khách, không vô tình và cố ý làm tổn hại cảnh quan tự nhiên và công trình văn hóa, kêu gọi sự chú ý đầu tư từ bên ngoài cho các hoạt động duy trì, tu bổ và phát triển hiệu quả tại các khu du lịch.

Cần sưu tập, biên soạn và in ấn các ấn phẩm, tài liệu, sổ tay du lịch, các đoạn phim tư liệu giới thiệu về các khu, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng. Đưa các đoạn phim tư liệu đó lên các kênh truyền hình trong nước và kiều bào ở nước ngoài… Viết các bài giới thiệu điểm đến du lịch tâm linh của khu vực trên các tờ báo có uy tín. Các ấn phẩm, tài liệu sổ tay du lịch nên để ở chế độ song ngữ để cung cấp thông tin cho cả du khách nước ngoài. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các đại lý, công ty du lịch trong cả nước để thông qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch tâm linh Phật giáo của Lâm Đồng.

Tổng cục Du lịch và các địa phương cần phối hợp với các công ty lữ hành trang bị kiến thức cho các hướng dẫn viên về du lịch tâm linh, cần cung cấp, trang bị thông tin đa dạng về điểm du lịch, điểm đến hấp dẫn tại mỗi địa phương để hướng dẫn viên và du khách hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng, miền. Tại mỗi khu du lịch, khu di tích cần có những biển chỉ dẫn, biển báo cụ thể bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh... Bên cạnh đó, tận dụng tối đa việc quảng bá hình ảnh trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn mạng trong và ngoài nước, vì hiện tại đây là nơi hàng ngày có hàng triệu lượt truy cập của mọi đối tượng khách hàng đủ các lứa tuổi. Một hình thức quảng bá sản phẩm tốn ít chi phí đầu tư nhưng mang lại hiệu quả cao.