Phong cách sống của người Đà Lạt ung dung thư thái, có lẽ thiên nhiên nơi đây mát lành, yên tĩnh đã góp phần tạo nên tính cách của người Đà Lạt từ khi hình thành cho đến lúc phát triển như hiện nay. Một tính cách riêng, một giọng phát âm khác biệt. Đây là nơi hội tụ dân cư từ Bắc vào làm vườn, trồng rau, hoa từ những năm 20-30 của thế kỷ trước, Nhân dân miền Trung vào đây đi làm thợ, đi làm thuê và một ít dân miền biển, miền Đông Nam Bộ lên buôn bán, giao lưu... tạo nên một vùng ở miền Nam Tây Nguyên mang sắc thái tổng hòa trong cung cách ứng xử, giao tiếp, trong từng lễ giáo gia đình và các nghi thức trong đời sống tâm linh của người Việt.
Tác phẩm: Bến thuyền - kỹ thuật chớp sáng. Ảnh: Cố NSNA Nguyễn Bá Mậu |
Theo lịch sử, toàn quyền Đông Dương Pual Doumer chấp thuận chọn Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng của quân đội viễn chinh Pháp. Từ đó, TP Đà Lạt dần dần hình thành và phát triển. Người Pháp lập đồn đóng quân, mở những trung tâm huấn luyện quân sự, dân sự (trong đó có trường đào tạo sĩ quan thuộc quân đội Pháp - Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt - nay là Học viện Lục quân), mở các trường học từ mẫu giáo đến trung học, tất cả những trường này, học sinh đều học chương trình Pháp, giao tiếp bằng tiếng Pháp, nơi đây phần lớn là con em sĩ quan quân đội Liên hiệp Pháp, con những nhà tư sản dân tộc, chủ đồn điền.
Từ những đặc điểm trên, văn hóa của cư dân Đà Lạt trong giao tiếp và ứng xử được pha trộn giữa bản sắc địa phương và nền văn minh phương Tây. Xin nêu ví dụ: Người dân Đà Lạt ra đường từ chị bán đậu hũ cũng mặc áo dài, chị bán rau cũng mặc áo dài khoác áo len, đội nón lá. Ở tầng lớp trí thức và quý tộc, đàn ông ra đường mặc veston, măng tô, đi giày da, thắt calavat và hút thuốc bằng ống buýp. Phụ nữ mặc áo dài, mặc váy, khoác áo len, măng tô san, che dù màu, đi guốc cao gót… và phong cách ăn nói cũng chỉn chu, lịch thiệp xen lẫn một chút tây học như Pôngrua, moa, toa, mẹc xì, kèm theo cái bắt tay.
Xuất phát từ những điểm ấy, người dân thành phố cao nguyên mang một phong cách nửa tây nửa ta, từ đó các phương tiện, công cụ để làm nên tác phẩm văn học mà người phương Tây sử dụng cũng được người dân An Nam ưa thích trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh.
Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, sống vào thế hệ thứ hai, tôi luôn luôn tâm niệm: Thầm cảm ơn những thế hệ đàn anh đi trước đã cất công ghi lại những hình ảnh làm chứng nhân lịch sử cho người đời sau. Trong đó phải kể đến tên những nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông, đây là 3 cây đại thụ trong giới chụp ảnh nghệ thuật của Đà Lạt. Ngoài ra, còn có những nghệ sĩ tên tuổi nơi khác cũng sáng tác nhiều về Đà Lạt như nghệ sĩ Phạm Văn Mùi, Đinh Tiến Mậu, Nguyễn Mạnh Đan, Khưu Từ Chấn...
Trong phần này, xin nói riêng về ảnh Đà Lạt xưa, phần lớn các ảnh để lại mang tính chất tư liệu lịch sử. Rất quý, rất hiếm, người xem những hình ảnh xưa, tác giả cho ta góc nhìn về Đà Lạt buổi sơ khai. Những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp, người dân tộc Lạch, K’Ho, dân tộc thiểu số ở cao nguyên Lâm Viên có đôi tai căng dài, nụ cười "không có răng", phụ nữ khoe bộ ngực trần, những đêm âm vang cồng chiêng bên chóe rượu cần, những bức ảnh này mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Số ảnh nghệ thuật về thời kỳ này quá ít, quá hiếm. Chỉ có bộ ảnh đồ sộ của cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Mậu cho ta cái nhìn rõ nét về ảnh nghệ thuật, ông là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thời bấy giờ có kỹ thuật buồng tối vào loại bậc nhất, đã để lại cho đời những bức ảnh trái sáng, chớp sáng, phân sắc độ… Đi sâu tìm hiểu ta mới thấy tác giả đã bỏ công rình mò, săn đuổi để chộp ra những bức ảnh nghệ thuật có hồn riêng, có một thông điệp mà tác giả muốn gửi đến cho người xem. Thời kỳ này ở Đà Lạt có rất nhiều tiệm ảnh nhưng đa phần là chụp ảnh (chân dung, salon...). Nhu cầu chính là kế sinh nhai, cũng có nhiều anh em đam mê nhiếp ảnh còn gọi là chụp ảnh tự do nhưng chỉ dừng ở chỗ ảnh kỷ niệm, chứ không có chiều sâu và niềm đam mê thực thụ. Điển hình như nhà khoa học Nguyễn Bạt Tụy, ông chụp ảnh tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, hay nhà làm bánh Lục Trạch Ký đã tự chế ra máy ảnh, máy phóng ảnh panorama (quét 180 độ), cho người xem ảnh có góc nhìn rất rộng. Cũng cần nhắc thêm, những nghệ sĩ trong giới nhiếp ảnh thời kỳ này đã trải qua trường lớp, sách vở, bạn bè với tính cách cầm tay chỉ việc. Họ có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong việc chụp ảnh và xử lý ảnh (buồng tối). Không phải xô bồ như nhiếp ảnh ngày nay.
Trở lại, chủ đề ảnh nghệ thuật ngày nay lấy cột mốc từ những năm 1990 trở lại đây, thực ra trước đó chỉ có những người phóng viên chuyên chụp ảnh cho báo và tạp chí mới có điều kiện thể hiện vì họ được nhà nước đầu tư phim, giấy ảnh và trả lương đi làm việc. Họ được quyền sử dụng máy ảnh và phim tùy theo ý thích, theo ngẫu hứng khi đi sáng tác.
Có những người ngộ nhận giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Ở đây tôi không nói là đạo ảnh nhưng người chụp thường thiếu tham khảo nên có những hình ảnh về phong cảnh và kiến trúc của Đà Lạt đã ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ. Nay có người thế hệ sau vẫn vác máy đi chụp, tác phẩm trình làng không những không đẹp, mà còn không hiểu về bố cục. Nhiếp ảnh đến với người xem bằng đường nét như bố cục của hội họa nhưng khác hội họa là phần ánh sáng trong bố cục.
Ngày nay, có những người cầm máy rất chất lượng, rất hiện đại thuộc loại đắt tiền. Nhưng thiếu tư duy, hiểu biết về phân bổ ánh sáng, mảng màu, đường nét và điểm nhấn về vấn đề tư tưởng hầu như là con số không. Với phương tiện hiện đại, việc chụp ảnh quá dễ có thể dùng điện thoại, máy tính bảng để chụp ảnh. Phần hậu kỳ thuê mướn, nhờ vả các chuyên gia chỉnh sửa để cho bức ảnh thêm màu sắc, tạo cho ảnh rực sáng, bắt mắt. Nội dung xơ cứng không rõ chủ đề tư tưởng, không rõ ảnh muốn nói gì. Có những tác giả phản ảnh hiện thực đến mức độ không hiểu được cuộc sống xã hội ngày nay đang ngày càng phát triển, đang ngày càng đổi mới trên cao nguyên xanh. Lối bấm máy bê nguyên xi (tự nhiên chủ nghĩa).
Trở lại với chủ đề về văn hóa ứng xử của người Đà Lạt qua ảnh nghệ thuật, tôi đã phân tích chuyện xưa ở trên, chuyện hôm nay, chuyện ngày nay cần phải bàn. Nếu để có một “Dòng sông trắng” nói về buổi tan trường để tạo nên một bức ảnh nghệ thuật làm sao có được những tà áo trắng bay trên đường phố. Giờ tan trường ngày nay ở đường Bùi Thị Xuân, ôi, quá lộn xộn. Nào xe ô tô, xe máy, người đi bộ ăn mặc đủ kiểu... Vườn rau ở Sào Nam-Tây Hồ giờ đây toàn nhà ni lông, nhà kính, làm mất đi hình ảnh vườn rau bậc thang xinh đẹp ngày nào. Về con người, cách ăn mặc cũng đổi thay, ra đường thôi là đủ kiểu, thậm chí mặc đồ bộ, đồ ngủ ra đường. Nếu người bấm máy cứ tự nhiên bê vào thì "chết" ngay một đô thị văn minh xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận công lao của thế hệ trẻ, có những bạn trẻ đã chịu đầu tư máy móc, thiết bị, kể cả máy flycam chụp trên cao để có một góc nhìn lạ về TP Đà Lạt. Có những bạn trẻ lên đồi Ben Hét vào buổi sáng trời đầy sương để tạo nên những bức ảnh nhìn về thành phố trong sương mai. Những việc làm như vậy, những công sức đổ ra, những tư duy mới sao mà quá tốt, quá quý. Nhưng đa số tác giả vẫn tâm sự với tôi việc sáng tác ở Đà Lạt sao khó quá anh ơi, quay qua, quay lại cũng chừng ấy việc, đồi thông, sương mù, vườn rau... Phần lớn giải thưởng trong và ngoài nước các bạn ấy thể hiện góc nhìn ở các vùng xa, ở các tỉnh bạn. Trong các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật tác giả quen sáng tác về đề tài thiên nhiên, bấm máy, tư duy tự do quen thuộc, ít chú trọng đến sự đổi thay ở những vùng nông thôn mới, nơi ấy những con người mới đang làm tốt cho đời. Vì vậy, nên tổ chức định hướng sáng tác theo chủ đề, thực hiện những bộ ảnh về con người Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin