Trang phục cũng là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người, văn hóa vùng, miền, văn hóa của đất nước... Có thể nói, “văn hóa mặc” của người Đà Lạt cũng có nhiều nét đặc biệt góp phần tạo nên phong cách riêng cho người Đà Lạt.
Trang phục của người dân ấp Hà Đông những năm 40 - thế kỷ XX. Ảnh tư liệu |
Trang phục của người Đà Lạt chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những biến động lịch sử trong quá trình hình thành, phát triển với sự giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền và văn hóa phương Đông và phương Tây.
Có thể nói, trang phục của người Đà Lạt chịu ảnh hưởng khá nhiều từ điều kiện tự nhiên. Nằm trên cao nguyên Lang Biang với độ cao 1.500 m so với mực nước biển, vì thế, khí hậu Đà Lạt quanh năm mát mẻ, ôn hòa. Với thời tiết se lạnh nên dù có nắng hay mưa thì người Đà Lạt khi ra khỏi nhà đều chuẩn bị thêm cho mình chiếc áo khoác, áo len giữ ấm cho cơ thể. Trong quá trình tìm kiếm những y phục kín đáo theo nhu cầu, họ vẫn không quên kết hợp thêm những yếu tố mới phù hợp theo thị hiếu của mỗi thời để tô điểm cho trang phục của mình, điều này lý giải phần nào vì sao trang phục của người Đà Lạt kín đáo và trang nhã.
* * *
Một yếu tố khác ảnh hưởng không kém tới trang phục của người Đà Lạt, đó chính là quá trình hình thành phát triển của TP Đà Lạt với những biến cố lịch sử qua các thời kỳ. Đà Lạt từ khi được bác sĩ Yersin phát hiện và được chọn làm trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương, là nơi ngoài dân tộc bản địa chưa có người Kinh đến sinh sống. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, người Pháp đổ xô về Đà Lạt sinh sống khi không thể về cố quốc. Đà Lạt là một vùng đất mới đang cần mở mang, đặc biệt là nhu cầu lao động khi phát triển thành thị tứ, nên người Việt từ mọi miền Bắc, Trung, Nam cũng đổ về đây lập nghiệp, họ chủ yếu là những người lao động, phu phen, tạp dịch, sau đó là di dân do chính quyền sở tại đưa về định cư để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng đô thị. Đặc biệt, đến thời kỳ Hoàng triều cương thổ, ngoài người lao động các vùng, miền, quan chức, viên chức Pháp còn có các giới trung lưu trong hoàng tộc, quan lại Triều Nguyễn.
Đà Lạt trở thành nơi hội tụ cư dân các vùng, miền của người Việt lẫn người Pháp.Nơi đây đã hình thành hai tầng lớp cư dân chính đó là: Nhân dân lao động và tầng lớp quý tộc trung lưu của người Pháp lẫn người Việt. Trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa văn hóa ảnh hưởng lẫn nhau của các vùng, miền và đặc biệt là văn hóa phương Đông và phương Tây. Đà Lạt lại là một trung tâm nghỉ dưỡng nên những người lui tới thường là những khách giàu có nên trang phục khá lịch lãm sang trọng. Tất cả những yếu tố trên đã ảnh hưởng tới phong cách, trang phục của người Đà Lạt...
Đến Đà Lạt vào những năm 40 - 50 của thế kỷ XX, người ta sẽ bắt gặp những người làm vườn với áo cánh, áo bà ba, quần đen, thêm ngoài là chiếc áo len hoặc áo bông. Trong gia đình hoặc ra phố thì các cụ già vẫn trịnh trọng với áo the, khăn đóng. Trẻ em và một số người thuộc tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng của trang phục châu Âu nên nữ giới vẫn mặc áo dài nhưng nam lại mặc comle, đeo cà vạt, trẻ em trai cũng sơ mi, quần sooc, bé gái được diện những bộ váy ngắn theo kiểu Âu châu.
Từ những thập niên 40, 50, 60, chiếc áo dài đã trở nên phổ biến với phụ nữ Đà Lạt, từ chị bán hàng rong, bán hoa đến bà hàng xén ngoài chợ đều mặc áo dài với màu sắc giản dị, khoác thêm cái áo len mỏng nhẹ nhàng kín đáo với gánh hàng trên vai. Những người thuộc tầng lớp quý tộc trung lưu thì mặc những chiếc áo dài đắt tiền bằng gấm, hoăc nhung, lụa. Đàn ông trẻ thì mặc vét, áo sơ mi, giày da, mũ phớt. Còn các cụ phụ lão thì vẫn mặc áo dài, khăn đóng truyền thống trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi. Ngoài đường, những người đánh xe ngựa, những người đàn ông bán kẹo kéo, bán tầu hũ cũng khá lịch lãm, trong bộ bà ba trắng hoặc xám.
Thời gian này ở Đà Lạt cùng đã có nhiều trường học nổi tiếng quy củ với đồng phục đẹp lịch lãm như Trường nữ sinh Bùi Thị Xuân, Trường nam sinh Trần Hưng Đạo. Hình ảnh nữ sinh Đà Lạt với bộ áo dài trắng tinh khôi, bên ngoài là chiếc áo len xanh đen mỏng nhẹ nhàng mà ấm áp làm nổi bật sắc má hồng đào đã làm ngẩn ngơ biết bao chàng trai và du khách khi tới lãng du vùng đất này.
Có thể nói, trang phục của người Đà Lạt xưa khá độc đáo và nó vẫn được kế thừa tới ngày nay, mặc dù thời trang đã có nhiều thay đổi nhưng người Đà Lạt vẫn giữ thói quen ăn mặc chỉn chu với những trang phục kín đáo, lịch lãm mỗi khi ra đường và tham dự cưới hỏi, tiệc tùng,.. Đây cũng là nét đẹp văn hóa góp phần thể hiện phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch, kín đáo và rất hiếu khách...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin