Tương đồng giữa nhân vật người con hiếu thảo trong truyện cổ tích của người Việt và người Hàn

LÊ THỊ NGA 00:26, 09/01/2025

Từ ngàn đời nay, tình cảm gia đình chính là sợi dây thiêng liêng nhất gắn kết gia đình và hiếu thảo là một trong những truyền thống tốt đẹp, là nết đầu tiên trong trăm nết, là gốc rễ của tất cả đức hạnh. 

Bộ truyện “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”
Bộ truyện “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”

Hiếu thảo theo Khổng Tử: “Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu". Truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích của người Việt và người Hàn nói riêng đã xây dựng nhiều nhân vật người con hiếu thảo với nhiều nét tương đồng. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi tiến hành khảo sát những truyện cổ tích của người Việt: Cậu học trò nghèo đỗ Trạng, Người thiếu phụ ở Nam Xương, Nàng Yến, Hoàng tử hiếu thảo, Sự tích chim đa đa; của người Hàn bao gồm các truyện cổ tích: Shim Cho’ng người con gái hiếu thảo, Món quà của thần núi, Lúa của trời, Cháo giun đất, Cá chép mùa đông, Bảy anh em chòm sao bắc đẩu. 

Tác giả dân gian cả hai dân tộc đều đặt nhân vật của mình trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Nhân vật có cha/mẹ mất sớm, người còn lại ở trong hoàn cảnh bệnh tật, mù lòa: Cậu học trò nghèo đỗ Trạng, nàng Shim Cho’ng (Shim Cho’ng người con gái hiếu thảo); khó khăn tứ bề “con mọn”, mẹ chồng ốm nặng” (Người thiếu phụ ở Nam Xương); “trời đổ mưa suốt ngày... chị không được trả lương” (Lúa của trời), “hạn hán vô cùng khủng khiếp”, “không còn bất cứ thứ gì để ăn được” (Cháo giun đất); “Trời lạnh như thế này không thể có cá chép được” (Cá chép mùa đông);… Đôi lúc nhân vật được thử thách cả mạng sống. Hoàng tử hiếu thảo đứng trước thực tế: “vua cha đau nặng, thuốc thang chạy chữa đã hết phương”, và được chỉ cách “lấy não của một người trẻ tuổi...”; hay như “Phải giết con trai của chúng ta và nấu thành súp cho ông ta ăn” (Món quà của thần núi). Nàng Shim Cho’ong hiến mình cho Long Vương để đổi lấy ba trăm bao gạo dâng Phật để mong lấy lại ánh sáng trên đôi mắt cho cha. Đặt nhân vật trong những cảnh huống ấy nhằm tôn thêm giá trị của tấm lòng hiếu thảo.

Đứng trước những thử thách vô vàn khó khăn, nhưng tất cả đều sẵn lòng và hành động một cách quyết đoán. Hoàng tử hiếu thảo lập tức hành động “truyền người đem cắt đầu mình, lấy não đem hòa với thuốc để vua cha uống”. Với nàng Yến, khi cơn sống thần ập đến, cô bé chỉ còn chút sức lực yếu ớt nhưng vẫn dồn hết sức bình sinh còn lại moi trong kẽ đá một củ khoai rừng và mớm cho cha mẹ ăn. Shim Ch’ong hiểu hơn ai hết những khó khăn và thiệt thòi của một người mất đi ánh sáng và khát khao được ngắm nhìn lại vẻ đẹp của cuộc đời. Nàng sẵn sàng hi sinh không một phút do dự quyết định đánh đổi cả mạng sống của mình. Vợ chồng người con trai trong Món quà của thần núi đã “như một người điên, người cha vội đứng dậy túm lấy đứa con thả vào nồi và đậy sập vung vào”. Hành động này dường như là giới hạn cao nhất: hi sinh một người thân yêu này để cứu một người thân yêu khác còn gì có thể đau đớn hơn?

Sự chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ như một lẽ thường tình tất nhiên đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người. Nhân vật luôn để dành những phần thức ăn ngon nhất cho cha mẹ: “lấy những thức ăn ngon mà cô đem được về cho cha ăn” (Shim Cho’ng người con gái hiếu thảo), Bảy anh em chòm sao bắc đẩu “luôn cố gắng dành cho mẹ những thức ăn ngon lành nhất”,… Trong truyện cổ tích người Việt có những hình ảnh Cậu học trò nghèo đỗ Trạng đã đi chăn bò cho nhà phú hộ để có chút cơm qua ngày cho hai mẹ con, mượn cái nồi còn thừa cơm để vét mang về cho mẹ; người con rể phát hiện vợ mình đưa thóc lép cho cha mẹ nên đã lấy bị thóc khác đưa cho họ (Sự tích chim đa đa),… luôn sống mãi trong lòng bạn đọc như tấm gương hiếu thảo sáng ngời. Không chỉ là miếng ăn mà còn chăm sóc cả giấc ngủ và những suy nghĩ luôn hướng về cha mẹ. Sau khi quyết định hiến mình cho Long Vương để cứu cha, Shim Cho’ng “Tối nào cô cũng thức đến tận khuya để giặt giũ, vá áo cho cha [..]. Cô lấy giấy dán vào tất cả các khe hở trên tường cũng như trên sàn nhà. Cô giặt giũ hết chăn đệm và làm đủ mọi thứ mà cô thấy cần thiết để giúp cha”; cho đến những suy nghĩ: “Nghĩ đến việc phải bỏ cha ở lại một mình trái tim cô như tan vỡ”. Những tâm tình thầm kín của mẹ cũng được những người con trai thấu hiểu nên họ xây cầu trong âm thầm (Bảy anh em chòm sao bắc đẩu). Nàng Vũ Thị Thiết (Người thiếu phụ ở Nam Xương ) “thay chồng chăm lo mọi việc”, vẫn tận tâm chăm lo cho mẹ chồng “hết sức chạy chữa”,...

Truyện cổ tích luôn xây dựng theo quan niệm “ở hiền gặp lành”. Vậy nên, dù gặp những tình huống khó khăn, thử thách nhưng nhân vật đến cuối cùng chính tấm lòng hiếu thảo đã giúp họ vượt qua tất cả và có kết thúc có hậu. Chàng hoàng tử (Hoàng tử hiếu thảo), nàng Shim Cho’ng (Shim Cho’ng người con gái hiếu thảo), người cháu (Món quà của thần núi),... không những là không chết mà còn giúp cha hết bệnh tật, sống khỏe mạnh; nàng Yến tuy hi sinh bản thân mình nhưng lại cứu được cha mẹ. Chúng ta có thể thấy được điểm chung của món ăn mà hai người con dâu (Lúa của trời, Cháo giun đất) nấu cho mẹ chồng rõ ràng không phải là món ngon cao lương mĩ vị thậm chí ghê tởm nhưng khi ăn các bà cụ lại cảm nhận được “vị ngon lạ thường đến vậy”,“cháo rất ngon”. Vị ngon ấy dường như không chỉ là vị của những bát cháo mà đó là mùi vị của tình thương và lòng hiếu thảo của những người con dành cho cha, mẹ mình. 

Văn học chính là tấm gương phản chiếu hiện thực. Tấm lòng hiếu thảo chính là hiện thực, là mẫu số chung trong bản tính con người cho dù chúng ta đang ở quốc gia, dân tộc nào, chịu ảnh hưởng tôn giáo nào. Bên cạnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc cùng được bao trùm bởi tam giáo Nho - Phật - Đạo; có sự gần gũi và tương đồng về điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội. Do vậy trong văn học nói chung và truyện cổ tích nói riêng sự tương đồng là một lẽ tất nhiên.

Việc nghiên cứu để tìm ra điểm tương đồng ở nhân vật người con hiếu thảo góp phần giúp chúng ta hiểu sâu hơn về văn hóa nước bạn, là nhịp cầu tăng thêm mối quan hệ giao lưu hữu nghị giữa hai quốc gia.