Trong cuốn sách “Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội” mà tôi từng đọc, một trong những câu chuyện về Bác, tôi đặc biệt chú ý đến Nhà 67, nơi Bác ở và điều trị bệnh vào những ngày cuối cùng trước khi Bác mất.
Nhà 67, nơi ở và làm việc của Bác những ngày tháng cuối đời. Ảnh: Vietnamnet |
Khi hay tin phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ Hội nghị Paris về đến Hà Nội, ngày 12/8/1969, Bác đến thăm đoàn ở Khu biệt thự Hồ Tây. Trên đường trở về, Người bị cảm lạnh. Ngày 17/8/1969, sau khi kiểm tra sức khỏe cho Bác, các bác sỹ đề nghị Bác không ở Nhà sàn nữa mà chuyển hẳn xuống ở ngôi Nhà 67.
Nhà 67 nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, cách Nhà sàn nơi Bác ở và làm việc 30 m, được khởi công xây dựng ngày 01/5/1967, khánh thành ngày 20/7/1967. Tường nhà dày hơn 60 cm, trần nhà dày 1 m, đều được làm bằng bê tông, cốt thép. Ngôi nhà này được xây dựng theo chỉ thị của Bộ Chính trị để làm nơi ở và làm việc cho Bác, là nơi Bác họp với Bộ Chính trị, làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (1967 - 1969) và cũng là nơi Hồ Chủ tịch chữa bệnh và qua đời, nên thường được gọi là Nhà 67 hoặc DK2. Tại đây, buổi chiều ngày 18/8/1969, dù sức khỏe của Bác rất yếu, nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc, Bác cho mời đồng chí Nguyễn Duy Trinh đến để bàn bạc, trao đổi việc trả lời thư ngỏ của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Trong thư trả lời, Người vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và khẳng định quyết tâm của Nhân dân Việt Nam: “Quyết chiến đấu đến cùng không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng”. Người chỉ ra con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền lợi dân tộc, lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của Nhân dân thế giới.
Năm ngày sau, sức khỏe của Bác thêm phần yếu đi, nhưng Bác vẫn thường xuyên theo dõi tình hình trong nước và thế giới, quan tâm đến những sự kiện lớn không những trong nước mà cả ngoài nước, với sự kiện Hội nghị Thanh niên - sinh viên thế giới họp tại Helsinki (Phần Lan), Bác đã gửi điện chào mừng, Người cảm ơn sự ủng hộ, cổ vũ của thanh niên thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước: “vì thắng lợi cuối cùng của Nhân dân Việt Nam!”. Chúng ta vô cùng xúc động khi mà sức khỏe của Bác ngày một yếu đi, nhưng Người vẫn quan tâm đặc biệt đến tình hình đất nước qua các báo cáo của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Chuyện kể là, chiều 25/8/1969, khi đồng chí Tố Hữu vào thăm, Người khen ngợi việc sáng kiến chuyển Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp thành diễn ca, đây là hình thức tuyên truyền tốt trong quần chúng. Trong những ngày mệt nặng, Bác vẫn không quên gửi tặng Huy hiệu của Người cho những tấm gương người tốt, việt tốt. Khi Bác mất, trên bàn, bên cạnh sách “Người tốt, việc tốt”, bản tin hàng ngày là những chồng báo Bác đang đọc dở, nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người như bài báo nói về: “Bước phát triển đi lên của ngành than ở vùng mỏ Quảng Ninh”, bài “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở Chi bộ Phú Thành - Nghệ An đăng trên Báo Nhân dân, tờ báo và bản tin cuối cùng Người xem đều được phát hành vào ngày 24/8/1969. Và, trong những ngày này, Bác còn ký lệnh ân xá, giảm án cho những phạm nhân cải tạo tốt.
Sức khỏe của Bác ngày một xấu và phức tạp, nhịp tim rối loạn thất thường, nhưng khi tỉnh lại giữa hai cơn đau Người vẫn hỏi các đồng chí trong Bộ Chính trị về chiến sự ở miền Nam, về tình hình lũ lụt ở miền Bắc, Bác nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Biết tin Trung ương muốn mời Bác lên khu vực Ba Vì, Sơn Tây để tránh lũ, Bác nói: “Bác đi thì được mình Bác, còn dân thì sao”, Bác quyết định ở lại Thủ đô. Việc ở lại Hà Nội của Bác là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Nhân dân Thủ đô quyết tâm chống lũ thắng lợi năm đó. Thương Bác, Người chỉ lo cho dân cho nước mà quên mình dù cho khi đó sức khỏe của Bác đã quá yếu: "Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/ Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu/ Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau...". Và, với miền Nam, Bác luôn đặc biệt quan tâm, theo dõi từng trận đánh của quân dân ta trong đó, mong ngày thống nhất đất nước để Bác vào thăm: "Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha/ Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa". Nhà thơ Tố Hữu đã nói thay lời chúng ta về Bác là như vậy!
Ngày 30/8, trong một lần tỉnh lại, Bác hỏi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh. Người không quên nhắc nhở các đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi lẵng hoa tới các đơn vị bộ đội bắn rơi máy bay Mỹ, các đơn vị công an nhân dịp ngày Quốc khánh. Bác dặn nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần Nhân dân, và nếu được thì bố trí cho Bác ra (dự lễ mitinh kỷ niệm Quốc khánh) với đồng bào dăm mười phút, đúng là, chỉ Bác Hồ của chúng ta mới: "Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa" (Tố Hữu). Nhưng vì tuổi cao, sức yếu Người không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo, Người đã vĩnh biệt chúng ta để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế.
Chiếc đồng hồ đặt trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại ở thời khắc Người ra đi lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Bác đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ngôi Nhà 67 cùng với hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của Người: Chiếc quạt lá cọ, chiếc gậy song quen thuộc, đôi dép cao su theo Người đi khắp nẻo đường đất nước dường như vẫn còn hơi ấm của Người, nó đã phản ánh những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ và tình yêu Nhân dân, đất nước của Người. "Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay... Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn". (Tố Hữu).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin