Cuộc trở về thấm đẫm nghĩa tình

QUỲNH UYỂN 01:01, 27/06/2024

Ngồi bên cạnh bức tượng manơcanh tái hiện một thiếu niên anh dũng ngã khụy xuống vì mổ bụng chống chế độ cai ngục hà khắc tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, ông Thái Bá Cho (70 tuổi) - nguyên mẫu của bức tượng bồi hồi nhớ lại những năm tháng cách đây hơn 50 năm, cũng tại nơi này, ký ức hiện về như thước phim quay chậm.

Ông Thái Bá Cho - một trong 4 cựu tù thiếu nhi mổ bụng chống sự cai trị hà khắc làm cho kẻ thù khiếp sợ bên hình mẫu của mình
Ông Thái Bá Cho - một trong 4 cựu tù thiếu nhi mổ bụng chống sự cai trị hà khắc làm cho kẻ thù khiếp sợ bên hình mẫu của mình

Ông Cho kể: Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng ấy, ông là người thứ 4 mổ bụng, 3 anh em trước lần lượt mổ bụng cũng không làm chúng lung lay, xuống nước; đến lượt ông, phải làm như thật khiến chúng khiếp sợ mà phải nhượng bộ. Lúc ấy, cả khoảng sân này loang đỏ máu, tự mổ bụng mình, nhìn từng đoạn ruột lòi ra, ông hoang mang khi cảm giác cận kề cái chết... Ông ngậm ngùi: “Đã là con người, ai cũng sợ chết, khi chưa trưởng thành thì càng sợ chết, nhưng vào tình thế sống mà không bằng chết thì thà chết”.

Cô Dương Thị Thắng lần tìm góc phòng giam giữ mình ngày xưa, nơi mình nằm cùng bạn tù; bắt gặp ở góc tường bức tượng một bé gái bên đang thêu, lấy nguyên mẫu của cô, nước mắt trào ra. Hơn 2 năm bị giam giữ ở đây, lúc đó đang độ tuổi 15-17, cô lấy việc đan len, thêu khăn, thêu gối tặng bạn tù, tặng người thân làm niềm vui qua ngày. Trong phòng biệt giam, một cựu tù tuổi đã 70 rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc bị hất cả chậu nước lạnh vào người giữa giá lạnh Đà Lạt; cái lạnh ấy theo bà đến tận bây giờ.

Những ngày cuối tháng 6, khoảng sân Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt rộn ràng, ríu rít, những mái đầu bạc, những bước chân dò dẫm lần tìm về không gian xưa. Một cuộc gặp mặt trong niềm vui, xúc động, tự hào, có cả những giọt nước mắt. Từ 10 tỉnh, thành trên cả nước, các cựu tù thiếu nhi yêu nước đã vượt quãng đường xa xôi trở về chốn cũ, mong được gặp lại đồng đội, thăm lại nơi từng bị giam cầm, ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ bất khuất. Hơn 250 cựu tù cách đây 50 năm còn là những thiếu nhi tuổi chưa qua 18, nay là những mái đầu bạc rưng rưng, nhìn lại những gương mặt đồng đội. Họ nắm tay nhau đi tìm nơi chốn mình nằm ngủ, tìm nơi mình từng bị giam cầm, lần tìm vết chân mình trên những hành lang, trong xà lim, chuồng cọp...

Thăm lại chuồng cọp
Thăm lại chuồng cọp

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã hậu thuẫn chính quyền Việt Nam cộng hòa thiết lập bộ máy thống trị và đàn áp phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam, đặc biệt, năm 1971, địch lập ra Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt. Nơi đây thực chất là một nhà tù có một không hai trên thế giới, đã giam giữ các thiếu nhi yêu nước với số lượng lên đến hơn 600 người. Hơn 2 năm tồn tại, địch dùng mọi âm mưu thủ đoạn, mọi mánh khóe từ dụ dỗ mua chuộc tra tấn đọa đày với tù thiếu nhi chúng áp dụng như với tù yêu nước tuổi đã trưởng thành đã hiểu thấu đáo về con đường cách mạng mà họ đã lựa chọn. Một tập thể tù chưa đủ tuổi trưởng thành từ Côn Đảo, Chí Hòa, từ các nhóm miền Trung được địch tập trung về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, không quen nhau, tiếng nói cũng khác nhau, phong tục tập quán không giống nhau, nhưng các cô, chú đã dễ dàng hòa hợp bàn bạc thống nhất với nhau về mục tiêu đấu tranh và quyết chí thực hiện cho đến khi mục tiêu đó đạt được, dù có phải thương tật, dù có phải hy sinh, mọi người bảo vệ nhau, đỡ đòn cho nhau, thương yêu đùm bọc nhau, nghĩa tình trọn vẹn.

Tuy là thiếu nhi, nhưng cô, chú đã biết tổ chức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh dân chủ đến chống nội quy hà khắc, chống đàn áp, chống chào cờ, chống ly khai cộng sản, đấu tranh đòi được trao trả theo Hiệp định Paris, chống chủ trương lăn tay, chụp hình nhằm làm sai lệch hồ sơ để đánh tráo tù chính trị với tù thường phạm.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh - Trưởng Ban liên lạc cựu tù yêu nước Nhà lao thiếu nhi cho biết: Không chấp nhận chờ chết trong đọa đày, không chờ địch trả tự do mà các đồng chí đã chủ động tìm cách thoát thân trở về với tổ chức, trở về với cách mạng để tiếp tục chiến đấu. Trong 2 năm bị giam cầm tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, tập thể tù chính trị thiếu nhi đã tổ chức được 7 cuộc vượt ngục, cá nhân có, nhóm lẻ từ 2-3 người có. Và cuộc vượt ngục lớn nhất là cuộc vượt ngục của tập thể 13 người, cả 13 người đều thoát và tiếp tục tham gia hoạt động trong các đơn vị cách mạng ở tỉnh Lâm Đồng, trong đó 2 đồng chí đã hy sinh cho quê hương Lâm Đồng. Đấu tranh tiếp nối đấu tranh, cuối cùng địch buộc phải trả tự do, chính thức xóa sổ Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào tháng 6/1973. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về tập thể thiếu nhi nhỏ tuổi anh hùng.

Từ ngày ra tù đến nay đã có 119 người từ trần với nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là ốm đau, bệnh tật; nhiều cựu tù thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, nhà cửa hư hỏng dột nát, Quỹ “Sáng mãi tình đồng đội” đã ra đời nhằm sẻ chia đùm bọc gìn giữ trọn vẹn nghĩa tình.

Cuộc trở về gặp mặt lần này nhân dịp 15 năm tập thể cựu tù thiếu nhi yêu nước đón nhận danh hiệu tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia người còn, người mất. Nhiều cựu tù đã yếu, con cháu phải đi cùng, dìu đi, nhưng họ dự cảm có lẽ đây là lần cuối được trở về chốn xưa, gặp mặt đông đủ nên cố lần từng bước để được sống giữa vòng tay nghĩa tình mà có đồng đội đến hơn nửa thế kỷ chưa gặp nhau.

Chiến tranh đã lùi xa, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước đã thành hiện thực, ký ức đáng nhớ của thời tuổi trẻ luôn khắc ghi. Các cô, chú đã để lại cho Đà Lạt một di tích lịch sử tự hào. Nhà lao đã được trùng tu, tái hiện sống động, trung thực như một bảo tàng, để hôm nay trở về, những cựu tù thiếu nhi năm xưa như gặp lại chính mình trong đó.

Từ khi hoạt động đến nay, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã thu hút được 148.182 lượt người tham quan. Đã có 223 đoàn thanh niên trong cả nước về đây tổ chức kết nạp Đoàn; 133 tổ chức Đảng tổ chức lễ kết nạp Đảng; nhiều trường học tổ chức kết nạp Đội hàng năm. Tiếp bước các thế hệ cha anh, có thể khẳng định Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã trở thành một "địa chỉ đỏ", nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ cả nước.

Bảo tàng Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã tạo nên một cuộc gặp mặt ý nghĩa như một sự tri ân của Lâm Đồng, Đà Lạt đối với cựu tù thiếu nhi từng bị giam cầm tại đây, tạo mọi điều kiện ăn ở, đi lại, đón tiếp, hỗ trợ tận tình chu đáo để những cựu tù nay đã già có thể tề tựu đông đủ để gặp mặt, hàn huyên những câu chuyện của một thời không thể quên.